
Sợ rằng mọi người đã quên, nên tôi ghi lại đôi điều về những cái thìa nhôm, hay "cù-dìa" hoặc "cùi dìa" bằng nhôm mà thế hệ 7X, 8X đã từng được bà hay mẹ dùng đút bột, đút cháo để lớn lên, cao bằng sào bằng gậy và giờ đây thì tóc đều đã điểm bạc.
Trước thìa nhôm thì trẻ con ăn bột, ăn cháo bằng gì tôi cũng không biết và còn băn khoăn cho đến giờ. Nhiều khi cứ nghĩ rằng hay là hồi xưa trẻ con ăn cơm nhá, truyền mồm từ bà, từ mẹ sang là xong. Vì nghe kể trong làng còn có người sống bằng nghề nhá cơm nữa là. Giờ nghe ghê ghê nên chẳng hỏi kĩ làm gì.
Còn khi tôi lớn lên thì bữa cơm nhà bao giờ cũng thấy bà nhắc anh chị khi dọn cơm lấy thìa, lấy "cù-dìa". Thìa để "rưới" nước mắm, nước xào, còn "cù-dìa" thì để cho em bé ăn.
Thìa nhôm xưa kiểu dáng đơn giản, thường là thìa trơn, ít khi có họa tiết hay hoa văn trang trí. Thìa bán ở chợ thường được gọi là thìa gia công, các bà các chị hay chê là mỏng "banh banh", nhưng không mua thì không có cái mà dùng, thìa nhà máy bán trong cửa hàng bách hóa của huyện không phải ai cũng mua được, nên đành phải mua thôi.
Những cái thìa nhà máy thì rõ là tốt hơn, nhôm trắng, dày dặn, xếp thành bó 5 hay 10 cái. Thìa mới còn lớp phủ mờ, dùng chừng vài tháng sau sẽ hết. "Cù-dìa" thì nhỏ, cán dài, đôi loại có trang trí ở cán họa tiết cách điệu đơn giản. Nhiều bà, nhiều chị lại không ưa loại này bảo rằng bám bẩn, nên thích loại cán trơn hơn.
Nhiều nhà xuề xòa chỉ sắm thìa nhôm để dùng chứ không sắm "cù-dìa" nên mùa nóng muốn pha cốc nước chanh cái thìa to cắm vào cái cốc thủy tinh khoắng đường cũng khó nên đành khoắng bằng đũa. Gặp phải nhà trẻ con rửa bát không sạch, đũa vẫn có mùi thức ăn mặn, có khi còn át cả mùi cốc nước chanh không đá, người kĩ tính thì còn nhớ mãi cái mùi cốc nước chanh ấy.
Xưa chưa có nước rửa bát như bây giờ, nhà nào cũng phải tận dụng nước vo gạo để rửa bát. Bát đũa ăn xong bê ra sân bể rửa, người lớn rửa xong còn cẩn thận khoắng xem còn thìa to, thìa bé gì không. Trẻ con cẩu thả có khi đổ cả thìa vào nấu cám lợn. Đến khi múc cám cho lợn ăn thấy vướng vướng mới lôi ra cái thìa.
Nhưng như thế là còn cái thìa, chứ chậu nước gạo ấy mà hắt ra vườn, chẳng để ý thì có khi vài cái thìa cũng lẫn vào lá khô hay cỏ.
Lại có đứa ăn cơm xong vứt bát ra chậu chẳng chịu đổ nước vào ngâm, chó nhà, chó hàng xóm thấy dính thức ăn cũng tha cái thìa ra cuối sân, cuối vườn ngay. Khi mẹ phát hiện ra thì cái thìa đã méo duệch, ai dùng được nữa.
Thế nên mua chục thìa nhôm nhãng đi một thời gian cũng chỉ thấy còn một đôi cái là cùng. Nhà có trẻ con hay người già cần ăn cháo ăn bột mới sắm thêm, nếu không một hai cái thìa cũng là đủ.
Thế rồi đổi mới, cửa hàng bách hóa huyện, cửa hàng mua bán của hợp tác xã thưa khách dần, hàng hóa ngập chợ, ngập cửa hàng trong phố. Đồ inox về đầy. Người bán hàng bảo dùng đồ inox sạch, bền lại không độc. Chẳng phải người bán hàng nói khéo mà ai dùng rồi cũng thấy thích hơn hẳn những cái thìa nhôm ngả màu, bám bẩn, thi thoảng lại phải lấy tro đun bếp cọ cho sạch.
Những cái muôi nhôm pha gang cũng được thay thế bằng những cái muôi inox cán dài cho khỏi nóng. Thìa và "cù-dìa" nhôm vắng hẳn trong bữa cơm gia đình. Thảng hoặc lắm mới có nhà còn giữ, là do bà mẹ kiên quyết nhặt lại sau mỗi lần con cái dọn nhà.
Tôi vẫn nhớ về cái "cù-dìa’’ nhôm trong mâm cơm xưa. Bà tôi cũng gọi thế nên giờ tôi vẫn nhớ, cho dẫu thời gian đằng đẵng và bà tôi đã ở nơi đám mây, ở nơi ngọn gió chỉ còn trở về trong nỗi nhớ của tôi.