Nhớ lại hồi còn là đứa nhóc, còn mang quần thủng đít, ngóng tai nghe người lớn nói chuyện y như rằng lại bị mắng: “Con nít biết gì”. Ấy vậy mà có những chuyện của con nít in đậm cho đến tận lúc đã lên lão. Tôi có ông bạn học cùng tuổi, hồi đó “thò lò mũi xanh”, thân nhau cho tới bây giờ. Cứ mỗi lần ngồi bên chén trà, chúng tôi lại hay nhắc chuyện xưa. “Nhớ nhất là ông bị đội cái mũ phi công Mỹ, khiếp sợ đến mức chạy một mạch qua động cát về nhà”.

Đơn vị dân quân Dương Thủy (huyện Lệ Thủy), bắn rơi máy bay thứ 300 của Mỹ tại Quảng Bình năm 1967. Ảnh: Bảo tàng Quảng Bình.
Ấy là một chiều muộn vào đầu tháng 11 năm 1967. Người làng tôi chuẩn bị bữa cơm tối, bọn trẻ con như chúng tôi thì chạy loăng quăng từ nhà ra hầm trú ẩn đợi cơm, đồng thời chuẩn bị theo mấy anh thanh niên kéo nhau lên đồi cát sau làng xem cảnh tên lửa rượt đuổi máy bay Mỹ.
Khi đó, nhiều tốp máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá bến phà Long Đại. Một bến phà huyết mạch nằm trên đường 15 (đường Hồ Chí Minh bây giờ). Máy bay thường đánh bom vào ban đêm. Tụi nhóc chúng tôi thường theo các anh thanh niên kéo nhau lên ngủ trần trên động cát. Mỗi lần nghe tiếng máy bay, chúng tôi lại nghểnh cổ nhìn lên trời, dõi theo từng ánh chớp, từng vệt đạn lửa đỏ rực từ lưới lửa phòng không và tên lửa của các chú bộ đội đang bắn hạ máy bay, bảo vệ cầu, phà Long Đại.
Sau khi nghe mấy tiếng nổ, rồi tiếng ai đó hét lớn đến mức cả làng đều nghe thấy: “Máy bay cháy rồi! Máy bay cháy rồi!”.Mọi người đều ngẩng lên nhìn bầu trời, thấy một chiếc máy bay như mang cả khối lửa lao sà xuống, bay qua làng và hướng ra biển. Một lúc sau, tiếng nổ ầm vang lên kèm theo ánh lửa và khói đen cuồn cuộn bốc lên từ động cát sau làng Bắc Ngũ (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Rồi những tiếng thét vang dội: “Phi công Mỹ nhảy dù! Phi công nhảy dù, bà con ơi!”.
Trên bầu trời, hiện rõ hai chiếc dù cùng hai hình người lủng lẳng bên dưới. Một chiếc dù trắng, chiếc còn lại là dù đỏ trắng xen lẫn, đang từ từ hạ độ cao, cũng theo hướng ra biển. Các anh chị trong lực lượng dân quân xách súng, dao, đòn xóc… phóng chạy đuổi theo, rướn hết sức mình, băng qua từng đồi cát trải dài để bắt kịp hai chiếc dù đang ngày càng hạ thấp.

Bộ đội địa phương Quảng Bình chiến đấu bảo vệ bến phà, cầu phao Long Đại. Ảnh: Bảo tàng Quảng Bình.
Người làng vẫn còn kể lại chuyện bắt phi công Mỹ nhảy dù như là mới chuyện hôm qua. Trong làng lúc đó có trạm của Binh trạm bộ đội. Chú Chường, khi đó là Trạm trưởng, chạy dẫn đầu nhóm dân quân khỏe nhất tiếp cận hai phi công khi hai chiếc dù vừa chạm đất. Từ xa, chú Chường và mọi người còn thấy rõ một phi công Mỹ đang cầm chiếc máy điện đài để liên lạc gọi cầu cứu. Chú Chường chạy chậm lại mấy bước như để lấy sức và nâng khẩu súng ngắn lên. “Đoàng!”, chỉ một phát súng và chiếc tổ hợp trên tay phi công vỡ tan. Hai phi công Mỹ như đổ sụp xuống rồi cố vươn dậy, đưa hai tay lên trời…Ai cũng nói, nếu hôm đó không có chú Chường bắn vỡ cái tổ hợp thì viên phi công gọi máy bay đến cứu ném bom, rốc két thì người làng chắc thương vong nhiều vì trên đồi cát không có hầm hào để tránh.
Chúng tôi chạy ù lên đồi cát sau làng, gần với hầm trú ẩn, để xem chiếc máy bay bốc lửa bay chéo từ phía tây phà Long Đại, hướng ra biển. Bay đến đồi cát, chúng tôi thấy hai cái dù trắng bung ra. Phút chốc, hai hình người lủng lẳng treo trên đó. “Phi công nhảy dù, phi công nhảy dù bà con ơi!”. Các chú bộ đội, dân quân cầm súng phóng chạy theo hướng hai chiếc dù đang lơ lửng, rơi chầm chậm. Tụi con nít bị gạt lại, cấm không cho chạy theo.
Đến sáng hôm sau, đám con nít mới hay tin có một phi công Mỹ bị bắt sống đang ở hầm phòng tuyến của xóm ngoài. Một phi công tiếp đất thì bị thương nặng và tử nạn.

Bến phà và cầu phao Long Đại những năm chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: Bảo tàng Quảng Bình.
Đám con nít thì nhanh lắm, nghe kháo là như những con chim sẻ vù bay cho kịp xem mặt phi công Mỹ. Tôi chạy trước, vừa thở vừa chui tọt vào hầm phòng tuyến thì ông Láp - là dân quân, cầm ngay cái mũ phi công bằng da có những sợi dây quai đung đưa, chụp ngay lên đầu tôi. “Cho thằng ni cái mũ phi công!”. Khiếp vía, tôi chụp ngay cái mũ, ném xuống đất và quay lưng phóng chạy, bên tai nghe ù ù gió, mặc cho nhiều tiếng gọi réo từ đằng sau. Tôi còn nhớ như in đã phóng chạy qua đồi cát, qua mấy con khe nước mát lạnh và chui tọt vào hầm tránh bom nhà tôi, ôm đầu chúi sát đất, đít chổng ngược lên trời. Cho đến khi cha tôi từ hầm phòng tuyến nơi giữ phi công Mỹ chạy về, ôm tôi vào lòng, tôi mới hết sợ…
Cạnh hầm phòng tuyến có nhà cụ Em. Cụ có người con trai là bộ đội phòng không trong đại đội Nguyễn Viết Xuân “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Con trai cụ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ở miền Tây Quảng Bình. Khi mọi người đang bàn tán về chuyện phi công, chuyện tôi bị ông Láp đội mũ phi công lên đầu, sợ quá chạy như ma đuổi, thì cụ Em đã phóng vào hầm, trên tay cầm cây dao mác bén ngọt. May làm sao, có anh bộ đội đã kịp ôm lấy cụ khi mũi dao mác bén ngọt chỉ cách ngực phi công Mỹ chưa đầy nửa gang tay. Cụ Em gầm lên: “Tao giết mày để trả thù cho con tao. Đồ quân xâm lược tàn ác...". Nhìn ánh mắt căm hờn của cụ và cái mũi dao sắc nhọn hoắt, bén ngọt, phi công Mỹ sụp xuống khiếp đảm.
Hôm sau, không biết nghe ai nói bên Mỹ không có khoai lang mà ăn, cụ Em nói cụ bà nấu và bưng dĩa khoai chín bốc khói, mật ngọt ứa ra tận vỏ. Cụ bảo với mấy chú bộ đội bảo vệ: “Mang vô cho hắn ăn, chớ hắn không có cái thứ ni mô. Tội của hắn thì có Nhà nước xử rồi...”. Mấy hôm sau nữa, dân quân nhận lệnh từ tỉnh, áp giải phi công này đi theo đường phòng không về Tỉnh đội...

Hình ảnh một phi công Mỹ nhảy dù bị bắt sống tại vùng nông thôn Bắc Việt Nam. Ảnh: Internet.
Còn viên phi công xấu số đã tử nạn. Cha tôi, ông Láp và mấy chú dân quân trong thôn đưa đi chôn dưới chân động cát sau làng. Mấy mươi năm sau, khi tôi xa nhà, có lần về quê, tôi nghe bà con kể rằng có một phái đoàn, cả người Việt lẫn người Mỹ, đến đóng trại ở khu vực đó để đào cát và lần tìm phần xương cốt của người phi công nọ. Bà con trong làng cũng đã mang chuối, cam, khoai lang luộc…cho đoàn trong suốt thời gian đó.
Chiếc máy bay rơi nằm ở đụn cát sau làng, với cái buồng lái và hai cánh còn nguyên hình dạng. Tụi con nít lâu lâu lại đội nắng, trèo qua đụn cát ra nơi máy bay rơi để…chơi. Lại tranh nhau trèo lên cánh, chui vào buồng lái, một lúc chán thì kéo nhau về. Cũng có khi thì theo mấy anh thanh niên của xóm, mang kềm, cờ lê ra đó mở ốc vít từ thân máy bay để mang về vặn vào trục xe đạp và lấy đó làm oai lắm. Bẵng đi thêm mấy năm nữa, khi đi ra vùng máy bay rơi, thì không thấy dấu vết, dù chỉ là những mẩu nhỏ nhất. Ông Quốc bảo: “Cái hồi họ thu mua phế liệu, người ở đâu đến cắt xẻ mang đi hết. Bà con trong làng biết vậy nhưng cũng không thể ngăn cản được. Đâu khoảng tháng thì cả máy bay sạch trơn như bây giờ”. Thoáng nhớ đến cái thời chui vào buồng lái máy bay để tưởng tượng có ngày mình cũng được bay lên bầu trời.