Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo Chi cục Thú y vùng IV, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa) giảm hơn so với cùng kỳ năm 2024. Các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm xảy ra đã được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Đẩy mạnh công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi. Ảnh: Lan Anh.
Ông Lê Thanh Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng IV chia sẻ, có được kết quả tích cực này là do các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn đã chủ động phối hợp triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đôn đốc, tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Đến nay, toàn vùng có 138 vùng, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm 122 cơ sở, 16 vùng (10 cấp xã và 6 cấp huyện). Các cơ sở này là những mô hình cần nhân rộng trên địa bàn và góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật.
Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh và xuất, nhập khẩu được các chi cục địa phương và Chi cục Thú y vùng IV thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định. Việc chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật được Chi cục Thú y vùng IV thực hiện chính xác, kịp thời trả lời kết quả cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện sớm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo vệ đàn gia súc, gia cầm và thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững.

Cán bộ Chi cục Thú y vùng IV thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm được gửi về đơn vị. Ảnh: Lan Anh.
Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung còn phổ biến; hạ tầng các vùng quy hoạch chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong kiểm soát, xử lý môi trường.
Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vacxin. Nhiều trại chăn nuôi còn nằm ngoài vùng quy hoạch, gần khu dân cư. Tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi ở một số nơi còn thấp. Lực lượng thú y cơ sở mỏng.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chưa gắn với công nghiệp chế biến toàn diện, chưa hình thành được nhiều chuỗi sản xuất khép kín bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu có yêu cầu khắt khe. Mặt khác, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp đã tạo điều kiện để mầm bệnh lưu hành rộng rãi…
Giữ vững vùng nuôi an toàn
Để tiếp tục giữ vững vùng nuôi an toàn và nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, thời gian tới, Chi cục Thú y vùng IV sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Trong đó, chú trọng thực hiện Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 4/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cho động vật có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Lan Anh.
Mục tiêu đặt ra là đảm bảo trên 80% tổng đàn vật nuôi được tiêm phòng đúng thời điểm, tập trung vào các bệnh nguy hiểm như dại, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa bàn có ổ dịch cũ và vùng nguy cơ cao, tổ chức lấy mẫu định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Chi cục cũng chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như: Dại, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm... nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch (nếu có) nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng. Xây dựng kế hoạch và thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động tại các vùng có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện nguyên nhân gây bệnh nhằm xây dựng chương trình, giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho tổ chức, cá nhân chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng; hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi ở Quảng Ngãi. Ảnh: Lan Anh.
Ngoài ra, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở sẽ được chú trọng, từ kỹ năng chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm đến thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ theo đúng quy trình.
“Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ giảm nguy cơ xẩy ra dịch bệnh trên động vật, góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong năm 2025 và những năm tiếp theo, bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, giảm được kinh phí chống dịch”, ông Lê Thanh Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng IV nhấn mạnh.