| Hotline: 0983.970.780

Cấp 'giấy thông hành' cho chó Bắc Hà

Thứ Ba 22/10/2024 , 13:34 (GMT+7)

Lào Cai Chó Bắc Hà thường theo chủ lên nương, chăn thả, lùa gia súc và trông nhà nên rất khôn ngoan, chưa khi nào giảm sức hút với người chơi.

Một chú chó Bắc Hà 50 ngày tuổi. Ảnh: H.Đ.

Một chú chó Bắc Hà 50 ngày tuổi. Ảnh: H.Đ.

Khuyển quý của Tây Bắc

Ông Sùng Quang Quân, người có thâm niên nuôi chó Bắc Hà cho hay, giống chó này được coi là một trong những giống khuyển quý của Tây Bắc. Chó Bắc Hà có nguồn gốc từ người Mông ở Bắc Hà và Si Ma Cai, bà con lấy địa danh để gọi chung cho loài chó này. 

Khi những con chó được sinh ra, chúng sẽ được đặt tên gắn với những sản vật địa phương, với cuộc sống thường ngày ở vùng cao để dễ nhớ, thân thuộc như thóc, gạo, su su...

Chó Bắc Hà có tính cách trung thành, thông minh, nhanh nhẹn và thường được người dân cho trông coi nhà cửa, theo chân chủ lên nương rãy, trông coi chuồng trâu. 

"Chó Bắc Hà khi sủa có nghĩa là báo hiệu việc gì đó vì linh cảm của chúng rất tốt. Tiếng sủa càng dồn dập nghĩa là có người đến rất gần rồi", ông Sùng Quang Quân nói. 

Chó Bắc Hà thường có màu đen, đỏ, vằn, vện song những con chó có màu lông hung đỏ được ưa chuộng nhất. Để lựa chọn được một chú chó Bắc Hà đẹp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người nuôi. Chó đẹp phải có bờm cổ rậm giống sư tử, khung xương vững chắc, tai cụp, đuôi dựng thẳng, lưng ngực bụng thon gọn... 

"Khi cho đàn chó ăn, con khỏe sẽ ăn nhiều, con nào vồ được chuột trước sẽ phản xạ mau lẹ hơn, gặp người lạ, con sủa trước sẽ không nhút nhát", ông Sùng Quang Quân chia sẻ. 

Cũng theo ông Sùng Quang Quân, có nhiều hộ ở trên bản nuôi chó Bắc Hà nhưng do để lai tạo tự nhiên nên rất khó tìm được những con thuần chủng. Có nhiều người dưới xuôi lên Bắc Hà tìm mua chó bố mẹ rồi về tự nhân giống nên hiện nay có nhiều trang trại có giống chó này. 

Giá cả của chó Bắc Hà tuy đã rẻ hơn trước nhưng chủ yếu phụ thuộc vào độ tuổi, kích thước, màu sắc. Tùy thuộc mỗi con, giá cả có thể dao động từ vài triệu tới cả chục triệu đồng. Và dòng chó này có tuổi thọ khá cao từ 15-20 năm hoặc hơn nếu được chăm sóc tốt. 

Trạm Thú Y Bắc Hà lưu cuống giấy tiêm phòng vacxin trên đàn chó đã cấp cho bà con. Ảnh: H.Đ.

Trạm Thú Y Bắc Hà lưu cuống giấy tiêm phòng vacxin trên đàn chó đã cấp cho bà con. Ảnh: H.Đ.

Xây nhà, sắm xe máy từ cảnh khuyển 

Trước đây, có những hộ nuôi chó sinh sản đã xây được nhà, sắm được xe máy nhưng hiện chỉ còn vài hộ bởi để có đàn cho đẹp rất vất vả và kỳ công. Chưa kể muốn cạnh tranh với những giống chó khác, chó Bắc Hà phải được huấn luyện do đó cần kinh phí rất lớn để đầu tư chuồng trại, sân chơi bài bản và có được những giống bố mẹ tốt mới có thể duy trì. 

Gia đình bà Đỗ Thị Ngọc ở tổ dân phố Nậm Cáy, thị trấn Bắc Hà hiện nay nuôi khoảng 15 con chó Bắc Hà. Gia đình bà cũng giữ lại được một số con chó Bắc Hà giống chuẩn dành cho nhân đàn, sinh sản. 

“Chồng tôi đam mê dòng chó này rồi lây sang cả mình, nên cả hai vợ chồng quyết định chuyển sang nuôi chó Bắc Hà. Chó Bắc Hà dễ nuôi, ngoan và biết trông nhà nhưng để có những đàn chó đẹp việc lai tạo, chọn giống không dễ. Khi nuôi phải tiêm phòng dịch bệnh cho đàn chó. Nhà tôi thường tiêm loại 5 chủng, và 7 chủng để chó khỏe mạnh”, bà Đỗ Thị Ngọc nói.

Cũng theo bà Ngọc, hiện nay ở nhiều nơi có thể nhân giống chó Bắc Hà nên giá bán không còn cao như trước đây. Chó Bắc Hà giá cả tùy từng con, con đẹp 6-7 triệu đồng/con, thậm chí 20 triệu đồng/con, còn có những con nhỏ dưới 50 ngày tuổi cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng.

Từ việc kinh doanh giống chó bản địa quý hiểm, mỗi năm gia đình bà có thêm nguồn thu nhập ổn định khoảng hơn 100 triệu đồng. 

Trong khi đó, theo ông Sùng Quang Quân, giá chó khuyển Bắc Hà đã giảm sút sau thời điểm Covid-19. Trước đó, có những đàn chó con đẹp lên tới cả trăm triệu có người đến tận nhà chọn mua luôn. Tuy nhiên, một lứa 5-6 con và người ta sẽ tách đàn chọn ra những con chó đẹp để nuôi mới được giá như vậy. 

“Có những năm bán được gần 2 tỷ đồng tiền từ việc kinh doanh cảnh khuyển quý Bắc Hà vì vừa buôn, vừa nhân giống”, ông Sùng Quang Quân chia sẻ.

Về vấn đề chăm sóc chó khi được chuyển từ vùng cao Bắc Hà về dưới xuôi, ông này cho rằng, việc chuyển vùng không quá lo lắng mà chỉ sợ chủ mới cho chó ăn ngon, ăn nhiều khiến chúng dễ bị đi ngoài, viêm đường tiêu hóa… 

Còn trước những nguy cơ bệnh dịch khác, chủ nuôi cần quan tâm tiêm phòng định kỳ, chăm sóc sức khỏe cho chúng vì cảnh khuyển thường gần gũi con người.

Chó Bắc Hà dễ nuôi, tuy nhiên tìm được những cặp chó bố mẹ thuần chủng không dễ. Ảnh: H.Đ.

Chó Bắc Hà dễ nuôi, tuy nhiên tìm được những cặp chó bố mẹ thuần chủng không dễ. Ảnh: H.Đ.

Để giữ cho đàn chó khỏe mạnh  

Cách đây hơn chục năm đã có những đơn vị huấn luyện chó chuyên nghiệp phối hợp cùng ngành nông nghiệp, thú y đến các xã vùng cao ở huyện Bắc Hà, Si Ma Cai để tìm hiểu nguồn gốc và gen chó bản địa thuần chủng. 

Chó giống gốc rất to khỏe và khôn, không kén ăn, đôi khi chỉ cần cơm nguội, thậm chí là cám, rất dễ nuôi so với những loại chó nhập ngoại. Tuy nhiên, thời điểm đó, thói quen thả rông chó của bà con khiến việc tìm được giống chó thuần chủng rất khó khăn, chó bị lai tạo, cận huyết… Cũng có những người đưa ra đề xuất bảo tồn giống chó Bắc Hà, song kinh phí cần rất lớn, đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư trang trại bài bản, khoa học để thu thập, phân loại việc này cũng mới dừng ở ý tưởng.. 

Còn về vấn đề tiêm phòng vacxin cho đàn chó, hiện nay bà con đã thay đổi nhận thức, sẵn sàng tiêm phòng cho đàn vật nuôi nhà mình. Chó Bắc Hà được bà con mang xuống chợ phiên đều được trạm cấp giấy chứng nhận sau khi tiêm phòng. Việc này để người mua và cả người bán yên tâm khi chó nhà mình được chủ mới mang về nuôi. 

Một tờ dán thông tin về bệnh dại và biện pháp phòng chống tại Bắc Hà. Ảnh: H.Đ.

Một tờ dán thông tin về bệnh dại và biện pháp phòng chống tại Bắc Hà. Ảnh: H.Đ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Thú y Bắc Hà chìa cuốn sổ lưu lại gốc giấy chứng nhận chia sẻ, với giống chó Bắc Hà, bà con còn báo cho thú y xã để tiêm phòng dịch vụ, thường sẽ tiêm 2 mũi, một mũi đầu tiên sau khi sinh ra và sau 28 ngày tuổi thì tiêm mũi thứ 2 cho chắc chắn.

Có những con chó giống được bán vào phía nam có giá khoảng 70-80 triệu đồng, vì vậy, bà con cũng muốn con chó nhà mình phải khỏe, phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và uy tín cho người bán. 

Tuy nhiên, một số bà con vùng cao chưa có ý thức cao vẫn thả rông chó, muốn tiêm phải hẹn trước để bà con xích chó ở nhà. Song, nhờ công tác tuyên truyền, từ đầu năm đến nay, chỉ riêng vacxin dại chó, Trạm Thú y Bắc Hà đã tiêm được trên 4.000 liều.

“Trong công tác thú y và phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi, một năm, chúng tôi triển khai tiêm 2 kỳ. Trước khi tiêm, trạm tham mưu phòng chuyên môn, huyện ra văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, triển khai xuống các xã, thôn bản để bà con đăng ký vacxin, lịch tiêm. Cán bộ thú y, cán bộ xã sẽ họp cùng bà con và tuyên truyền về từng loại vacxin, từng loại bệnh để bà con nắm bắt được”, ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay. 

Qua panô, áp phích, tờ rơi, bài viết phát trên đài ở xã, ở thôn bà con ngày càng nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn

LÀO CAI Nông dân vùng cao ở Lào Cai ngày càng tuân thủ nghiêm những 'nguyên tắc vàng' để sản xuất rau an toàn, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất, bảo vệ môi trường.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.