| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm, vừa là nhà quản lý vừa là chuyên gia

Thứ Sáu 02/06/2017 , 08:05 (GMT+7)

Cả cuộc đời gắn bó với nông nghiệp, trong đó có gần 40 năm phụ trách ngành, Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm vừa là nhà quản lý vừa là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Lập đồn điền làm mô hình thực nghiệm

Kỹ sư canh nông Nghiêm Xuân Yêm sinh tại làng Tây Mỗ, nay thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống khuyến học và đỗ đạt cao. Tốt nghiệp trung học ở trường Bưởi, ông vào học trường Cao đẳng Nông lâm Brévié. Trước khi tốt nghiệp thủ khoa trường này, ông có thời gian đi thực tập môn học chăn nuôi tại nông trường cà phê Boloven bên Lào. Ra trường, ông về giúp mẹ vợ trông nom ấp ruộng thầu của Cố Hồng ở Tuấn Lương - Hưng Yên. Vài năm sau, ông vay thêm tiền, và bán đồ trang sức của vợ, để mua được một ấp ruộng và đồi ở Sơn Cẩm, Thái Nguyên.

Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm (1913 - 2001)

NGƯT Nghiêm Dục Tú, nguyên giảng viên Học viện Ngoại giao, con gái đầu của cố Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm kể cho tôi biết: Đồn điền Sơn Cẩm có sẵn cây chè, cây quất cùng vài chục mẫu đất cày cấy và hơn chục con bò. Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, vừa trồng lúa vừa trồng cây công nghiệp (chè, cà phê, quất, nhãn), nuôi lợn và nuôi bò sữa, chăn tằm.

Quy mô đồn điền không lớn, một mô hình nho nhỏ vừa phải đã giúp ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghề nông và sống gần gũi bà con nông dân hai sương một nắng. Đồn điền Sơn Cẩm sau ngày Toàn quốc kháng chiến cũng chính là nơi cư trú của gia đình kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm một thời gian. Nơi đây, vợ ông cũng đã tần tảo lao động để nuôi đại gia đình cả chục con người, còn ông yên tâm công tác ở Bộ Canh nông. Cho đến sát ngày Chính phủ phát động giảm tô thì gia đình đã hiến lại đồn điền cho bà con địa phương.

Cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe kể lại, vì không chịu đi làm công chức cho chính quyền Pháp lúc đó, kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm phải hoàn lại số tiền học bổng mà nhà trường đã cấp cho ông trong thời gian học trường Bưởi và trường Canh nông. Vì thế, mỗi tháng, ông phải góp trả tại Tòa sứ Thái Nguyên 25 đồng Đông Dương.
 

Vừa làm quản lý vừa là chuyên gia

Đầu năm 1947, Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Canh nông. Tuy làm Thứ trưởng nhưng thực tế ông giữ vai trò Bộ trưởng điều hành công việc của Bộ Canh nông vì khi đó Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào Nam bộ.

Suốt 7 năm ở chiến khu, bên cạnh Hồ Chủ tịch và Chính phủ, ông đã thực hiện nhiều quyết sách mở mang nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng kinh tế ở vùng tự do. Chiến tranh cản trở, cơ quan Bộ liên tục phải di chuyển nhưng việc quản lý và điều hành Bộ Canh nông không hề gián đoạn. Vừa đẩy mạnh phát triển chính sách nông nghiệp ông vừa lưu ý đến công tác tuyên truyền, đặc biệt là báo chí. Vì vậy, những tờ báo được Bộ Canh nông quan tâm phát triển để đưa kiến thức nông nghiệp đến với nông dân như Canh nông tập san, Toàn dân canh tác… đều đặn phát hành bất chấp các trận càn quét của thực dân Pháp.

Trước đó, từ năm 1943, Nghiêm Xuân Yêm thường xuyên tham gia viết bài trên báo Thanh Nghị. Bài viết đầu tiên nhan đề “Vấn đề canh nông ở Bắc Kỳ: Thanh niên trí thức với nghề nông ở xứ nhà” đăng báo Thanh Nghị số 35 (16 Avril 1943). Các bài báo của ông chuyên viết về nông nghiệp, gắn với đời sống, tâm tư của nông dân và trách nhiệm của người trí thức với nghề nông nước nhà. Về việc chấn hưng nền nông nghiệp ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề người nông dân không có ruộng và ít ruộng, vấn đề chống độc canh cây lúa, vấn đề đưa chăn nuôi thành ngành đi đôi với trồng trọt, việc lai giống, việc dẫn thủy nông nhập điền...

Nhà báo Nguyễn Thanh Dương, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền phong, kể lại trong hồi ký “Một thời nhớ mãi”: Những năm 1960, giữa lúc phong trào thanh niên làm phân bón đang sôi nổi, Bí thư Trung ương đoàn kiêm Tổng Biên tập báo Tiền phong lúc đó là ông Lê Xuân Đồng gợi ý ông Dương đến gặp một vị Bộ trưởng vì nghe nói Bộ trưởng có nhiều ý kiến rất hay về phong trào.

Sáng hôm sau, nhà báo Nguyễn Thanh Dương đến Phủ Thủ tướng thì được dẫn vào phòng làm việc của vị Bộ trưởng. Ông Dương nói: “Được biết đồng chí có nhiều ý kiến về phong trào, tôi xin lắng nghe”.

Bộ trưởng hỏi một câu rất bất ngờ: “Là nhà báo, đồng chí có hiểu phân bón là gì không?. Ông Dương chưa kịp trả lời thì Bộ trưởng lại tiếp lời: “Trong nghề nông, cha ông ta đã từ lâu tổng kết: “Nhất nước, nhì phân”. Phân bón là vấn đề rất quan trọng đối với nông nghiệp. Đây là cả một thế giới khoa học”.

Suốt một giờ liền, Bộ trưởng thuyết minh về cái “thế giới khoa học đó”. Nhà báo Nguyễn Thanh Dương càng nghe càng thấy rối rắm mông lung, càng không hiểu Bộ trưởng đó muốn nói điều gì. Cuối cùng, ông xin phép cáo lui rồi kể lại nội dung cuộc gặp cho ông Lê Xuân Đồng nghe với sự tiếc nuối “không thể viết được gì”.

Nhà báo Nguyễn Thanh Dương đã cử nhà báo Đỗ Văn Thoan là Trưởng ban Nông nghiệp của báo Tiền phong đến gặp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nghiêm Xuân Yêm, một chuyên gia giỏi, để nhờ ông viết cho một bài về thanh niên làm phân bón như thế nào.

“Ngay hôm sau, chúng tôi đã có một bài rất tốt có cơ sở khoa học về vấn đề này”, nguyên Tổng biên tập Nguyễn Thanh Dương đã kể lại.

Cả cuộc đời gắn bó với nông nghiệp

Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm (1913 - 2001) đứng đầu ngành Nông nghiệp trong Chính phủ gần 20 năm, trong đó Bộ trưởng Bộ Canh nông (3/1954 - 1955), Bộ trưởng Bộ Nông lâm (1955 - 1960), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (1960 - 1963), Bộ trưởng Bộ Nông trường (1963 - 1971). Tháng 4/1971, ông được điều sang giữ chức Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, hàm Bộ trưởng. Từ năm 1976, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp.

Kỹ sư Nghiêm Xuân Yêm còn là Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam (1958 - 1988), Đại biểu Quốc hội 7 khóa liên tục (từ khóa I đến khóa VII), Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và đặt tên đường tại quận Hoàng Mai - Hà Nội.

 

Xem thêm
Bóng bàn Việt Nam giành 6 huy chương giải trẻ Đông Nam Á 2025

Đội tuyển bóng bàn Việt Nam kết thúc Giải vô địch trẻ Đông Nam Á 2025 với tổng cộng 6 tấm huy chương.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Phê duyệt quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình

Tuyên Quang Phó Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.