Bình Dương: Chú trọng hiệu quả công tác thanh, kiểm tra về tài nguyên và môi trường
Thứ Ba 12/04/2022 , 10:08 (GMT+7)
(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Sở TN&MT Bình Dương luôn chú trọng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong đó, công tác tiếp dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Qua đó, giúp người dân hiểu, tuân thủ quy định pháp luật, tạo niềm tin vào cách giải quyết của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Công khai, minh bạch
Bà Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Sở TN&MT đã điều chỉnh Kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho phù hợp tình hình thực tế tại địa phương trên cơ sở chuyển các đơn vị được thanh tra trong năm 2021 sang năm 2022 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, Sở luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo công tác thanh, kiểm tra được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và đúng trình tự thủ tục quy định pháp luật.
Tiến hành kiểm tra thực tế tại một doanh nghiệp ở Bình Dương.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cũng đã chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch, cập nhật kịp thời thành phần, hồ sơ thủ tục hành chính và công khai các quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương đến năm 2020 trên Trang thông tin điện tử của Sở TN&MT, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bình Dương và niêm yết Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất tại Trụ sở UBND tỉnh, Sở TN&MT và Chi cục Quản lý đất đai. Sở TN&MT còn đôn đốc các địa phương niêm yết công bố Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt; công khai Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo bà Nguyễn Ngọc Thúy, Kế hoạch thanh, kiểm tra về tài nguyên và môi trường năm 2021 sau khi phê duyệt được gửi về Thanh tra tỉnh Bình Dương, Thanh tra Bộ TN&MT để báo cáo và xử lý chồng chéo giữa các cấp, ban, ngành của tỉnh Bình Dương, của Bộ TN&MT, đảm bảo chỉ thanh, kiểm tra một doanh nghiệp một năm theo kế hoạch tối đa một lần. Ngoài ra, Sở TN&MT chỉ thanh tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc theo ý kiến phản ánh của cử tri, các thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng.
Riêng đối với công tác thanh, kiểm tra theo đơn thư phản ánh, kiến nghị của người dân địa phương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các Đoàn thanh, kiểm tra của tỉnh Bình Dương đều phối hợp với chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, để công khai quá trình giải quyết đơn thư phản ánh, Đoàn thanh, kiểm tra mời cá nhân, tổ chức phản ánh và bị phản ánh cùng đến làm việc để xác minh, giải quyết nội dung phản ánh. Qua đó, đã tạo được lòng tin đối với tổ chức, cá nhân có phản ánh và giúp giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh này.
“Trong năm 2022, Sở TN&MT sẽ triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục đã công bố và đúng với quy trình ISO và các biểu mẫu thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ triển khai Kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2022 có trọng tâm và trọng điểm, dựa trên các tiêu chí ưu tiên để nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, đảm bảo đúng đối tượng cần thanh, kiểm tra và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.
Trong năm 2021, Sở TN&MT Bình Dương đã kiểm tra và xử lý vi phạm đối với 135 hồ sơ do Phòng Cảnh sát Môi trường; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; các Phòng, đơn vị thuộc Sở chuyển đề nghị xử lý vi phạm với số tiền hơn 13,7 tỷ đồng và thu số lợi bất hợp pháp với tổng số tiền 884 triệu đồng, tịch thu khoáng sản tương ứng với số tiền 300 triệu đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Sở TN&MT đã thực hiện hoàn thành 89/101 hồ sơ thanh, kiểm tra và xử phạt 54 đơn vị với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng và thu lại số lợi bất hợp pháp với số tiền hơn 260 triệu đồng.
Nâng cao hiệu quả
Bà Nguyễn Ngọc Thúy - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Trong năm 2022, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân và quy chế phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật; giải quyết hiệu quả công việc chuyên môn để tránh trường hợp gây bức xúc, khiếu nại, nhất là công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; chủ động tham mưu, giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo ảnh hưởng đến uy tín của ngành TN&MT, địa phương và những vụ việc phức tạp mới phát sinh.
Cùng với đó, Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ kịp thời thỉnh thị ý kiến của cấp trên đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh liên quan đến tôn giáo, đơn thư đông người, không để xảy ra điểm “nóng”; rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo và tổ chức tiếp công dân, đối thoại để giải quyết kịp thời, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, vượt cấp, kéo dài. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về tài nguyên và môi trường bằng nhiều hình thức, phương tiện với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp với từng đối tượng.
Sở TN&MT Bình Dương sẽ tiếp tục tiếp nhận, giải quyết đơn thư theo quy trình ISO và quy định của pháp luật; nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh lĩnh vực tài nguyên và môi trường; chú trọng công tác tham mưu hiệu quả, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện nhiều lần; tập trung giải quyết các vụ việc đang xử lý và khẩn trương tham mưu ban hành kết luận đối với các đơn vị đã kiểm tra theo đúng quy định, đảm bảo thực hiện việc thanh, kiểm tra phải theo đúng trình tự, thủ tục đã công bố đúng với quy trình ISO và các biểu mẫu thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Thời gian tới, Sở TN&MT Bình Dương sẽ tập trung kiểm tra chuyên đề về đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các đơn vị chuyển từ kế hoạch năm 2021 sang; kiểm tra chuyên đề về công tác quản lý sử dụng đất đai đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản; kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013; kiểm tra chuyên đề đối với các đối tượng lắp đặt hệ thống, thiết bị quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục; kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; kiểm tra các doanh nghiệp có nguồn thải lớn có nguy cơ xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, suối.
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của một khu công nghiệp.
Ngoài ra, Sở TN&MT Bình Dương sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2022, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng quy trình ISO vào giải quyết thủ tục hành chính và các công việc của Sở TN&MT; tăng cường thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo Bộ ngành, giữa ngành TN&MT với các ngành khác và địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt trong việc thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện” của Sở.
Mặt khác, Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ tăng cường công tác đối thoại, vận động hòa giải, nâng cao số vụ hòa giải thành công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường phúc tra các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống, thiết bị quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục; thanh tra việc thực hiện các kết luận, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường.
Ngày 29/5, Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp đã có buổi làm việc với Cục Khí tượng thủy văn về về tình hình mưa, lũ và hành động trong thời gian tới.
THÁI NGUYÊN Để không bị động khi nước lũ dâng cao, các lực lượng ứng phó với thiên tai đang tăng cường lựa chọn nhân sự tham gia tập huấn điều khiển phương tiện thủy nội địa.
Chuỗi sự kiện sắp tới do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức đặt trọng tâm vào công nghệ xanh, thúc đẩy trách nhiệm cộng đồng và tái thiết sinh thái biển.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, cần lồng ghép bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, lối sống xanh trong cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu chuẩn bị kỹ nội dung chất vấn, phối hợp trách nhiệm và cập nhật kịp thời kiến nghị cử tri tại Kỳ họp Quốc hội XV.
Để vụ hè thu 2025 giành thắng lợi, ngành chức năng Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp, từ lịch thời vụ đến cơ cấu giống, đặc biệt là điều tiết nước tưới.
Chống ô nhiễm nhựa là ưu tiên toàn cầu. Việt Nam đẩy mạnh phân loại rác thải nhựa, tái chế và luật hóa trách nhiệm doanh nghiệp hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất tích hợp chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững nhằm tối ưu nguồn lực, phát triển bao trùm và bền vững giai đoạn 2026 - 2035.
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì 'Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường' năm 2025.
Quốc hội thảo luận Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi với nhiều điểm mới về phân cấp thu chi, thẩm quyền phân bổ và cơ chế điều tiết giữa Trung ương và địa phương.
Đắk Lắk Sáng 25/5, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tới thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên.
Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật, nhấn mạnh yêu cầu minh bạch trong dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng, đảm bảo hiệu quả sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.