Chiều 28/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Họp báo khởi động chuỗi sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì Môi trường tại Báo Nông nghiệp và Môi trường, Cầu Giấy, Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì Họp báo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Khương Trung.
Siết chặt quản lý ô nhiễm nhựa
Tại sự kiện, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam giới thiệu chi tiết về lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ diễn ra vào tối 6/6 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), với chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững”.
Năm 2025, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là lời hiệu triệu thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số, gắn với tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững - nơi chủ quyền, tài nguyên, hệ sinh thái và di sản văn hóa biển của Việt Nam.
Song hành với đó, chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng Hành động vì Môi trường năm 2025 tiếp tục là lời nhắc nhở mạnh mẽ về mối nguy của rác thải nhựa, cảnh tỉnh về thảm họa rác thải nhựa, đặc biệt là ở đại dương, sông ngòi, vùng ven biển và đời sống đô thị. Bởi lẽ, tình trạng ô nhiễm nhựa tại Việt Nam đang ở mức báo động. Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới phát sinh khoảng 430 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hai phần ba là nhựa dùng một lần. Việt Nam đóng góp khoảng 1,8 triệu tấn, phần lớn bị chôn lấp hoặc thiêu đốt, gây thất thoát tài nguyên và tổn hại nghiêm trọng tới môi trường. Trước thực trạng này, thay vì chỉ tuyên truyền, Việt Nam đã và đang luật hóa hành vi tiêu dùng, hình thành nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng lối sống xanh ngay từ cơ sở.
Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung cho biết, Việt Nam đã sớm xác định tính cấp bách của vấn đề và có các bước đi cụ thể. Từ Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2020 về tăng cường quản lý và tái chế chất thải nhựa, đến Quyết định 175/QĐ-TTg năm 2021 siết chặt đồ nhựa tại trung tâm thương mại và khu du lịch. Đặc biệt, từ năm 2026, túi nilon khó phân hủy dưới 50cm x 50cm sẽ bị cấm sản xuất và nhập khẩu. Song hành là cơ chế EPR - yêu cầu doanh nghiệp bao bì chịu trách nhiệm thu gom và tái chế sản phẩm đã tung ra thị trường.

“Đại dương là mắt xích cuối cùng tiếp nhận mọi tác động của con người. Nếu không bảo vệ biển từ hôm nay, chúng ta sẽ không còn bệ đỡ cho sự phát triển ngày mai”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cảnh báo. Ảnh: Khương Trung.
Cùng với đó, mô hình thu gom rác thải cũng đang thay đổi theo hướng minh bạch, gắn với trách nhiệm cá nhân. “Từ năm 2025, người dân sẽ trả phí thu gom rác dựa trên khối lượng thay vì tính theo hộ như hiện nay. Thí điểm mô hình ‘cân rác lấy tiền’ tại TP.HCM là thử nghiệm ban đầu nhằm định hình thói quen phân loại tại nguồn và tiết giảm rác phát sinh”, ông Trung nói.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp không ít trở ngại. Cơ sở hạ tầng xử lý rác chưa đồng bộ, năng lực phân loại tại nguồn còn hạn chế, đặc biệt là rác hữu cơ vẫn thiếu đầu ra kiểm soát hiệu quả. Để khắc phục, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành hướng dẫn định mức, đồng thời hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp tái chế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam nhằm gia tăng giá trị trong nước. Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, “mỗi người dân cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như phân loại rác, nói không với nhựa dùng một lần, tiết giảm lãng phí, để góp phần tạo ra những thay đổi lớn cho môi trường sống và cho các thế hệ tương lai”.
Gọi tên trách nhiệm với đại dương
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi nhiều nghị quyết chiến lược của Trung ương đang từng bước được cụ thể hóa thành hành động. Chủ đề năm nay, theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Nguyễn Đức Toàn, không chỉ là khẩu hiệu, mà là lời hiệu triệu hành động. Việt Nam đang khẳng định cam kết phát triển nền kinh tế biển hiện đại, dựa trên công nghệ và trách nhiệm. Những giải pháp như ứng dụng AI, cảm biến môi trường, giám sát sinh thái số, công nghệ tái chế rác thải đại dương… đang từng bước được triển khai.
“Đại dương là mắt xích cuối cùng tiếp nhận mọi tác động của con người. Nếu không bảo vệ biển từ hôm nay, chúng ta sẽ không còn bệ đỡ cho sự phát triển ngày mai”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cảnh báo.
Các sự kiện trọng điểm của Tuần lễ sẽ diễn ra tại Quảng Bình ngày 6/6. Buổi sáng là hội thảo chuyên đề “Thể chế, quy hoạch - Cơ hội cho phát triển kinh tế biển xanh”, tập trung vào quy hoạch không gian biển, năng lượng gió ngoài khơi và đầu tư xanh. Buổi chiều gồm hội thảo về ứng dụng AI trong truyền thông môi trường biển và chuyến thực địa tại cảng Hòn La, nơi được định hướng thành trung tâm logistics và công nghiệp biển miền Trung.
Tối cùng ngày, lễ mít tinh quốc gia tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Đồng Hới sẽ đánh dấu cao điểm chiến dịch, với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các tổ chức quốc tế và đông đảo người dân. Cùng với đó là hoạt động trao học bổng cho con em ngư dân, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ven biển, thể hiện tinh thần nhân văn song hành với phát triển bền vững.

Tổng Biên tập Báo Nông Nghiệp và Môi trường Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Khương Trung.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, “Tuần lễ Biển là cơ hội để mỗi người Việt thể hiện tình yêu với biển, với Tổ quốc, bằng hành động thiết thực, trách nhiệm cụ thể, cam kết dài lâu”. Đồng thời, ông kêu gọi báo chí tiếp tục đồng hành trong công tác tuyên truyền, bởi “mỗi bài báo là một hạt giống xanh, mỗi phóng viên là một sứ giả lan tỏa hy vọng và hành động vì môi trường”.
Song song là chuỗi chương trình chuyên môn như hội chợ sản phẩm kinh tế biển, cuộc thi ảnh “Báo chí với biển và hải đảo Việt Nam”, và hội nghị tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Việt Nam đang đối mặt với suy thoái nghiêm trọng của rạn san hô và rừng ngập mặn. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu Chính phủ quy hoạch 27 khu bảo tồn biển, cùng hàng trăm khu vực sinh sản và cư trú thủy sản.
Chiến lược nuôi trồng thủy sản xanh, như nuôi rong biển, công nghệ thấp carbon và tái tạo sinh thái, đang được đẩy mạnh. Mục tiêu đến 2030, diện tích bảo tồn biển và ven biển sẽ chiếm ít nhất 6% vùng biển quốc gia. “Phát triển không thể tách rời bảo tồn. Mỗi quy hoạch, mỗi đề án đều cần căn cứ khoa học và định hướng kiểm soát rủi ro rõ ràng”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.
Thông tin về sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường, cho biết, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 2141, đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể, gắn với chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì thực hiện các chuỗi sự kiện phát động quốc gia, trong đó Bộ giao Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện hoạt động Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.