Chiều 28/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo khởi động chuỗi sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì Môi trường. Đây là hoạt động mở đầu, đánh dấu sự khởi động chính thức cho các chương trình quy mô toàn quốc sẽ diễn ra xuyên suốt tháng 6.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Khương Trung.
Diễn ra tại Trung tâm Sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông (Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) của Báo Nông nghiệp và Môi trường, buổi họp báo do Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì, với sự tham dự của đại diện nhiều đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Ngoài phần thông tin chính thức, họp báo dành thời lượng lớn để trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ nội dung, cách thức triển khai, cũng như thông điệp truyền thông xuyên suốt của chương trình.
Tại sự kiện, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam giới thiệu chi tiết về lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ diễn ra vào tối 6/6 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), với chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững”.
Cùng ngày, hàng loạt hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức, xoay quanh thể chế phát triển kinh tế biển, điện gió ngoài khơi, ứng dụng AI trong truyền thông môi trường và triển lãm kinh tế biển địa phương.
Báo Nông nghiệp và Môi trường cũng công bố kế hoạch tổ chức Lễ Mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới vào sáng Chủ nhật 1/6 tại Quảng trường 30/10, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), xoay quanh chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa”.

Các phóng viên tham dự họp báo tại Trung tâm Sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông (Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) của Báo Nông nghiệp và Môi trường.
Lễ Mít tinh sẽ kết hợp nhiều hoạt động sáng tạo như mô hình “Gửi rác rút tiền”, trưng bày sản phẩm tái chế, sáng kiến giảm rác tại Vịnh Hạ Long, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, học sinh và doanh nghiệp địa phương.
Cũng trong dịp này, chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh” sẽ được triển khai từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6/2025, với loạt hoạt động cộng đồng từ chợ xanh, trường học xanh, siêu thị xanh đến các phong trào làm sạch biển và kêu gọi sáng tạo nội dung xanh trên nền tảng số.
Buổi họp báo hôm nay không chỉ là dịp để cung cấp thông tin chính thức mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngành nông nghiệp và môi trường trong việc huy động toàn xã hội chung tay vì một Việt Nam xanh và đại dương bền vững.
17 giờ 30 phút
Không thể phát triển nếu xem nhẹ môi trường và đại dương
Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí, truyền thông cùng các đại biểu đã luôn đồng hành, lan tỏa những nỗ lực bảo vệ môi trường, biển và hải đảo của đất nước, của ngành trong thời gian qua.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, các cơ quan báo chí truyền thông, tổ chức xã hội cùng chủ động tích cực hành động vì môi trường.
Năm 2025, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là lời hiệu triệu thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số, gắn với tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững - nơi chủ quyền, tài nguyên, hệ sinh thái và di sản văn hóa biển của Việt Nam.
Thông qua các hội thảo chuyên đề, hoạt động cộng đồng, sáng kiến đổi mới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường kỳ vọng các mô hình kinh tế biển xanh sẽ lan tan tỏa rộng khắp, ko chỉ trong nước mà cả quốc tế. Sự tham gia chủ động, sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân chính là lực đẩy hiện thực hóa một đại dương khỏe mạnh - an toàn - có khả năng phục hồi và phát triển bền vững.
Song hành với đó, chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng Hành động vì Môi trường năm 2025 tiếp tục là lời nhắc nhở mạnh mẽ về mối nguy của rác thải nhựa, cảnh tỉnh về thảm họa rác thải nhựa, đặc biệt là ở đại dương, sông ngòi, vùng ven biển và đời sống đô thị.
Nhân dịp này, Thứ trưởng kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, các cơ quan báo chí truyền thông, tổ chức xã hội cùng chủ động tích cực hành động vì môi trường trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiên phong trong đổi mới mô hình sản xuất, phát triển vật liệu thay thế nhựa, thân thiện môi trường; đồng hành trong công tác giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, thúc đẩy lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.
Và hơn hết, Thứ trưởng kỳ vọng mỗi người dân có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất - phân loại rác, nói không với nhựa dùng một lần, tiết giảm lãng phí - để góp phần tạo ra những thay đổi lớn cho môi trường sống và cho các thế hệ tương lai.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường bày tỏ tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng sự lan tỏa mạnh mẽ của truyền thông và báo chí, những chủ đề "Công nghệ xanh để đại dương bền vững" và "Chống ô nhiễm nhựa" sẽ không chỉ là lời hiệu triệu, mà sẽ trở thành hành động cụ thể, lan rộng từ bờ biển đến vùng cao, từ thành thị đến nông thôn.
17 giờ 20 phút
Tôn vinh các mô hình thí điểm giảm rác thải nhựa thành công

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường, trả lời câu hỏi tại họp báo.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường, chia sẻ, “Trong Tháng hành động vì môi trường năm 2025, chúng tôi tích cực tìm kiếm và tôn vinh các mô hình thí điểm giảm rác thải nhựa thành công. Ban tổ chức mong muốn sự đồng hành của các nhà báo, cơ quan truyền thông sẽ cùng đồng hành, lan tỏa các câu chuyển giảm rác thải nhựa điển hình. Chúng tôi kỳ vọng tính lan tỏa lâu dài của chuỗi sự kiện thông qua các thông điệp ý nghĩa như: Chống ô nhiễm nhựa - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”...
Nhóm các hoạt động truyền thông của sự kiện sẽ tích hợp các sáng kiến nổi bật vào các chương trình dài hạn, giúp tác động nhận thức, thay đổi hành vi lâu dài của cộng đồng.
Ông Dương Thanh Hải, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường, cho biết, trong Lễ phát động Quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2025 tại tỉnh Quảng Bình sẽ diễn ra nhiều hoạt động. Trong đó, Bộ sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề, ví dụ như Hội thảo “Thể chế, quy hoạch - Cơ hội cho phát triển kinh tế biển xanh”. Đáng chú ý là Hội thảo “Ứng dụng AI trong báo chí, truyền thông, văn hóa môi trường biển và phát triển du lịch biển”, tại đây sẽ giới thiệu nhiều bài viết hay của các nhà báo, lãnh đạo Cục như ứng dụng hiệu quả AI trong tòa soạn báo chí truyền thông, ứng dụng AI trong truyền thông rác thải nhựa,…

Ông Dương Thanh Hải, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường.
Theo Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Ngọc Thạch, sử dụng AI trong hoạt động báo chí là nội dung hay, theo đó, ông mong muốn sự đồng hành và tham gia của đồng nghiệp các báo nhằm trao đổi và thảo luận sôi nổi nội dung này cũng như các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2025 tại Quảng Bình.
17 giờ 10 phút
Thu gom rác theo khối lượng, không phải 'cân rác lấy tiền'
Trả lời PV Vietnamnet, Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung cho biết, hoạt động "đổi rác lấy tiền" không phải khái niệm mới mà vốn đã tồn tại dưới hình thức thu mua đồng nát, sắt vụn. Những năm gần đây, cơ quan chức năng triển khai nhiều chương trình tương tự nhằm thúc đẩy tái chế, như mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR), trong đó các doanh nghiệp sản xuất bao bì phải có trách nhiệm thu gom và tái chế phần bao bì đã đưa ra thị trường.

Người dân phường Cẩm Nam (Hội An) thí nghiệm điểm mô hình "cân rác thu tiền". Ảnh: Nam Thịnh/Báo Thanh niên.
Ông Trung nhấn mạnh, theo Luật Bảo vệ môi trường, đến năm 2025, người dân sẽ phải trả phí thu gom rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích, thay vì tính theo hộ như hiện nay. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, mới có một số địa phương như Quảng Nam áp dụng. Tại TP.HCM, việc thí điểm “cân rác lấy tiền” chỉ là bước đầu trong việc hình thành cơ chế trả phí theo lượng rác thải.
Ông đề nghị báo chí truyền thông đúng bản chất của chính sách: không phải người dân mang rác đi bán lấy tiền, mà là mua túi rác đúng chuẩn, qua đó xác định chi phí thu gom tương ứng với lượng rác thải thực tế. Đây là bước chuyển quan trọng trong thay đổi hành vi, thúc đẩy phân loại và giảm phát sinh rác tại nguồn.
17 giờ 05 phút
Giữ những tác động đến biển nằm trong tầm kiểm soát

Thứ trưởng Lê Minh Ngân làm rõ hơn câu trả lời của Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn.
Làm rõ hơn câu trả lời của Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết: Khi xây dựng các quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng bờ hay quy hoạch nguồn lợi thủy sản, cơ quan chức năng đều phải tiến hành đánh giá hiện trạng hệ sinh thái, môi trường biển Việt Nam; xác định các tiềm năng, thế mạnh để có thể đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch.
Để chứng minh hệ sinh thái suy giảm cần xác định rõ căn cứ để có thể so sánh và có dẫn chứng cụ thể. Thực tế, khi đã có tác động vào biển, kể cả kinh tế biến xanh thì thiên nhiên tại khu vực đó đều sẽ bị ảnh hưởng.
Vấn đề là làm sao để các tác động vẫn nằm trong tầm kiểm soát, để có thể hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Đó là nguyên tắc cơ bản trong tất cả các chiến lược, đề án, quy hoạch.
Việc quản lý được các hoạt động khai thác trái phép nguồn lợi từ biển vẫn luôn là vấn đề mà cơ quan quản lý quan tâm, sẽ tiếp tục có giải pháp.
Và phải nhìn nhận, đây không phải là chuyện ngày một ngày hai có thể thành công. Phải biến quan điểm chính trị của Đảng thành chính sách, quy hoạch, tuyên truyền một cách hệ thống. Từ giải pháp thể chế, quy hoạch, từ chính sách quản lý nhà nước, tuyên truyền nâng cao nhận thức để có sự chung tay của cả cộng đồng.
"Với ý chí lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu phát triển trong thời gian tới", Thứ trưởng nói.
16 giờ 55 phút
Xã hội hóa trong công tác phục hồi là bước đột phá trong lĩnh vực thủy sản

Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Lê Trần Nguyên Hùng (ảnh) cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành các quy hoạch bảo vệ khai thác nguồn lợi thủy sản, định hướng rõ 27 khu bảo tồn biển, 149 khu vực ở vùng biển, và 119 khu vực nội địa được khoanh vùng, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản của các loài thủy sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống.
Đối với khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc để giảm khai thác. Về nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ xanh được cho là đột phá để bán tín chỉ carbon. Lĩnh vực thủy sản đang tập trung chỉ đạo nuôi trồng rong biển, phục hồi hệ sinh thái.
Ngoài ra, còn Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam. Quy hoạch không gian biển với 4 đột phá và 5 nhiệm vụ tích hợp đồng bộ các quy hoạch của các lĩnh vực khác nhau. Đó là những điều quan trọng để định hướng lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là phục hồi hệ sinh thái.
Theo ông Hùng, Cục Thủy sản và Kiểm ngư cũng xây dựng chương trình có định hướng xã hội hóa trong công tác phục hồi. Đây là khâu đột phá để công tác bảo tồn có sự tham gia của doanh nghiệp, trong bối cảnh tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí.
“Quy hoạch không gian biển được Quốc hội thông qua đã tạo ra không gian tổng thể. Việc hợp nhất các tỉnh cũng tạo ra không gian rộng hơn, hệ sinh thái rộng mở, định hình hành lang sinh học để tiếp cận tổng thể kinh nghiệm của các nước trên thế giới”, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư thông tin.
16 giờ 45 phút
Bộ NN-MT sẽ đẩy mạnh trách nhiệm tái chế của cá nhân, doanh nghiệp

Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung trả lời câu hỏi tại họp báo.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Thu Hoài, Báo Tiền Phong, Phó Cục trưởng Cục Môi trường Hồ Kiên Trung cho biết, hằng năm, thế giới sản xuất 430 triệu tấn rác thải nhựa và 2/3 trong đó là rác thải nhựa dùng một lần (dữ liệu của Liên hợp quốc). Trong đó, Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, đa số là chôn lấp và thiêu đốt, gây thất thoát nguồn tài nguyên. Chính phủ luôn chủ động đưa ra các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Nội dung tập trung đưa ra một số các yêu cầu các cơ quan, đoàn thể không sử dụng đồ nhựa.
Năm 2021, Quyết định số 175/QĐ-TTg về đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025, chỉ rõ một số các trung tâm thương mại, khu du lịch sẽ không dùng đồ nhựa và hạn chế nhập khẩu đồ nhựa.
Từ năm 2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Trong giai đoạn 2025-2026, Bộ NN-MT sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, đẩy mạnh trách nhiệm tái chế của các cá nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuỗi các nhà tái chế đóng vai trò quan trọng và có giá trị lớn cho ngành tái chế của Việt Nam.

Nhà báo Thu Hoài, Báo Tiền Phong.
Hiện nay, về cơ sở hạ tầng và năng lực phân loại còn yếu, đầu ra rác thải thực phẩm chưa được kiểm soát tại các địa phương, Bộ NN-MT đã có hướng dẫn định mức thu gom chất thải, đôn đốc các địa phương, hình thành các doanh nghiệp tái chế chất lượng tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ninh.
16 giờ 40 phút
Biển đang trở thành một động lực phát triển rõ nét
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025 đánh dấu bước chuyển mạnh về nhận thức và hành động khi lần đầu tiên gắn liền với nhiều nghị quyết lớn của Trung ương, thể hiện rõ vai trò của biển như một động lực phát triển kinh tế bền vững.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Nguyễn Kiểm, Báo Quân đội nhân dân, về điểm mới của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh, điểm nhấn năm nay chính là chủ đề “Công nghệ xanh cho đại dương bền vững”. Đây không chỉ là một khẩu hiệu tuyên truyền, mà còn là lời hiệu triệu hành động, hướng tới việc kết nối và hội tụ các nguồn lực quốc tế, trong nước, để giải quyết những thách thức đang đặt ra đối với tài nguyên biển, môi trường biển và đa dạng sinh học đại dương.

Nhà báo Nguyễn Kiểm, Báo Quân đội nhân dân, đặt câu hỏi về điểm mới của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025.
“Chủ đề này cũng là cam kết thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về một nền kinh tế biển xanh, hiện đại và có trách nhiệm”, ông Toàn nói. Việc ứng dụng công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường, đến các giải pháp kỹ thuật số theo dõi rác thải và giám sát sinh thái biển, sẽ giúp gia tăng hiệu quả quản lý, giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đồng thời hỗ trợ các mô hình phát triển thủy sản, du lịch và giao thông biển thân thiện với môi trường.
Tuần lễ Biển 2025 cũng diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi lớn về mặt thể chế và địa giới hành chính. Cụ thể, sau quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính, tỷ lệ số tỉnh, thành phố có biển tại Việt Nam đã tăng từ 28/63 lên thành 21/34, phản ánh rõ định hướng tổ chức lại không gian phát triển quốc gia theo trục biển. “Sự thay đổi này chứng tỏ biển đã thực sự trở thành một lực kéo mới cho tăng trưởng, phát triển kinh tế”, ông Toàn nhận định.
Không dừng ở các hội thảo, tọa đàm hay hoạt động truyền thông, Tuần lễ Biển năm nay còn tập trung khuyến khích cộng đồng biến nhận thức thành hành động cụ thể, từ việc phân loại rác, giảm dùng nhựa một lần, đến tiết giảm khai thác ven bờ và tăng cường tái tạo nguồn lợi thủy sản. Những hành động lặp lại hàng ngày ấy, theo Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn, sẽ dần hình thành nên thói quen, một nền văn hóa ứng xử mới với biển, có trách nhiệm và phát triển lâu dài.
16 giờ 30 phút
Phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo vệ đại dương

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu tại họp báo.
Phát biểu tại họp báo, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết, thông điệp Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm này có chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững”. Chủ đề này đã thể hiện rõ bối cảnh cũng như các hoạt động mà Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.
Đại dương là không gian sinh tồn rất quan trọng, là mắt xích cuối cùng tiếp nhận tất cả những hoạt động của con người. Phát triển kinh tế là nhu cầu nhưng bảo tồn, bảo vệ đại dương là yêu cầu bắt buộc.
"Thông qua tuần lễ năm nay, chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề gốc rễ là phải phát triển kinh tế biển xanh, và trong đó, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là trung tâm. Đặc biệt điều này còn đặt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57.
Hiện nay, Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ đã được phê duyệt. Đây là những định hướng cách iếp cận tổng thể, với những giải pháp trọng tâm trọng điểm để làm sao giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, bảo vệ đại dương", ông Toàn nói.
Trong đó, 4 đột phá là phát triển hạ tầng logistic xanh, phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế biển xanh bền vững, và năng lượng xanh từ biển, theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Báo chí mong muốn đồng hành, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Tại buổi họp báo giới thiệu chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 và Tháng hành động vì môi trường, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định cam kết đồng hành cùng các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Theo ông Thạch, môi trường là một trong những chủ đề được nhiều cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa đến các giải pháp phát triển xanh, các cơ quan truyền thông đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh thực trạng, chuyển tải kiến thức và kêu gọi hành động vì môi trường sống bền vững.
Nhận định buổi họp báo lần này có nội dung rộng, với sự tham gia của nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Thạch đề nghị các cục, vụ chuyên môn chủ động phối hợp, sẵn sàng cung cấp thông tin và giải đáp những thắc mắc của báo chí một cách thẳng thắn, minh bạch. Đây là cơ hội để truyền thông hiểu sâu sắc hơn về các chính sách, chương trình hành động đang được triển khai, qua đó phản ánh trung thực và hiệu quả hơn đến công chúng.
Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường cũng khẳng định, bên cạnh nhiệm vụ thông tin, báo chí, đặc biệt là những đơn vị chuyên ngành như Báo Nông nghiệp và Môi trường, còn có trách nhiệm xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng cùng tham gia hành động. Báo luôn cam kết đồng hành cùng các chiến dịch vì môi trường, góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, khuyến khích lối sống xanh và phát triển bền vững.
Ông cũng tin tưởng, các cơ quan báo chí luôn mong muốn tham gia trực tiếp các hoạt động vì môi trường, từ truyền thông, phối hợp tổ chức hội thảo, đến các chiến dịch trồng cây, thu gom rác, nói không với nhựa dùng một lần.
16 giờ 20 phút
Truyền thông đồng hành cùng sự kiện môi trường quốc gia

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Ngọc Thạch kêu gọi truyền thông đồng hành cùng sự kiện môi trường quốc gia.
Thông tin về sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường, cho biết, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 2141, đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể, gắn với chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh”.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì thực hiện các chuỗi sự kiện phát động quốc gia, trong đó Bộ giao Báo Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện hoạt động Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Chương trình cụ thể như sau:
- Thời gian: 07h00 ngày 1/6/2025
- Địa điểm: Tại Quảng trường 30/10, đường Trần Quốc Nghiễn, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
- Thành phần tham dự: khoảng 1.000 đại biểu (gồm: Lãnh đạo Bộ NN-MT; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh; đại biểu Trung ương, khách quốc tế; đại diện các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên… trên địa bàn tỉnh)
Các hoạt động chính như sau:
1. Từ 7h00 - 9h00: Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường 2025;
2. Từ 09h00 - 10h00: Trưng bày, giới thiệu các mô hình tái chế nhựa, sản phẩm từ nhựa tái chế thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hội phụ tỉnh Quảng Ninh, HTX Green Life; Trình diễn các thành tựu về hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long và mô hình đổi rác lấy tiền của Công ty CP Xi măng và xây dựng Hạ Long,…
3. Cũng tại sân khấu Lễ Mít tinh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổ chức các hoạt động trao quà một số gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hạ Long; Tặng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long các sản phẩm túi vải không dệt thân thiện môi trường đồng hành cùng Vịnh trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường; Tặng các chủ tàu du lịch những chai đựng nước thủy tinh bảo vệ môi trường.
4. Đặc biệt, hưởng ứng chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” năm nay, Ban Tổ chức sẽ hạn chế tối đa việc in ấn các sản phẩm nhựa hoặc liên quan đến nhựa phục vụ Lễ Mít tinh, mọi vật liệu sử dụng tại Lễ mít tinh là sản phẩm được dùng lại nhiều lần hoặc thân thiện với môi trường.
“Đối với lĩnh vực môi trường, truyền thông luôn là một phần của giải pháp quan trọng không thể thiếu. Vì vậy, Ban Tổ chức mong muốn nhận được sự đồng hành của các nhà báo, phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa này”, Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch kêu gọi.
16 giờ 10 phút
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025 diễn ra tại Quảng Bình

Ông Nguyễn Hồng Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, công bố chuỗi sự kiện chính thức hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025, diễn ra trọng tâm vào ngày 6/6 tại Quảng Bình, với chủ đề “Công nghệ xanh cho đại dương bền vững”.
Chương trình bao gồm 3 hoạt động chính: hội thảo chuyên đề, tham quan thực địa và lễ mít tinh quốc gia. Mở đầu trong buổi sáng là hội thảo “Thể chế, quy hoạch - Cơ hội cho phát triển kinh tế biển xanh”, quy tụ nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để bàn về thể chế, quy hoạch và đầu tư cho các ngành kinh tế biển mới như điện gió ngoài khơi.
Buổi chiều cùng ngày, 2 sự kiện sẽ diễn ra song song. Một là hội thảo “Ứng dụng AI trong báo chí, truyền thông, văn hoá môi trường biển và phát triển du lịch biển”, tập trung vào giải pháp công nghệ nhằm lan toả nhận thức bảo vệ biển. Hai là chuyến thực địa đến cảng Hòn La và khu công nghiệp Hòn La nhằm giới thiệu tiềm năng phát triển logistics và công nghiệp ven biển tại Quảng Bình.
Điểm nhấn trong ngày là lễ mít tinh cấp quốc gia vào lúc 20h tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Đồng Hới. Bên cạnh các phát biểu từ lãnh đạo Chính phủ và đại diện quốc tế, chương trình còn có hoạt động an sinh xã hội như trao học bổng cho con em ngư dân và hỗ trợ nhà ở cho các hộ khó khăn.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025 cũng bao gồm hội chợ triển lãm sản phẩm kinh tế biển và cuộc thi ảnh “Báo chí với biển và hải đảo Việt Nam”, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ đại dương.
16 giờ 00 phút
Khai mạc chuỗi sự kiện vì môi trường và phát triển xanh
Phát biểu khai mạc tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-MT Lê Minh Ngân, cho biết, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay với chủ đề: “Đại dương kỳ diệu: Gìn giữ nguồn sống của nhân loại”, Ngày Môi trường thế giới (5/6) với chủ đề: “Chống ô nhiễm nhựa”, Bộ NN-MT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức chuỗi hoạt động trọng điểm, nhằm lan tỏa tinh thần hành động vì môi trường xanh, biển sạch và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-MT Lê Minh Ngân phát biểu mở đầu họp báo.
Thứ trưởng Bộ NN-MT Lê Minh Ngân thông tin các hoạt động chính bao gồm: Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, diễn ra vào tối 6/6, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, với chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững”.
Vào ngày 1/6, Lễ Mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới sẽ diễn ra tại Quảng trường 30/10, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, Bộ NN-MT sẽ phát động Tháng hành động vì môi trường, triển khai nhiều mô hình sáng tạo như: “Gửi rác rút tiền” - biến hành động bảo vệ môi trường thành giá trị kinh tế và nhận thức cộng đồng; Trưng bày sản phẩm tái chế sáng tạo, giới thiệu mô hình sinh kế xanh; Tổ chức các sự kiện cộng đồng quy mô lớn để lan tỏa thông điệp xanh sâu rộng trong toàn dân.
Gắn liền với sự kiện trọng điểm này, chiến dịch toàn quốc “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh” cũng sẽ được phát động từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6/2025, với hàng loạt hoạt động thiết thực như: diễn đàn thanh niên, triển lãm kinh tế tuần hoàn, ngày “Không nhựa dùng một lần”, mô hình chợ xanh, siêu thị xanh, trường học xanh, cơ quan xanh... "Chúng tôi kỳ vọng sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, để chuyển hóa nhận thức thành hành động, lan tỏa lối sống thân thiện với môi trường đến từng gia đình, cộng đồng", Thứ trưởng nói.
Thông qua chuỗi hoạt động thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng, Bộ NN-MT kêu gọi toàn thể người dân Việt Nam - từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo, từ các em nhỏ đến các cụ già - hãy cùng hành động mỗi ngày một việc nhỏ, để cùng nhau xây dựng một Việt Nam xanh - một đại dương bền vững.