| Hotline: 0983.970.780

Nước tưới vụ hè thu: Không cấp nước diện tích ngoài kế hoạch

Thứ Ba 27/05/2025 , 21:14 (GMT+7)

Để vụ hè thu 2025 giành thắng lợi, ngành chức năng Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp, từ lịch thời vụ đến cơ cấu giống, đặc biệt là điều tiết nước tưới.

Cấp nước theo thứ tự ưu tiên

Ông Phùng Đình Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận (Công ty Thủy nông Ninh Thuận) cho biết, hiện nay công ty đang quản lý, vận hành 23 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích thiết kế là gần 418 triệu m3 nước. Tính đến ngày 18/5, tổng lượng nước trong các hồ chứa còn 188 triệu m3, tương đương với 45% dung tích thiết kế, trong đó hồ Sông Cái có dung tích 219 triệu m3, hiện còn 110 triệu m3 nước.

Tính đến ngày 18/5, tổng lượng nước trong các hồ chứa ở Ninh Thuận còn 188 triệu m3, tương đương với 45% dung tích thiết kế. Ảnh: Phương Chi.

Tính đến ngày 18/5, tổng lượng nước trong các hồ chứa ở Ninh Thuận còn 188 triệu m3, tương đương với 45% dung tích thiết kế. Ảnh: Phương Chi.

Ngoài ra, hồ thủy điện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho tỉnh Ninh Thuận có dung tích 165 triệu m3, hiện lượng nước trong hồ còn 71 triệu m3.

Căn cứ vào nguồn nước hiện có trong các hồ chứa, vụ hè thu 2025, công ty sẽ ưu tiên điều tiết cấp nước theo thứ tự ưu tiên: Cấp nước sinh hoạt cho người dân; nước uống cho gia súc; các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đối với nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, công ty ưu tiên cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, cây màu, cuối cùng mới đến cây lúa.

“Tổng lượng nước cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc và các ngành công nghiệp, dịch vụ trong vụ hè thu 2025 trên địa bàn Ninh Thuận khoảng 16 triệu m3. Trong đó, cấp nước sinh hoạt cho người dân với lượng nước khoảng 13,16 triệu m3; cấp nước uống cho gia súc, gia cầm là 1,9 triệu m3 nước; cấp nước cho dịch vụ, du lịch và công nghiệp là 0,9 triệu m3”, ông Phùng Đình Thanh chia sẻ.

Để linh hoạt trong điều tiết cấp nước sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2025, trên cơ sở tính toán nguồn nước hiện có. Công ty Thủy nông Ninh Thuận lập phương án sản xuất và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, trong vụ hè thu công ty cấp nước tưới cho hơn 24.600 ha cây trồng các loại, gồm: hơn 12.500 ha lúa; 11.650 ha màu, còn lại là nuôi trồng thủy sản.

Vụ hè thu năm 2025, Công ty Thủy nông Ninh Thuận cấp nước tưới cho hơn 24.600 ha cây trồng các loại. Ảnh: Phương Chi.

Vụ hè thu năm 2025, Công ty Thủy nông Ninh Thuận cấp nước tưới cho hơn 24.600 ha cây trồng các loại. Ảnh: Phương Chi.

Đối với các hệ thống đập dâng: Sông Pha, Bình Phú, 19/5, Đồng F trên sông Ông và các đập dâng Nha Trinh - Lâm Cấm trên sông Cái, công ty sẽ điều tiết cấp nước cho gần 16.300 ha. Đối với hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, công ty điều tiết cấp nước tưới cho hơn 1.800 ha. Ngoài ra, công ty tập trung điều tiết nước cho các đập thời vụ trên địa bàn huyện Thuận Bắc, Bác Ái và một số trạm bơm trên sông với diện tích gần 390 ha.

“Tùy thuộc vào diễn biến thời tiết, công ty sẽ chủ động phối với UBND các huyện, thành phố bổ sung diện tích sản xuất vụ hè thu 2025 phù hợp với lượng nước của các hồ chứa và khung lịch thời vụ gieo trồng, để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Phùng Đình Thanh nói.

Phối hợp chặt chẽ với nhà máy thủy điện

Những ngày này, Công ty Thủy nông Ninh Thuận đang bắt đầu mở nước phục vụ sản xuất, người dân tất bật tranh thủ đưa nước vào ruộng làm đất xuống giống vụ hè thu. Ông Phùng Đình Thanh cho biết, công ty đã tính toán cân bằng nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và nguồn nước của hồ chứa nước Đơn Dương cấp cho hạ du thông qua Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và sẽ đảm bảo cấp đủ nước phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu cũng như sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch.

Công ty Thủy nông Ninh Thuận đang mở nước để người dân sản xuất vụ hè thu. Ảnh: Phương Chi.

Công ty Thủy nông Ninh Thuận đang mở nước để người dân sản xuất vụ hè thu. Ảnh: Phương Chi.

Riêng hồ chứa nước Sông Cái, công ty sẽ vận hành điều tiết nguồn nước để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho khu tưới của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và cấp bổ sung nguồn nước cho hồ Cho Mo, hồ Thành Sơn và hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm, kết hợp tận dụng lượng nước cấp để phát điện.

Để điều tiết nước hợp lý, công ty đã làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du trên địa bàn Ninh Thuận trong vụ hè thu 2025. Theo dõi tình hình chạy máy của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim để phối hợp chặt chẽ trong việc điều tiết nước hồ Đơn Dương thật chi tiết và hợp lý.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với với Công ty Thủy điện Tân Mỹ điều tiết nước hồ Sông Cái theo kế hoạch từng giai đoạn cụ thể, hiệu quả, đảm bảo nguồn nước cấp cho khu tưới đập dâng Tân Mỹ và hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm, tiếp nước cho khu tưới hồ Cho Mo.

Cùng với đó, công ty theo dõi chặt chẽ tình hình chạy máy của Nhà máy Thủy điện Mỹ Sơn theo kế hoạch đã thống nhất, đảm bảo hoạt động của nhà máy không ảnh hưởng đến việc điều tiết bổ sung nguồn nước cho hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm của hồ chứa Sông Cái và các nhu cầu dùng nước khác ở hạ du Nhà máy Thủy điện Mỹ Sơn.

Người dân Ninh Thuận tất bật tranh thủ đưa nước vào ruộng làm đất xuống giống vụ hè thu. Ảnh: Phương Chi.

Người dân Ninh Thuận tất bật tranh thủ đưa nước vào ruộng làm đất xuống giống vụ hè thu. Ảnh: Phương Chi.

Đối với các hệ thống đập dâng trên sông hưởng lợi trực tiếp từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Công ty Thủy nông Ninh Thuận tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập dâng Sông Pha, Bình Phú, 19/5, Đồng F, Nha Trinh, Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh chính; vận hành hợp lý các cống lấy nước tại thủy khẩu để ưu tiên nguồn nước cấp cho nhà máy nước Tháp Chàm và các khu tưới vùng cuối kênh, đặc biệt là vùng cuối kênh Bắc hệ thống thủy lợi Nha Trinh.

Để tiết kiệm nước tưới, công ty phối hợp chặt chẽ với địa phương, tổ hợp tác dùng nước (PIM) xây dựng kế hoạch điều tiết nước thật chi tiết, cụ thể cho từng tuyến kênh, từng xứ đồng. Kiên quyết không điều tiết nước đối với diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và các vùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch. Tuyên truyền người dân chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng tiết kiệm nước, có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là khu tưới các trạm bơm.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Thuận, vụ hè thu, toàn tỉnh sản xuất khoảng 30.200 ha cây trồng, trong đó lúa khoảng 13.300 ha, cây rau màu khoảng 16.900 ha. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 500 ha (cây ngắn ngày 365 ha, cây dài ngày 135 ha).

Xem thêm
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp

Việt Nam và Pháp tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả quốc gia.

Bình luận mới nhất