Ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và chính quyền địa phương hai cấp. Tham gia cuộc họp có sự tham dự của các Thứ trưởng và thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và chính quyền địa phương hai cấp ngày 22/5. Ảnh: Khương Trung.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, từ ngày 1/7 tới, mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ chính thức được triển khai. Để phục vụ cho việc này, ngay từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Bí thư, công tác chuẩn bị đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ động triển khai.
Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là bước cải cách tổ chức bộ máy, mà còn là cú hích để nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở địa phương, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền, đặc biệt điều chỉnh những nội dung thuộc thẩm quyền cấp huyện về cho cấp xã, hoặc ngược lại chuyển lên cấp tỉnh bao gồm UBND, Chủ tịch UBND…
Hiện nay, quá trình này đã và đang được thực hiện tích cực, Bộ NN-MT đã tổ chức phiên họp chuyên đề dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, với sự tham gia nghiêm túc, trách nhiệm của các Cục, Vụ. Kết quả, hai dự thảo nghị định đã cơ bản hoàn thành: một về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai, một về các lĩnh vực còn lại chủ yếu tập trung vào điều chỉnh thẩm quyền từ cấp huyện sang cấp xã hoặc cấp tỉnh.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã liên tục ban hành các kết luận, văn bản chỉ đạo với yêu cầu cao hơn, quyết liệt hơn, đòi hỏi cách làm khoa học, đồng bộ và tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ.
Điểm mới lần này là việc phân định thẩm quyền được triển khai song song với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Trung ương bao gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xuống chính quyền địa phương hai cấp. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là: “Việc gì có thể phân cấp thì phải phân cấp triệt để”.
Đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu là phải phân cấp tối đa thẩm quyền từ các Bộ, ngành Trung ương cho cấp tỉnh. Đồng thời, cần xem xét cả việc chuyển một số thẩm quyền từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Chính phủ và Thủ tướng, từ đó tiếp tục phân quyền cho các cấp như HĐND, UBND cấp tỉnh. Trong đó khẳng định tinh thần chỉ đạo: “phân cấp triệt để”, chỉ giữ lại những thẩm quyền mà Trung ương buộc phải đảm nhiệm.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo thể hiện tinh thần chung: đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm”. Theo đó, những thẩm quyền không cần thiết giữ ở cấp Bộ sẽ được chuyển giao cho địa phương. Các nội dung đã rõ ràng, có đầy đủ đánh giá tác động sẽ được phân cấp ngay; những vấn đề còn chưa rõ sẽ tiếp tục được nghiên cứu và xem xét thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ đã họp và thống nhất nguyên tắc giao Bộ Tư pháp xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện phân cấp, phân quyền. Văn bản này sẽ nêu rõ nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Dự kiến, văn bản hướng dẫn đầu tiên sẽ được Bộ Tư pháp ban hành vào ngày 23/5.
Đặc biệt, đến ngày 1/6 tới, toàn bộ các dự thảo nghị định phải được hoàn thiện, trình Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Báo cáo phải đính kèm đầy đủ các dự thảo nghị định liên quan.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.
Tại cuộc họp, Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ được giao báo cáo hai nội dung trọng tâm: kết quả phân định thẩm quyền giữa các cấp huyện, xã, tỉnh và kết quả phân cấp, phân quyền giữa Bộ với chính quyền địa phương cấp tỉnh.
Sau phần báo cáo, các đơn vị chuyên môn sẽ tiếp tục rà soát, đối chiếu lĩnh vực phụ trách từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đến môi trường, đất đai, khoáng sản, biển, đo đạc bản đồ và viễn thám để đề xuất thêm nội dung cần phân cấp hoặc giải trình rõ lý do giữ lại thẩm quyền ở Bộ.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh yêu cầu triển khai đồng thời các nhiệm vụ thay vì thực hiện theo trình tự như trước, do quỹ thời gian không còn nhiều. Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và lấy ý kiến từ các địa phương.
Bộ trưởng cũng giao các Thứ trưởng phụ trách đơn vị tiếp tục rà soát, đảm bảo xây dựng nghị định đúng tiến độ. Ông khuyến khích lồng ghép các thủ tục hành chính, trên tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi.