| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

Minh bạch trong dán nhãn năng lượng

Thứ Tư 28/05/2025 , 16:15 (GMT+7)

Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật, nhấn mạnh yêu cầu minh bạch trong dán nhãn năng lượng vật liệu xây dựng, đảm bảo hiệu quả sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan.

Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá việc sửa đổi Luật là cần thiết và mang ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn phát triển bền vững mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành cuộc họp Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành cuộc họp Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Quochoi.vn.

Làm rõ cơ chế vận hành Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm

Một trong những nội dung được thảo luận kỹ là Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được quy định tại khoản 6 Điều 41 của dự thảo Luật. Theo đó, Quỹ hoạt động không vì lợi nhuận, có khả năng huy động vốn linh hoạt và bảo đảm độc lập tài chính. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng quy định còn thiếu cụ thể.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) chỉ rõ, dự thảo chưa làm rõ cơ chế quản lý, phân bổ vốn cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Ông đề nghị bổ sung quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức, tiêu chí phân bổ vốn và cơ chế giám sát hoạt động của Quỹ. Đặc biệt, cần quy định rõ vai trò kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ từ phía Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan để tránh lãng phí hoặc lạm dụng nguồn lực.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) lưu ý, dự thảo Nghị định kèm theo chưa cụ thể hóa nhiều điểm mà vẫn tiếp tục giao cho các bộ ngành hướng dẫn. Ông đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng hơn quy định tại khoản 6 Điều 41 để đảm bảo tính minh bạch và khả thi khi triển khai.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng góp ý về việc giao UBND các cấp trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng năng lượng, song dự thảo chưa quy định rõ chế tài xử phạt. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị bổ sung mức phạt hành chính hoặc các hình thức xử lý mạnh tay hơn như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm không tuân thủ quy định.

Dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng: Cần lộ trình rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ

Một điểm nhấn khác trong phiên thảo luận là đề xuất bổ sung quy định dán nhãn năng lượng bắt buộc cho một số loại vật liệu xây dựng, đây là nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 37 của dự thảo.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng ngành xây dựng hiện nay tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, trong đó hơn 60% điện sử dụng trong các công trình chủ yếu phục vụ điều hòa và chiếu sáng, hệ quả của việc sử dụng vật liệu xây dựng kém hiệu quả.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn trong triển khai quy định này như thiếu tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại vật liệu, hệ thống phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn hạn chế, chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu.

Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ sớm ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc đối với các vật liệu có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện như kính xây dựng và vật liệu cách nhiệt. Đồng thời, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế, khuyến khích xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận.

Đặc biệt, đại biểu đề xuất ứng dụng mã QR và nền tảng số để truy xuất thông tin năng lượng của vật liệu, minh bạch hóa thông tin giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm hiệu quả.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Cùng góc nhìn, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường minh bạch trong dán nhãn năng lượng, nhất là trong thương mại điện tử, nơi dễ phát sinh tình trạng sai phạm. Ông đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm kiểm tra định kỳ và xử lý vi phạm với các doanh nghiệp không tuân thủ, đặc biệt là công khai danh sách các đơn vị vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng.

Tiếp thu nghiêm túc, hoàn thiện dự thảo Luật

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và những đóng góp sâu sắc của các ĐBQH. Ông cho biết, các ý kiến đã thể hiện sự đồng thuận cao về nội dung dự thảo Luật cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài những nội dung nêu trên, các đại biểu còn đề xuất nhiều giải pháp thiết thực như: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng, ưu đãi thuế cho hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển mô hình Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), thúc đẩy chuyển đổi xanh và xã hội hóa các giải pháp giám sát năng lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các đơn vị liên quan để tiếp thu nghiêm túc, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Xem thêm
Phối hợp chặt chẽ, hành động khẩn trương trong phòng chống thiên tai

Ngày 29/5, Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Hoàng Hiệp đã có buổi làm việc với Cục Khí tượng thủy văn về về tình hình mưa, lũ và hành động trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất