| Hotline: 0983.970.780

Chương trình Mục tiêu Quốc gia 2026 - 2035: Tư duy chiến lược cho giai đoạn mới

Thứ Hai 26/05/2025 , 18:36 (GMT+7)

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất tích hợp chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững nhằm tối ưu nguồn lực, phát triển bao trùm và bền vững giai đoạn 2026 - 2035.

Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, chiều 26/5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm xây dựng và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đòi hỏi tư duy đổi mới, tích hợp và hướng tới phát triển bền vững.

Một trong những đề xuất quan trọng hiện nay là việc lồng ghép hai Chương trình lớn: Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, để tạo thành một Chương trình MTQG thống nhất, hiệu quả, tránh chồng chéo và phân tán nguồn lực.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm xây dựng và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đòi hỏi tư duy đổi mới, tích hợp và hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm xây dựng và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đòi hỏi tư duy đổi mới, tích hợp và hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Khương Trung.

Tích hợp để tối ưu nguồn lực và hiệu quả

Thực tiễn cho thấy, việc tiếp tục triển khai riêng rẽ hai Chương trình MTQG về nông thôn mới và giảm nghèo không còn phù hợp trong bối cảnh mới. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay rất rộng mở, hoàn toàn có thể tích hợp những nội dung liên quan đến giảm nghèo bền vững. Đây là cách tiếp cận khoa học, hợp lý và phù hợp với yêu cầu phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bộ trưởng tán thành giải pháp có một tên gọi ngắn gọn, dễ hiểu và phản ánh đầy đủ mục tiêu kép là “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2035”, trong đó cần thể hiện rõ hai trụ cột chính là “xây dựng nông thôn mới” và “giảm nghèo bền vững”.

Bộ trưởng chỉ đạo, Chương trình cần xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt: Trong đó, việc phát triển phải mang tính bao trùm và bền vững. Dù nhìn từ nhiều góc độ, thì cốt lõi vẫn là gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, đó là hai mục tiêu không thể tách rời để hướng đến phát triển toàn diện, công bằng xã hội.

Quan điểm thứ hai là việc phát triển nông thôn phải đi theo hướng hiện đại, gắn với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bộ trưởng nhấn mạnh, đô thị hóa không chỉ mở rộng không gian, mà còn thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, phải thể hiện được quan điểm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chìa khóa nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức thực hiện chương trình. Đây là xu hướng tất yếu và cần được quán triệt trong mọi khâu.

Ngoài ra, phải mở rộng nội hàm phát triển bao trùm, không chỉ dừng lại ở kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường mà còn phải bao gồm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một quan điểm đặc biệt quan trọng là thực hiện Chương trình theo hướng quản trị đa mục tiêu và tích hợp hiệu quả. Bộ trưởng cho rằng, các nguồn lực cần được huy động, sử dụng hợp lý, đồng thời kết nối với các chương trình, dự án khác để tăng cường hiệu quả và tránh trùng lắp.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, việc tích hợp Chương trình xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững không chỉ là sự gộp lại về mặt hành chính, mà còn là tư duy chiến lược mới, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, hài hòa và hiệu quả. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, việc tích hợp Chương trình xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững không chỉ là sự gộp lại về mặt hành chính, mà còn là tư duy chiến lược mới, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, hài hòa và hiệu quả. Ảnh: Khương Trung.

Tinh thần phân cấp mạnh mẽ, địa phương làm chủ

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo việc xây dựng Chương trình lần này là nguyên tắc phân cấp rõ ràng: Trung ương thiết kế, địa phương quyết định và thực hiện. Trong đó, trung ương sẽ ban hành tiêu chí, định mức và phân bổ nguồn lực theo các chỉ số đầu ra; còn việc triển khai cụ thể sẽ do địa phương chủ động thực hiện theo đặc thù của từng vùng, từng địa bàn.

Đây là cách tiếp cận phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo điều kiện để địa phương linh hoạt, sáng tạo trong triển khai.

Để làm rõ mục tiêu và nội hàm phát triển nông thôn mới hiện đại, Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng Chương trình phải vừa tiếp tục phát triển nông thôn mới theo các cấp độ (đạt chuẩn, nâng cao, hiện đại), vừa thực hiện giảm nghèo bền vững phù hợp với từng vùng miền.

Tuy nhiên, để Chương trình có hệ thống mục tiêu rõ ràng, cụ thể và có thể đo lường, cần rà soát và bổ sung thêm các chỉ tiêu quan trọng như: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn; Tỷ lệ hộ nghèo; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới theo các cấp độ; Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo…

Đồng thời, cần làm rõ khái niệm “nông thôn hiện đại”, đây không chỉ là hệ thống hạ tầng đồng bộ, mà còn là tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, có chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và vận hành. Đặc biệt, yếu tố con người, người nông dân văn minh là một cấu phần không thể thiếu, phù hợp với định hướng nông nghiệp sinh thái - nông dân văn minh - nông thôn hiện đại theo tinh thần Nghị quyết 13.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, việc tích hợp Chương trình xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững không chỉ là sự gộp lại về mặt hành chính, mà còn là tư duy chiến lược mới, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, hài hòa và hiệu quả.

Với một hệ thống quan điểm chỉ đạo rõ ràng, phương pháp tổ chức thực hiện hợp lý và mục tiêu cụ thể, chương trình sẽ là động lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn trong giai đoạn tới.

Cũng tại cuộc họp, Văn phòng điều phối Nông thôn mới trung ương báo cáo về tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới trong ngành nhằm ghi nhận và tuyên dương các tập thể và cá nhân trên toàn quốc đã có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào thi đua trong giai đoạn 2021 - 2024.

Xem thêm
Nhà văn Minh Chuyên viết sử bằng văn chương và hình ảnh hậu chiến

Từng câu chữ của Minh Chuyên thấm đẫm hơi thở cuộc sống, lay động bao trái tim người đọc, góp phần lên tiếng bảo vệ phẩm giá và quyền sống của con người.

Bình luận mới nhất