Đó là chia sẻ của ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Trung tâm KNQG) khi kiểm tra tình hình sản xuất của các hợp tác xã (HTX) tham gia Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc trên địa bàn tỉnh Nam Định và Hà Nam.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG (thứ 3 từ phải sang), chỉ cần sản phẩm thực sự "sạch" thì thị trường tiêu thụ không thiếu. Ảnh: Trung Quân.
Theo ông Thanh, hiện nay sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất rau an toàn nói riêng không chỉ tập trung tạo ra sản phẩm với năng suất cao mà phải xác định sản phẩm đó sẽ bán cho ai. Nghĩa là nông dân phải có tư duy kinh tế, nắm bắt được tín hiệu thị trường, thay đổi cách làm, tạo ra sự khác biệt.
Trong bối cảnh nhu cầu thị trường thay đổi liên tục và ngày càng khắt khe về vấn đề an toàn thực phẩm, việc chuyển hướng canh tác an toàn, hữu cơ là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, khi đã tạo ra được sản phẩm an toàn, bản thân người sản xuất phải giúp sản phẩm đó “biết nói” thông qua những số liệu cụ thể, chi tiết trong nhật ký sản xuất hàng ngày.
“Bản thân người sản xuất phải thực sự tâm huyết, nghiêm túc, sẵn sàng đón nhận và đáp ứng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm của các cơ quan, đơn vị quản lý, đối tác, khách hàng. Chỉ sợ không có sản phẩm sạch thực sự chứ thị trường tiêu thụ không thiếu”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm KNQG cũng cho rằng, để hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản an toàn, hữu cơ hiệu quả, các HTX cần tập trung xây dựng và hoàn thiện thương hiệu. Bên cạnh đó, giám đốc, lãnh đạo HTX phải chịu khó tìm kiếm thị trường, bán hàng, thậm chí bí thư, chủ tịch xã với tầm ảnh hưởng của mình cũng phải đi “bán hàng, quảng cáo” sản phẩm giúp nông dân.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc, chuyên gia marketing của Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho rằng, trong bối cảnh thị trường phát triển, biến động như hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn không có khuôn mẫu, nên dựa trên điều kiện thực tế của địa phương và chuỗi giá trị của nông sản để có hình thức tổ chức phù hợp.

Việc phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn không có khuôn mẫu, nên dựa trên điều kiện thực tế của địa phương, chuỗi giá trị của nông sản để có hình thức tổ chức phù hợp. Ảnh: Trung Quân.
Điều cốt lõi là lực cán bộ khuyến nông, HTX, nông dân nâng cao được năng lực về kỹ thuật sản xuất, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm và khả năng tiếp cận thị trường. Khi các chủ thể thấu hiểu đến tận cùng vấn đề thì rất dễ áp dụng trên bất cứ cây trồng nào.
“Trước những yêu cầu của thị trường, chúng ta nên tổ chức sản xuất để bán hàng chứ không phải sản xuất và bán hàng. Khi cán bộ khuyến nông, HTX có năng lực nắm bắt tín hiệu thị trường, lập được kế hoạch sản xuất phù hợp thì việc hình thành thị trường riêng cho các dòng sản phẩm an toàn sẽ không còn khó khăn”, bà Nguyễn Thị Tân Lộc nhấn mạnh.
Bà Lộc cũng thông tin, Dự án tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc được triển khai trong 4 năm (2022 – 2026) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm KNQG làm chủ dự án.

Dự án Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc đã góp phần giúp các HTX có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Trung Quân.
Dự án nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững cây trồng an toàn, tăng lợi nhuận, mở rộng kênh bán hàng cho các HTX. Dự án được triển khai tại Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Sơn La. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án gồm HTX nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, ban quản lý dự án cấp trung ương và địa phương.
Từ khi bắt đầu khởi động dự án, Ban quản lý dự án trung ương phối hợp cùng các ban quản lý dự án tại địa phương 7 tỉnh và nhóm chuyên gia JICA mỗi năm đều thực hiện triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn, hội thảo, tọa đàm nâng cao nhận thức cho các thành phần tham gia dự án.
Các chuyên gia JICA thường xuyên làm việc trực tiếp với các HTX nhằm xác định những vấn đề tồn đọng, khó khăn và đưa ra giải pháp cho các HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm.