Mỗi năm, 8 triệu người trên thế giới tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nhưng con số đáng sợ ấy không còn là chuyện của người lớn. Học sinh - lứa tuổi tưởng chừng như xa rời khói thuốc - đang trở thành đối tượng bị ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến bằng đủ chiêu trò tinh vi. Đó là hồi chuông báo động để giáo dục hành động.

Cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền cho rằng chế tài xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng, bán thuốc cho người dưới 18 tuổi cần thực hiện nghiêm minh để răn đe và bảo vệ học sinh khỏi môi trường có khói thuốc. Ảnh: Lan Chi.
Trong bối cảnh ấy, Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tiên phong xây dựng một môi trường học đường không khói thuốc, nơi mỗi học sinh được giáo dục để trở thành "lá chắn" đầu tiên chống lại những cám dỗ độc hại. Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền để tìm hiểu cách một ngôi trường đang “gieo mầm khỏe mạnh” cho thế hệ tương lai.
Ngày 31/5 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá. Thưa bà, Trường Tiểu học Ngô Quyền đã triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng ngày này?
Đây là một chương trình rất cần thiết - thậm chí cần triển khai từ sớm. Các em học sinh tiểu học còn rất nhỏ, chưa va chạm nhiều với môi trường bên ngoài, nhưng chính vì vậy, các em giống như những tờ giấy trắng, điều gì viết lên đầu tiên sẽ in dấu rất sâu. Ở lứa tuổi này, việc truyền tải thông điệp tích cực, nhân văn - như phòng chống tác hại của thuốc lá - sẽ hình thành nền tảng nhận thức vững chắc, giúp các em biết phân biệt đúng - sai, lợi - hại từ sớm.

Buổi truyền thông tại lớp 5C, Trường Tiểu học Ngô Quyền về tác hại của thuốc lá. Ảnh: Phú Quang.
Mỗi năm, nhà trường đều có kế hoạch cụ thể để hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá như: tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép tuyên truyền vào giờ học đạo đức, mỹ thuật, âm nhạc để truyền tải thông điệp phòng chống thuốc lá một cách nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với Ban phụ huynh học sinh, tổ dân phố để lan tỏa thông điệp ra ngoài khuôn viên trường. Các em còn tham gia vẽ tranh, viết thông điệp, sáng tác khẩu hiệu, tạo thành chuỗi hoạt động sôi nổi nhưng vẫn rất gần gũi.
Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp thuốc lá ngày nay không chỉ nhắm vào người lớn, mà đã và đang tìm mọi cách tiếp cận giới trẻ, thậm chí trẻ vị thành niên, qua các hình thức quảng cáo ngụy trang như thuốc lá điện tử, sản phẩm có thiết kế bắt mắt, mùi hương trái cây… Nếu không giáo dục từ sớm, trẻ em rất dễ tò mò và bị cuốn vào mà không có “sức đề kháng” để từ chối.
Theo bà, làm thế nào để những hoạt động hưởng ứng ngày 31/5 trở nên thiết thực và có sức lan tỏa hơn trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh tiểu học?
Với học sinh tiểu học, lan tỏa không nên bắt đầu bằng sự khô cứng, mà bằng những hoạt động sáng tạo và cảm xúc. Trẻ em không dễ bị thuyết phục bởi con số hay khẩu hiệu, nhưng lại dễ rung động trước những câu chuyện thật, những hình ảnh cụ thể về hậu quả thuốc lá với người thân, môi trường. Vì vậy, giáo dục phòng chống tác hại thuốc lá cần lồng ghép vào trải nghiệm: đóng kịch, thi kể chuyện, làm sản phẩm truyền thông do chính học sinh tạo ra.
Đồng thời, vai trò của người lớn rất quan trọng. Một xã hội thực sự không khói thuốc phải bắt đầu từ tấm gương của thầy cô, cha mẹ và cộng đồng. Chính sách pháp luật về cấm hút thuốc nơi công cộng cần được thực thi nghiêm túc hơn để trẻ em không còn thấy hình ảnh người lớn hút thuốc ngay trong trường học, công viên hay bệnh viện.
Xin bà cho biết, học sinh hiện nay nói chung và học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền nói riêng đã có nhận thức và hành động như thế nào về môi trường không khói thuốc?
Học sinh bây giờ hiểu biết hơn rất nhiều. Các em biết rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe, không chỉ người hút mà cả người xung quanh. Các em mạnh dạn nhắc nhở người lớn, thậm chí chia sẻ với thầy cô khi thấy người thân hút thuốc. Một số em còn viết thư gửi cha mẹ, ông bà với lời lẽ rất xúc động để khuyên bỏ thuốc. Đó là thành quả của việc kiên trì giáo dục, nhưng cũng là động lực để nhà trường tiếp tục làm tốt hơn.

Cô giáo hướng dẫn các em học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền vẽ tranh phòng chống tác hại thuốc lá. Ảnh: Mai Anh.
Năm 2025, WHO chọn chủ đề “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo” để cảnh báo các chiêu trò quảng cáo tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá nhắm vào giới trẻ. Qua chủ đề này, nhà trường muốn truyền tải thông điệp gì đến các em học sinh, xin bà chia sẻ?
Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: “Đừng để bị đánh lừa bởi vẻ ngoài hấp dẫn của những điều độc hại”. Ngành công nghiệp thuốc lá đang thay đổi chiến lược tiếp cận - không còn là bao bì cũ kỹ, mà là những sản phẩm điện tử được làm cho giống đồ chơi, có vị ngọt, dễ mang theo. Với trẻ em, đây là cám dỗ rất lớn nếu không được cảnh báo sớm.
Chúng tôi muốn các em hiểu: điều hấp dẫn thực sự là sức khỏe, là thể thao, là tri thức. Nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy khả năng nhận biết và chống lại sự thao túng. Đó là phần quan trọng của giáo dục hiện đại: giúp học sinh trở thành người tiêu dùng thông minh và công dân có trách nhiệm.
Theo bà, để tạo ra một thế hệ không khói thuốc, ngoài nỗ lực của nhà trường, cần có sự thay đổi gì từ thể chế và luật pháp?
Hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được ban hành từ năm 2012, nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập. Chúng tôi cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng, đặc biệt trong quản lý quảng cáo trá hình và kiểm soát thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử.

Những bức tranh phòng chống tác hại thuốc lá của các bạn lớp 1E, Trường Tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: Phú Quang.
Hơn nữa, chế tài xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng, bán thuốc cho người dưới 18 tuổi… cần thực hiện nghiêm minh để răn đe và bảo vệ học sinh khỏi môi trường có khói thuốc.
Vậy bà có đề xuất hay kiến nghị gì để các chính sách về phòng chống thuốc lá trở nên hiệu quả và đồng bộ hơn trong trường học?
Tôi cho rằng, bên cạnh Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, chúng ta cần thể chế hóa rõ ràng hơn việc cấm thuốc lá điện tử, tăng mức xử phạt và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc bán hàng qua mạng, đặc biệt với trẻ dưới 18 tuổi.
Về phía ngành giáo dục, tôi kiến nghị tích hợp nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào chương trình chính khóa, không chỉ dưới dạng ngoại khóa, phong trào. Giáo dục không thể chỉ dừng lại ở việc “nói cho học sinh biết”, mà phải “dạy để học sinh sống khác đi”. Đó là mục tiêu lâu dài mà tất cả chúng ta - từ nhà trường đến các bộ, ngành - cần cùng nhau hướng tới.
Trân trọng cảm ơn bà về những chia sẻ rất tâm huyết và thực tế!