| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản tăng, thị trường sẽ chuyển dịch mạnh

Thứ Tư 07/05/2025 , 15:55 (GMT+7)

Theo Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm lên tới 3,09 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024.

Tôm vẫn là mặt hàng chủ lực

Tôm tiếp tục khẳng định vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp 1,27 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4, kim ngạch tôm đạt 330,8 triệu USD, tăng 15%, nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc, EU và Nhật Bản, cùng với sự hồi phục giá tôm do cung - cầu toàn cầu được tái cân bằng. Giá tôm sú và tôm chân trắng tại các thị trường lớn như Trung Quốc (9,6 USD/kg và 6,6 USD/kg) và Mỹ (17,7 USD/kg và 10,9 USD/kg) cho thấy xu hướng ổn định, tạo động lực cho xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm lên tới 3,09 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm lên tới 3,09 tỷ USD. Ảnh: Hồng Thắm.

Cá tra, có tốc độ tăng trưởng chậm lại trong tháng 4, chỉ đạt 167,7 triệu USD, gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Sự chững lại này phần lớn do áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ và cạnh tranh từ các nguồn cung thay thế như cá rô phi từ Ecuador. Tuy nhiên vẫn giữ vị trí quan trọng với kim ngạch 632,7 triệu USD trong 4 tháng (tăng 9%).

Các mặt hàng như cá rô phi và cá điêu hồng dù đóng góp nhỏ (138%, đạt 19 triệu USD) nhưng có mức tăng trưởng đột phá. Nhuyễn thể (chân đầu, có vỏ) và cua ghẹ cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, lần lượt đạt 216,4 triệu USD (tăng 18%), 83,1 triệu USD (tăng 82%) và 112,1 triệu USD (tăng 50%), nhờ nhu cầu cao từ Trung Quốc và ASEAN.

Cá ngừ ghi nhận sự sụt giảm trong tháng 4 với 76,1 triệu USD, giảm 12%; song lũy kế 4 tháng vẫn tăng nhẹ 1% (đạt 304,2 triệu USD). Chính sự thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt do quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn, đã hạn chế sản xuất và xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường dẫn đầu, đạt 709,8 triệu USD trong 4 tháng, tăng 56%. Trong tháng 4, xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận 182,3 triệu USD, tăng 29%, chủ yếu nhờ nhu cầu tôm, cua ghẹ và nhuyễn thể phục vụ phân khúc cao cấp.

Nhật Bản đứng thứ hai với 536,6 triệu USD trong 4 tháng, tăng 22% nhờ sự tăng trưởng của các sản phẩm giá trị gia tăng. Ngoài ra, EU và Hàn Quốc cũng cho thấy tiềm năng với kim ngạch lần lượt 351,5 triệu USD (tăng 17%) và 264,1 triệu USD (tăng 15%), đặc biệt nhờ các chính sách thuế quan ưu đãi từ EVFTA.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu thuỷ sản chỉ đạt 498,4 triệu USD (tăng 7%), xếp vị trí thứ ba, nhưng tháng 4 sụt giảm 15%, về mức 120,5 triệu USD. Sự suy giảm này phản ánh tác động của chính sách thuế quan đối ứng hiện tại từ Hoa Kỳ, làm xáo trộn hoạt động xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong hai tháng 5 và 6, xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Dự báo kim ngạch sang Mỹ trong tháng 5 và 6 có thể tăng 10-15% so với tháng 4. HIện các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa thời gian hoãn thuế 90 ngày để hoàn thành các lô hàng lớn.

Xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN có thể chững lại, chỉ tăng 3-5%, do sản phẩm Trung Quốc sau khi bị áp thuế 125% tại Mỹ từ ngày 10/4 đang được tái phân phối nội địa và khu vực lân cận, tạo cạnh tranh lớn ở phân khúc giá thấp.

Nguyên nhân là cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thủy sản Trung Quốc. Thủy sản Trung Quốc vốn bị áp thuế cao tại Mỹ và buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa cũng như các thị trường lân cận thuộc ASEAN. Sự cạnh tranh này sẽ làm giảm sức hút của thủy sản Việt Nam, đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với thách thức kép từ thuế quan và cạnh tranh quốc tế. Để tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 đạt 10,5 tỷ USD phụ thuộc nhiều vào việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do và đầu tư vào sản phẩm giá trị gia tăng cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước chính sách Mỹ và sự linh hoạt trong đa dạng hóa thị trường.

Xem thêm
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 1] Thế trận toàn cầu

Năm 2024, nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục xuất khẩu với 62,5 tỷ USD, tăng trưởng toàn diện ở nhiều thị trường, mở rộng cơ hội và khẳng định vị thế toàn cầu.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

KHÁNH HÒA Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp 311 người quay lại thị trường lao động.

Mavin Foods giành 2 giải thưởng xuất sắc tại Triển lãm Quốc tế ngành thịt

Tại Triển lãm Quốc tế ngành thịt (IFFA DFV) ở Frankfurt (Đức), Mavin Foods xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc ở Giải thưởng Sản phẩm thịt toàn cầu 2025.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

3 hội chợ nông sản lớn sắp diễn ra tại Trung Quốc

Ba hội chợ lớn tại Trung Quốc năm 2025 mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt bứt phá, tiếp cận sâu hơn vào chuỗi phân phối hiện đại và bền vững.