| Hotline: 0983.970.780

Xử lý đập thủy lợi có nguy cơ cao trước mùa mưa bão

Thứ Tư 23/04/2025 , 18:19 (GMT+7)

Ngày 23/4, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) về kế hoạch sau dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8).

Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí

Dự án WB8 đã hoàn thành từ 30/6/2023, sau khi kết thúc dự án, WB đã triển khai các hoạt động thực địa để giám sát thực hiện kế hoạch hành động sau khi kết thúc dự án (PCAP) và đánh giá nhanh về rủi ro đập (RDRA).

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi làm việc với Ngân hàng Thế giới về kế hoạch sau dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Ảnh: Linh Linh.

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi làm việc với Ngân hàng Thế giới về kế hoạch sau dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Ảnh: Linh Linh.

Bà Kathy Whimp, Giám đốc Điều hành hoạt động dự án của WB tại Việt Nam cho biết, dù dự án đã kết thúc, Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện các cam kết về môi trường và xã hội theo thỏa thuận tài chính đã ký với WB cho đến khi hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ hoặc trả hết khoản vay. Nếu còn tồn đọng các vấn đề chưa giải quyết, WB sẽ trình Chính phủ xây dựng kế hoạch hành động sau khi kết thúc dự án (PCAP) để xử lý các vấn đề tồn đọng.

Theo bà Whimp, WB đánh giá dự án nhìn chung đã thành công, đem lại nhiều kết quả tích cực khi rất nhiều đập trước đây xuống cấp nghiêm trọng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vì những rủi ro tiềm ẩn, WB đã quyết định mở rộng kiểm tra và tài trợ cho đơn vị độc lập là Damwatch để đánh giá thêm 47 đập tại 7 tỉnh, chiếm khoảng 10% tổng số đập của dự án.

Damwatch đã rà soát tài liệu kỹ thuật như biên bản nghiệm thu, hồ sơ bàn giao công trình, kế hoạch ứng phó khẩn cấp, đồng thời phỏng vấn các sở, ngành địa phương, cộng đồng dân cư và các bên liên quan khác. Nhờ sự hợp tác của Ban Quản lý Trung ương dự án (CPMU) và các tỉnh, đợt đánh giá đã thu được nhiều thông tin quan trọng. Kết quả cho thấy nhiều công trình đập đã được nâng cấp hiệu quả. Tuy nhiên, một số công trình vẫn tồn tại các vấn đề, tức có nguy cơ gây hư hại lớn đối với các bộ phận quan trọng của đập.

Bà Kathy Whimp, Giám đốc Điều hành hoạt động dự án của WB tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Linh Linh.

Bà Kathy Whimp, Giám đốc Điều hành hoạt động dự án của WB tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Linh Linh.

“Chúng tôi xem dự án này là trường hợp đặc biệt so với các dự án đã kết thúc khác. Chính vì vậy, ở cấp Giám đốc quốc gia của WB, chúng tôi đã nhất trí sẽ cung cấp một phần kinh phí nội bộ để đội ngũ chuyên gia của chúng tôi có thể tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho phía Việt Nam. Đây là điều khá hiếm gặp, bởi theo thông lệ, khi một dự án kết thúc, nguồn hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ chấm dứt. Chúng tôi cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ công việc đang triển khai của các bên liên quan tại Việt Nam”, đại diện WB khẳng định.

Ông Vương Quốc Thiết, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khẳng định, việc đảm bảo an toàn cho các công trình đã đầu tư vẫn cần được theo dõi sát sao. Ông Thiết cho rằng, trong các dự án xây dựng cơ bản, dù công trình đã hoàn thành và đưa vào khai thác vẫn có thể tồn tại những điểm chưa hoàn thiện, trong khi đó, một số vấn đề kỹ thuật hoặc rủi ro chỉ có thể phát hiện được trong giai đoạn hậu dự án. Vì vậy, việc tiếp tục giám sát, trao đổi để kịp thời khắc phục là cần thiết nhằm đảm bảo công trình phát huy hiệu quả bền vững.

Theo ông Thiết, với tổng số hơn 7.000 đập thủy lợi trên cả nước, việc rà soát, đánh giá, phát hiện sớm rủi ro là hết sức quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có chỉ đạo cụ thể và đang triển khai nhiều chương trình hành động để chủ động phòng ngừa từ xa, ứng phó kịp thời với các nguy cơ mất an toàn. Ông đề nghị WB tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí và chuyên gia cho các hoạt động điều tra, khảo sát nhằm bảo vệ tài sản nhà nước và tính mạng người dân.

 Ông Vương Quốc Thiết (phải), Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình Thủy lợi tại buổi làm việc. Ảnh: Linh Linh.

 Ông Vương Quốc Thiết (phải), Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình Thủy lợi tại buổi làm việc. Ảnh: Linh Linh.

Đối với các công trình đang có nguy cơ cao, cần xử lý ngay trước mùa mưa bão năm nay, cũng như định hướng lộ trình can thiệp đối với những công trình còn lại trong giai đoạn tiếp theo. Với số lượng 47 công trình được khảo sát, không thể xử lý đồng loạt nên việc xác định trọng tâm, ưu tiên theo mức độ cấp thiết là điều cần thiết để từng bước triển khai hiệu quả.

Ngoài ra, một số dự án hiện vẫn còn vướng mắc thủ tục tại địa phương, đặc biệt liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Cục sẽ tiếp tục tham mưu Bộ để có văn bản đôn đốc các tỉnh hoàn thiện sớm các hạng mục còn tồn đọng, góp phần hoàn tất mục tiêu chung của dự án WB8.

Tại buổi làm việc, bà Halla Maher Qaddumi, chuyên gia kinh tế cấp cao về ngành nước của WB cho biết, WB đã có nhiều buổi trao đổi tích cực với Ban Quản lý Trung ương dự án và các địa phương liên quan về kết quả đánh giá hậu dự án. Hai bên đã thống nhất một số hành động cụ thể để khắc phục các vấn đề còn tồn tại. Một số điểm đã được địa phương xử lý xong, một số địa phương khác đang trong quá trình xin vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các hạng mục còn lại, chẳng hạn như hoàn thiện cửa tràn.

Xem thêm
Ngoại giao đóng vai trò kiến tạo xuyên suốt các giai đoạn lịch sử

Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao Việt Nam, thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh đến xây dựng đất nước.