Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre luôn tự hào và phát huy truyền thống quê hương cách mạng. Từ tinh thần của phong trào Đồng Khởi năm xưa, giờ đây người dân Bến Tre tiếp tục chung sức, chung lòng thực hiện phong trào “Đồng Khởi mới” trong xây dựng nông thôn, kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế- xã hội để địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hình ảnh cây dừa- biểu tượng của quê hương Đồng Khởi Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.
'Đồng Khởi mới' hôm nay
Tinh thần đoàn kết và ý chí tự lực tự cường từ phong trào Đồng Khởi đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giúp địa phương khai thác tốt hơn tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản.
Dừa là một trong những cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả. Diện tích dừa của Bến Tre tăng nhanh qua từng năm. Đến nay, nông dân Bến Tre đã trồng được 80.000 ha dừa, lớn nhất cả nước, vì thế địa phương còn được gọi với cái tên thân thương "xứ dừa".
Mặc dù diện tích dừa của Bến Tre chỉ bằng 1% diện tích dừa của Indonesia nhưng giá trị xuất khẩu lại tương đương 8% giá trị xuất khẩu của xứ vạn đảo. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa Bến Tre đạt khoảng 516 triệu USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cây dừa đã trở thành cây trồng mang lại sinh kế cho khoảng 200.000 hộ, đồng thời đóng góp to lớn cho GDP địa phương.
Từ năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ra Nghị quyết số 04 về phát triển Hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong chiến lược lấn biển và phát triển không gian kinh tế. Trong đó, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao vào năm 2025, nhằm khai thác 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản.
Đến nay, nông dân địa phương đã đầu tư được 3.633 ha nuôi ứng dụng công nghệ cao, đạt 90,82% kế hoạch. Năng suất bình quân 60-70 tấn/ha. Lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu đồng/vụ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân.

Bến Tre có đường bờ biển dài 65 km, đang đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng để tạo thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế. Ảnh: Minh Đảm.
Đặc biệt, Bến Tre đã và đang thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng để tạo thu nguồn ngân sách. Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.800 doanh nghiệp, trong đó hơn 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 56.000 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư và triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7MW. Hiện tại, có 9 dự án đã hoàn tất khâu lắp đặt, với tổng công suất đạt 374MW.
Tỉnh cũng đang triển khai quyết liệt kế hoạch xây dựng 100 doanh nghiệp tiêu biểu, với 22 doanh nghiệp hiện đã được xác định là nhóm dẫn đầu và 50 doanh nghiệp thuộc "nhóm nguồn". Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực như dừa, thủy sản, bưởi da xanh, sầu riêng. Nhờ đó, năm 2024, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mốc 1,75 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023, đứng thứ ba ở khu vực ĐBSCL.
Phát huy tinh thần "Đồng Khởi mới" trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các chương trình xây dựng NTM đang được triển khai mạnh mẽ, với sự tham gia tích cực của người dân trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường sống và phát triển kinh tế địa phương.

Nâng cấp đường giao thông nông thôn tại huyện Bình Đại. Ảnh: Minh Đảm.
Vừa qua, Bến Tre thống nhất đề nghị Trung ương công nhận các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Bình Đại, Thạnh Phú đạt chuẩn NTM và Chợ Lách đạt chuẩn NTM nâng cao.
Tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Lộc Thuận, huyện Bình Đại, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Các chị em trong hội đang tích cực tham gia các mô hình “5 không 3 sạch”, phân loại rác tại nhà, tổ chức câu lạc bộ vệ sinh môi trường và thực hiện "Ngày Chủ nhật nông thôn mới" hàng tháng. Hiện toàn xã vẫn còn 28 hộ nghèo do phụ nữ đứng đầu. Hội đang nỗ lực vận động và hỗ trợ các chị em tiếp cận vốn vay để nuôi dê, bò, trồng dừa, mua sắm máy may và buôn bán nhỏ.
Nhìn chung hệ thống hạ tầng nông thôn, điện đường, trường trạm của Bến Tre đã được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn, góp phần xây dựng tỉnh sớm đạt nông thôn mới (NTM).
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện là 99,98%; 51/153 trường mầm non công lập, 79/174 trường tiểu học, 69/126 trường THCS, 20/36 trường THPT đạt chuẩn quốc gia; 91,2% nhà ở kiên cố.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 118/132 xã đạt chuẩn NTM, đạt trên 89,39%, vượt so với 80% và về đích trước 1 năm so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025. Trong 118 xã đạt chuẩn NTM, có 49 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Huyện Chợ Lách phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nâng cao. Ảnh: Minh Đảm.
Vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình
Từ phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, đến nay Bến Tre đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, 5 năm qua tổng số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của tỉnh trên 335.900 lượt hộ, chiếm tỷ lệ 51,48% so với hộ đăng ký. Toàn tỉnh có 2.300 nông dân được công nhận “Nông dân tỷ phú”. Chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng nâng lên, nhiều hộ có vốn sản xuất, kinh doanh lên tới hàng chục tỷ đồng.
Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân tỷ phú ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm sản xuất mô hình hơn 1 ha vườn cây ăn trái đa canh gồm dừa, bưởi da xanh, cam, quýt, cau theo hướng hữu cơ có nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng năm. Nhờ được đầu tư bài bản, khu vườn của ông nhiều năm qua không bị ảnh hưởng do hạn, mặn cho trái quanh năm.
Ông Bảy chia sẻ: “Nông dân thời nay khỏe lắm, nếu chăm chỉ, cần cù chịu khó áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ đạt hiệu quả, chẳng những thoát nghèo khó mà còn vươn lên làm giàu. Nông dân chúng tôi không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu”.

Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân tỷ phú ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.
Hay ông Lê Văn Sấm (65 tuổi), nông dân tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước năm 2023. Hiện tại, lão nông U70 là chủ nhân của trên 50 ha trang trại nuôi tôm công nghệ cao, một trong những trang trại lớn nhất ở Bến Tre, thu lãi trên 40-50 tỷ đồng/năm.
Ông Sấm nói: “Nuôi tôm công nghệ cao hạn chế được dịch bệnh, tăng tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn mới đạt hiệu quả. Gần đây, do đầu ra con tôm thuận lợi, nhất là xuất khẩu mô hình này có lãi khá, gia đình tôi tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích”.
Hôm nay, quê hương xứ dừa đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, từng bước đổi thay. Đời sống người dân ổn định và phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre đang tiếp tục thi đua, tăng tốc trong phong trào “Đồng Khởi mới”, tích cực lao động, sản xuất, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh để vững vàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới với niềm tin và khát vọng.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, dù là địa phương còn nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu nhưng Bến Tre rất nỗ lực và phải tăng tốc hơn nữa để đạt mức tăng trưởng trên 8% như Chính phủ giao. “Đây là việc rất khó nhưng Bến Tre phải thực hiện, phải dồn lực. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn để cộng đồng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả”, ông Sơn nói.