| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất thuế TTĐB nước giải khát có đường: Cần đánh giá tác động đa chiều

Thứ Ba 13/05/2025 , 18:37 (GMT+7)

Việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tạo ra tranh luận về mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng kinh tế, xã hội.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được lấy ý kiến. Một trong những nội dung mới thu hút sự quan tâm là đề xuất áp thuế 10% đối với nước giải khát có đường – tức các sản phẩm có hàm lượng đường vượt 5g/100ml theo quy chuẩn quốc gia.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Quốc hội.

Cơ quan soạn thảo lý giải chính sách nhằm hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, trong bối cảnh tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia cho rằng chính sách này cần được đánh giá toàn diện trước khi thực hiện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, việc sửa đổi luật là cần thiết nhưng không nên nóng vội. Ông dẫn các nghiên cứu quốc tế cho thấy việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường chưa mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm béo phì. Ngược lại, nếu áp thuế, người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại đồ uống pha chế tại chỗ, khó kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Hòa, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần kích cầu và hỗ trợ sản xuất trong nước, việc áp thêm thuế có thể đi ngược xu hướng phục hồi.

Cùng quan điểm, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết nếu áp thuế 10%, quy mô sản xuất của ngành nước giải khát sẽ co lại, kéo theo ảnh hưởng tới ít nhất 24 ngành liên quan, đồng thời có thể làm giảm GDP khoảng 0,448%.

Bà Mẫn cho rằng, chính sách thuế mới nếu ban hành ngay sẽ tạo thêm gánh nặng trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Bà đề xuất cần có lộ trình cụ thể, đủ thời gian để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ và cải tiến sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) thì lo ngại chính sách sẽ đẩy chi phí sản xuất và giá bán tăng cao, ảnh hưởng đến sức mua và khiến tổng cầu suy giảm. Theo bà, nên lùi thời điểm áp dụng đến năm 2028, đồng thời chia lộ trình thành từng giai đoạn tăng thuế dần theo năm, thay vì áp mức cố định ngay từ đầu.

Ngoài ra, bà cũng đề nghị nên xem xét mức thuế phân loại theo hàm lượng đường. Việc này vừa tạo sự công bằng trong chính sách, vừa khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công thức sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng thuế với nước giải khát có đường, song thường đi kèm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và truyền thông dinh dưỡng. Tại Anh, thuế chỉ áp dụng với sản phẩm có hàm lượng đường cao, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công thức. Ở Thái Lan, chính sách thuế được thiết kế theo bậc lũy tiến, linh hoạt theo từng mức đường cụ thể.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển Công nghiệp (IPSI), việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường không chỉ tác động đến ngành đồ uống, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến các ngành nông nghiệp đầu vào như mía, sữa, trái cây – những nguồn nguyên liệu chủ lực của nông thôn.

Tiếp thu ý kiến, trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã điều chỉnh đề xuất: Áp thuế 8% từ năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn cho rằng ngoài việc dời mốc thời gian, cần tiếp tục làm rõ cơ sở khoa học, tác động tổng thể và bảo đảm sự hợp lý trong việc thiết kế chính sách thuế.

Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm 2025 và hướng tới hai con số cho giai đoạn 2026-2030, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc đưa ra một sắc thuế mới cần đặc biệt thận trọng. Các bên liên quan kỳ vọng quá trình xây dựng chính sách sẽ được tiếp tục nghiên cứu sâu, tham vấn kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu y tế cộng đồng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem thêm
Thái Lan tăng sức cạnh tranh cho sầu riêng bằng vận tải đường sắt

Xuất khẩu sầu riêng của nước này sang Trung Quốc được đầu tư, nhằm giảm chi phí logistics, khí thải, cũng như duy trì vị thế trước các đối thủ cạnh tranh.

Lao động, thực tập sinh nước ngoài về nước cơ hội việc làm luôn rộng mở

GIA LAI Rất nhiều việc làm hấp dẫn dành cho người lao động không chỉ ở thị trường trong nước mà còn đi nước ngoài làm việc một cách chính thống.

Ống thép Hòa Phát không bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá

Từ ngày 5/5, Hòa Phát xuất khẩu sản phẩm thép hộp vào Mỹ và thực hiện quy trình tự chứng nhận xuất xứ mà không bị áp thuế chống bán phá giá.

Thúc đẩy tín dụng xanh ‘mở đường’ chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp

Thúc đẩy tín dụng xanh hỗ trợ sự hình thành, nhân rộng các khu công nghiệp xanh, góp phần để Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.