Tại tọa đàm ngày 21/5 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt không thiếu tiềm năng xanh, nhưng lại thiếu công cụ chứng minh điều đó. Có mô hình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, nhưng doanh nghiệp vẫn bị ngân hàng từ chối vì không có hồ sơ ESG đạt chuẩn.
'Tấm vé vào cửa' của tài chính xanh
Khi ngân hàng không chỉ nhìn vào lợi nhuận mà còn soi chiếu dấu chân carbon, nước thải và cả cách doanh nghiệp đối xử với người lao động, báo cáo bền vững (ESG) không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu muốn tiếp cận tín dụng xanh.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại tọa đàm ngày 21/5. Ảnh: SBV.
Báo cáo ESG, viết tắt của môi trường (Environmental), xã hội (Social) và quản trị (Governance), là tài liệu thể hiện cách doanh nghiệp vận hành gắn với trách nhiệm dài hạn. Khác với báo cáo tài chính truyền thống, ESG không chỉ nói về con số, mà phản ánh hành vi, giá trị và cam kết phát triển bền vững. Đây cũng là căn cứ để các tổ chức tài chính lượng hóa rủi ro, xác định tính khả thi của một khoản vay xanh, trong bối cảnh tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.
Trước kia, báo cáo ESG chủ yếu xuất hiện ở các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng trong vài năm gần đây, xu hướng này đã trở thành yêu cầu mặc định trong hệ sinh thái tài chính toàn cầu. Không có báo cáo ESG, doanh nghiệp gần như mất cơ hội tiếp cận dòng vốn giá rẻ, đặc biệt là từ các định chế tài chính quốc tế hoặc các chương trình tín dụng xanh do Chính phủ và đối tác phát triển hỗ trợ.
Không có báo cáo, vốn xanh vẫn là cuộc chơi xa xỉ
“Ngân hàng cũng phải tuân thủ nguyên tắc ESG. Khi doanh nghiệp không có báo cáo, chúng tôi không đánh giá được rủi ro - tức là không thể cấp vốn, nhất là từ nguồn tín dụng xanh quốc tế”, bà Ngô Thúy Phượng, Phó Trưởng ban Chiến lược Vietcombank lý giải.
Việc lập báo cáo ESG đạt chuẩn lại là một thách thức không nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm phần lớn nền kinh tế, gần như đứng ngoài cuộc chơi vì thiếu kiến thức, thiếu nhân lực, và đặc biệt là thiếu kinh phí.
Một báo cáo ESG bài bản hiện nay có thể tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, chưa kể chi phí duy trì hằng năm. Trong khi đó, hướng dẫn trong nước còn rời rạc, chưa có tiêu chuẩn thống nhất, khiến nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu.

Để tiếp cận được tài chính xanh, doanh nghiệp cần đảm bảo báo cáo bền vững. Ảnh: minh họa.
AI - công cụ mới, nhưng chưa đủ
Trong khi các quy chuẩn quốc tế như GRI hay ISSB ngày càng được chấp nhận rộng rãi, công nghệ đang mở ra lối đi mới cho những doanh nghiệp còn chật vật. Theo TS Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp tự động hóa quy trình thu thập dữ liệu, chuẩn hóa thông tin và xây dựng báo cáo ESG theo chuẩn quốc tế. Việc này không chỉ giảm chi phí, mà còn rút ngắn thời gian và nâng cao độ tin cậy của báo cáo khi trình bày với ngân hàng hoặc nhà đầu tư.
Tuy nhiên, công nghệ chỉ là một phần của giải pháp. Dù có sự hỗ trợ từ AI, doanh nghiệp vẫn cần có chiến lược ESG rõ ràng, đội ngũ nhân sự hiểu việc, và một hệ sinh thái chính sách đồng hành. Việc phổ cập báo cáo phát triển bền vững, nhất là trong nhóm doanh nghiệp nhỏ, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại.
Để tài chính xanh không chỉ là cuộc chơi của các ông lớn, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho báo cáo ESG, từ hệ tiêu chuẩn đơn giản hóa, dễ tiếp cận, đến các chương trình đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp.
Một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc hay EU đã có cơ chế hỗ trợ chi phí lập báo cáo bền vững cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời yêu cầu ngân hàng tích cực hướng dẫn và đồng hành từ khâu lập hồ sơ. Việt Nam hiện có Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đến năm 2030, nhưng cần cụ thể hóa bằng chính sách hướng dẫn triển khai tại cấp doanh nghiệp.
Khi ngân hàng và doanh nghiệp cùng “nói chung một ngôn ngữ bền vững”, tín dụng xanh mới có thể chảy mạnh và đều, không chỉ vào vài tên tuổi quen thuộc, mà lan rộng tới cả những doanh nghiệp đang lặng thầm chuyển mình theo hướng xanh. Báo cáo bền vững không còn là tấm vé xa xỉ, mà là “giấy thông hành” trong một hệ sinh thái tài chính đang chuyển dịch theo tiêu chí phát triển có trách nhiệm.