Môi trường đầu tư mở, dòng vốn Thái Lan tăng mạnh
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam –Thái Lan 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có bài phát biểu quan trọng, làm rõ vai trò của ngành tài chính Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976–2026) và chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra – vì những cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy kết nối kinh tế, tài chính và đầu tư giữa hai quốc gia. Ảnh: Kiều Chi.
Thứ trưởng cho biết, Thái Lan hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 trong tổng số khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 14 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến – chế tạo, và hạ tầng.
Ở chiều ngược lại, cũng đã có 22 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Thái Lan, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, phân phối, và dịch vụ tài chính, cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Việt với thị trường Thái Lan.
Thứ trưởng nhấn mạnh, để thúc đẩy các dòng vốn song phương, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ: hoàn thiện thể chế pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, số hóa quản lý thuế – hải quan, và nâng cao năng lực minh bạch tài chính. Những cải cách này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn làm tăng độ tin cậy và khả năng kiểm soát dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam.
"4 kết nối" – Nền tảng hợp tác tài chính xanh
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam hiện đang triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó lĩnh vực tài chính đóng vai trò trụ cột nhằm huy động nguồn lực tư nhân, xây dựng hệ thống thuế bền vững và khuyến khích đầu tư vào các ngành kinh tế xanh – tuần hoàn.

Dưới vai trò của mình, Bộ Tài chính hoàn toàn đồng thuận với chiến lược “4 kết nối” do lãnh đạo hai nước đề xuất, bao gồm: kết nối hạ tầng, chuỗi cung ứng, chiến lược phát triển và mô hình kinh tế tuần hoàn xanh. Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, hai bên đang có tiềm năng rất lớn để hợp tác phát triển hệ thống logistics hiện đại. Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, trong khi Thái Lan đang đầu tư mạnh vào hành lang kinh tế phía Đông (EEC). “Nếu chúng ta có thể quy hoạch và kết nối được các cảng biển chiến lược giữa hai nước, chi phí logistics sẽ giảm đáng kể, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh chung cho cả ASEAN,” Thứ trưởng nhận định.
Thúc đẩy nông nghiệp số qua đổi mới sáng tạo và đầu tư chiến lược
Một sáng kiến nổi bật được Bộ Tài chính Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn là thành lập quỹ đầu tư chung giữa Việt Nam và Thái Lan, tập trung vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Theo Thứ trưởng, mô hình quỹ chung không chỉ giúp chia sẻ rủi ro tài chính, mà còn là cơ chế để các startup của hai nước tiếp cận nguồn vốn sớm, có định hướng chiến lược và gắn với nhu cầu thực tế của thị trường ASEAN.
Song song đó, Việt Nam đề xuất xây dựng hai trung tâm đổi mới sáng tạo đặt tại Hà Nội và Bangkok, đóng vai trò là nơi kết nối các nhà khoa học, kỹ sư, doanh nghiệp công nghệ và nhà hoạch định chính sách từ cả hai quốc gia. Những trung tâm này có thể hoạt động theo mô hình hợp tác công – tư, kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp khu vực.

Thứ trưởng cho rằng Việt Nam và Thái Lan, hai quốc gia giàu tiềm năng về nông nghiệp nhiệt đới, cần hợp tác phát triển chuỗi giá trị số ngành nông sản, nhằm phục vụ cả thị trường nội khối và quốc tế. Ảnh minh họa.
Bên cạnh tài chính và công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nông nghiệp số và chế biến nông sản trong chiến lược liên kết song phương. Thứ trưởng cho biết, Việt Nam và Thái Lan đều là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp nhiệt đới và cần bắt tay để xây dựng những chuỗi giá trị nông sản kỹ thuật số không chỉ phục vụ thị trường 170 triệu dân của hai nước mà còn hướng đến thị trường toàn ASEAN và thế giới.
Khép lại bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: “Bộ Tài chính Việt Nam luôn lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đối tác quốc tế để kịp thời báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những chính sách phù hợp, hiệu quả và thực chất.”
Sự hiện diện của Bộ Tài chính tại Diễn đàn lần này không chỉ là lời cam kết về mặt thể chế mà còn là tín hiệu mạnh mẽ rằng Việt Nam sẵn sàng đồng hành với Thái Lan trong tiến trình xây dựng một hệ sinh thái tài chính – đầu tư xanh, minh bạch và đổi mới sáng tạo, làm nền tảng cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện bước vào giai đoạn phát triển mới, sâu sắc và hiệu quả hơn.