
Chiều 16/5, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan 2025 với chủ đề Một cộng một trên ba kết nối, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Kiều Chi.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định “Nội hàm hợp tác giữa hai nước là không có giới hạn - vì hòa bình, hạnh phúc và ấm no của hai dân tộc”. Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, với những thách thức toàn cầu như đại dịch, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, lương thực và tài chính, chỉ có đoàn kết, hợp tác thực chất mới là con đường phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, ba trọng tâm chiến lược mà Việt Nam - Thái Lan cần theo đuổi trong giai đoạn tới là ổn định, phát triển và kiến tạo tương lai bền vững. Trong đó, Việt Nam đang triển khai các chiến lược mang tính cách mạng là hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan 2025, với chủ đề "Một cộng một trên ba kết nối", diễn ra chiều 16/5. Ảnh: Kiều Chi.
Đặc biệt, các đột phá về hạ tầng như giao thông, năng lượng, hạ tầng số và y tế sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế, đồng thời phục vụ thiết thực đời sống nhân dân. Việc phát triển hạ tầng đồng bộ cũng giúp giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra lợi ích cụ thể, bền vững cho cả Việt Nam và Thái Lan.
"Việt Nam xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng như cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn thực chất, tạo điều kiện để quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích thiết thực của người dân hai nước.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra luôn coi trọng mối quan hệ tốt đẹp và mục tiêu phát triển bền vững với Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác đặc biệt quan trọng của Thái Lan trong ASEAN. “Chúng tôi nhất trí rằng trọng tâm hiện nay là sớm thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị kinh tế giữa hai nước, tận dụng tối đa thế mạnh quốc gia".
Thủ tướng Thái Lan thông tin, hiện Thái Lan đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam với hơn 14 tỷ USD vốn đầu tư. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn như SCG, C.P., B.Grimm Power đã chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược trong kế hoạch mở rộng ra toàn khu vực Mekong.
Bên cạnh đó, hai nước đã xác định ba lĩnh vực kết nối trọng điểm gồm: kết nối chuỗi cung ứng, kết nối kinh tế địa phương và kết nối vì phát triển bền vững. Thủ tướng Thái Lan đề xuất cần thúc đẩy các dự án hợp tác trong công nghiệp điện tử, hóa dầu, chế biến nông sản, trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn và đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Ở cấp địa phương, 20 thành phố đối tác sẽ mở rộng hợp tác trong lĩnh vực về du lịch và thương mại. Đặc biệt, hai bên đang xem xét có kế hoạch mở thêm các tuyến bay trực tiếp từ Đông Bắc Thái Lan đến Việt Nam, tạo đòn bẩy cho du lịch, giao lưu nhân dân và logistics xuyên biên giới.
Thúc đẩy nông nghiệp số cũng là vấn đề vô cùng quan trọng khi cả Việt Nam và Thái Lan đều có lợi thế mạnh về nông nghiệp nhiệt đới. Cả hai nước cần tăng cường các dự án về chế biến nông sản, phát triển thương hiệu nông sản chung của ASEAN, nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường 170 triệu dân của hai nước mà còn phục vụ xuất khẩu.
Diễn đàn cũng chứng kiến Lễ trao Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra. Các MoU mở ra hướng hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực mũi nhọn như: Hợp tác hàng không, Công nghệ tài chính, Đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Trong năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21 tỷ USD. Thái Lan kỳ vọng sẽ đưa con số này lên 25 tỷ USD trong tương lai gần, thông qua việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics và nông nghiệp thông minh. Hiện nay, hơn 50% kim ngạch thương mại song phương là nguyên liệu và linh kiện phục vụ sản xuất, cho thấy mối liên kết ngày càng sâu rộng trong chuỗi cung ứng khu vực.