Bộ Tài chính đang lấy ý kiến với dự thảo Nghị định sửa đổi các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó lần đầu tiên bổ sung chế tài xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến tài sản mã hóa. Đây được coi là bước đi nhằm lấp khoảng trống pháp lý, đồng thời chuẩn bị khung giám sát khi thị trường tài sản số đi vào vận hành chính thức.

Tài sản mã hóa là khái niệm còn tương đối mới mẻ với đa số người dân. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Tài chính, tài sản mã hóa, dạng tài sản số phát hành và giao dịch trên nền tảng blockchain, đang phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi thiếu các quy định giám sát. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đang triển khai thí điểm thị trường này theo Nghị quyết của Chính phủ, chưa cấp phép chính thức cho bất kỳ tổ chức nào.
Dự thảo nêu rõ các hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể, tổ chức không xác minh danh tính người dùng, không lưu trữ hồ sơ giao dịch, quảng cáo sai sự thật, trộn lẫn tài sản khách hàng với tài sản doanh nghiệp, hoặc cung cấp dịch vụ không phép đều có thể bị xử phạt. Cấu trúc chế tài được thiết kế tương tự thị trường chứng khoán, với mức phạt tối đa 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Một trong những hành vi bị xử phạt nặng là thao túng thị trường. Các hình thức như tạo cung cầu ảo, lan truyền thông tin sai lệch, chuyển nhượng khống, hoặc đặt lệnh giả để dẫn dắt giá đều bị xem là gian lận nghiêm trọng. Nếu hành vi được thực hiện bởi tổ chức chưa được cấp phép hoặc không đăng ký tại Việt Nam, mức phạt có thể đạt ngưỡng cao nhất.
Ngoài ra, hoạt động tự doanh, phát hành nền tảng, vận hành sàn giao dịch, hoặc đưa tài sản chưa đăng ký vào hệ thống cũng thuộc diện xử lý nếu không có giấy phép. Các vi phạm về công bố thông tin thiếu minh bạch, sai lệch, vốn dễ gây hiệu ứng dây chuyền trong không gian mạng, cũng được đưa vào khung chế tài.
Dự thảo đồng thời bổ sung nguyên tắc áp dụng các quy định hiện hành trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nếu tổ chức tài sản mã hóa vi phạm các quy định về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là cách tiếp cận tích hợp nhằm tránh chồng chéo pháp lý và tăng tính răn đe trong xử lý vi phạm liên ngành.
Việc Bộ Tài chính chủ động xây dựng khung xử phạt ngay trong giai đoạn thị trường còn đang thử nghiệm cho thấy cách tiếp cận “đi trước một bước” trong quản lý rủi ro. Trước đó, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore... đã ban hành luật riêng hoặc xây dựng hệ thống cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa.
Những khung pháp lý này được thiết kế để bảo vệ nhà đầu tư mà không bóp nghẹt đổi mới công nghệ, thứ Việt Nam đang hướng tới trong chiến lược phát triển kinh tế số.
Theo các chuyên gia, điểm mới của dự thảo là chuyển từ “ngăn chặn” sang “kiểm soát theo rủi ro”. Đây là bước tiến trong tư duy quản lý với các lĩnh vực mới nổi. Trong bối cảnh hoạt động giao dịch tài sản số đang lan rộng qua các nền tảng xuyên biên giới, thiết lập chế tài hành chính được xem là nền móng để hình thành thị trường minh bạch, an toàn.
Thực tế cho thấy, khi chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, các tranh chấp, gian lận hoặc chiêu trò (như đẩy giá rồi bán tháo...) vẫn diễn ra ở nhiều nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu qua các nền tảng không kiểm soát. Hoàn thiện khung xử phạt hành chính có thể giúp cơ quan quản lý chủ động can thiệp khi cần thiết, đồng thời tạo tín hiệu rõ ràng về nguyên tắc vận hành cho các doanh nghiệp công nghệ muốn tham gia thị trường hợp pháp trong tương lai.