Người dân, nhà thầu đứng ngồi không yên
Hơn một tuần qua, thị trường xây dựng tại tỉnh Đắk Nông rơi vào tình trạng náo loạn khi giá cát tăng phi mã. Từ mức 450.000-500.000 đồng/m3, giá đã vọt lên 1.000.000 đồng, thậm chí có nơi vượt 1.200.000 đồng/m3. Tình trạng này khiến nhiều người dân và nhà thầu xây dựng điêu đứng.

Anh Lương Hữu Phú, trú tại tổ 4, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa lo lắng không đủ tiền để hoàn thiện nhà khi giá cát xây dựng tăng quá nhanh. Ảnh: Phạm Hoài.
Anh Lương Hữu Phú, trú tại tổ 4, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu xây nhà từ ba tháng trước, lúc đó giá cát còn hợp lý. Nhưng trong tuần qua, giá đã tăng chóng mặt. Chiều 19/5, tôi hỏi mua thì giá đã hơn 1.200.000 đồng/m3 mà còn không có để giao, đơn vị cung cấp cho biết do mỏ tăng giá nên họ buộc phải tăng theo. Với mức giá này, có lẽ tôi không thể hoàn thiện căn nhà như dự kiến”.
Không chỉ người dân, các nhà thầu xây dựng cũng gặp khó khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh nhưng giá thi công chưa được điều chỉnh tương ứng. Anh Nguyễn Thế Thanh, một nhà thầu lâu năm tại TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Tôi nhận thi công nhà trọn gói với giá 5–6 triệu đồng/m2. Nếu giá vật tư, đặc biệt là cát tiếp tục tăng, chi phí mỗi m2 có thể phải tăng thêm 200.000–300.000 đồng. Nếu không điều chỉnh kịp thời, chắc chắn sẽ lỗ”.
Nguồn cung giảm, có dấu hiệu bất thường?
Theo khảo sát tại các đại lý phân phối vật liệu xây dựng, nguyên nhân chính khiến giá cát tăng là do nguồn cung từ các mỏ trên địa bàn huyện Krông Nô bị gián đoạn. Nhiều mỏ tạm dừng khai thác với lý do như “hết hàng”, “phương tiện hư hỏng” hoặc “chờ đăng kiểm”.

Theo lãnh đạo các xã thuộc huyện Krông Nô, các mỏ cát ở huyện Krông Nô đang bán với mức độ rất ít, thậm chí có nhiều mỏ đóng cửa không bán với lý do hết cát. Ảnh: Phạm Hoài.
Giá nhập vào tại một số đại lý hiện đã vượt 800.000 đồng/m3, thậm chí không có hàng để bán. Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (huyện Krông Nô), cho biết địa phương không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc các mỏ dừng khai thác. Hiện tại, người dân trên địa bàn đi mua cát rất khó, nhiều mỏ không còn cát để bán.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Nông cho biết, đã nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp xây dựng. Ông đề nghị các đơn vị gửi đơn kiến nghị để Hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tìm hướng xử lý, tránh việc người dân và doanh nghiệp bị thiệt thòi.
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo “nóng”
Trước diễn biến bất thường về giá cát, ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết: “UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tổ chức họp khẩn, lấy ý kiến các bên liên quan để thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại các mỏ, làm rõ nguyên nhân khiến giá tăng đột biến”.
Lý giải về ý kiến cho rằng, việc tăng giá là do các đầu cơ cố tình găm hàng tăng giá, ông Minh khẳng định: Giá cát bán đã có quy định cụ thể, việc bán ra thị trường với giá cao qua mức là không chấp nhận được. "Không thể để giá cát tăng mạnh như thế được, chúng tôi sẽ tổ chức họp và đi kiểm tra để làm rõ", ông Minh khẳng định.
Hiện tại, toàn bộ nguồn cung cát của tỉnh Đắk Nông chủ yếu đến từ sông Krông Nô. Trên tuyến sông dài 39km, có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, do 19 điểm sạt lở nên chỉ còn khoảng 29km có thể khai thác với tổng công suất hơn 180.000m3/năm.

Nhiều ngôi nhà tình nghĩa được các mạnh thường quân hỗ trợ nhưng đến nay không có cát để xây đành phải chờ. Ảnh: Xuân Hạnh.
Sau khi có thông tin về giá cát xây dựng có biến động lớn với mức tăng phi mã trong một tuần qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc khai thác và phân phối cát, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng ổn định lâu dài.
Trong bối cảnh nhiều công trình đầu tư công đang thi công, việc bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát và đá, là yêu cầu cấp thiết để không ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Theo quyết định công bố giá vật tư, vật liệu xây dựng mới nhất của Sở Xây dựng Đắk Nông, giá cát xây dựng tại thành phố Gia Nghĩa từ 420.000-450.000 đồng/m3. Giá tại các huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk R’lấp... cao hơn từ 50.000 -100.000 đồng/m3 (tùy thuộc vào cự ly vận chuyển).