| Hotline: 0983.970.780

3 'trụ cột' giúp ngành dừa chinh phục thị trường toàn cầu

Thứ Hai 26/05/2025 , 06:06 (GMT+7)

Liên kết chuỗi, đổi mới công nghệ và quy hoạch vùng nguyên liệu là ba 'trụ cột' chiến lược cho ngành dừa phát triển, vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.

Ngành dừa Bến Tre hiện đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngành dừa Bến Tre hiện đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Liên kết và công nghệ ngành dừa

Việt Nam hiện là quốc gia có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 thế giới, với gần 200.000 ha, tập trung chủ yếu tại khu vực ĐBSCL. Gần 20 năm qua, ngành dừa không chỉ đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo sinh kế bền vững cho hàng triệu nông dân, lao động địa phương.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, thời gian qua, ngành dừa nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Hàng loạt chính sách cụ thể đã được ban hành như công nhận cây dừa là cây trồng chủ lực quốc gia; xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thực phẩm từ dừa; cùng nhiều đề án hỗ trợ tại địa phương.

Sự vào cuộc đồng bộ này đã tạo động lực giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, thích ứng biến đổi khí hậu. Không chỉ có sự nhạy bén của doanh nghiệp, người nông dân trồng dừa cũng dần thay đổi tư duy, từ canh tác nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng hữu cơ và nâng cao chất lượng đầu vào.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, ngành dừa vẫn đối mặt với nhiều thách thức như sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp, nông dân và cơ quan quản lý. 

Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, đang đẩy mạnh đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ khó khăn, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường. Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết vùng nguyên liệu, nhất là vùng trồng dừa hữu cơ và hợp tác quốc tế để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu, phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.

Betrimex đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến sâu tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ dừa, xuất khẩu tới 70 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Betrimex.

Betrimex đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến sâu tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị từ dừa, xuất khẩu tới 70 quốc gia trên thế giới. Ảnh: Betrimex.

Từ “thủ phủ dừa” đến trung tâm công nghệ chế biến sâu

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, ngành dừa Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp như Betrimex, Beinco, Lương Quới, Á Châu, Thuận Phong, GC Food… đã đầu tư công nghệ hiện đại tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao như nước cốt dừa, dầu dừa, sữa dừa, thạch dừa, bánh mứt và các sản phẩm phi thực phẩm như mỹ phẩm, hàng thủ công, than hoạt tính…

Với diện tích trồng khoảng 190.000 ha, tỉnh Bến Tre hiện là địa phương có sản lượng dừa lớn nhất cả nước, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước. Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, dù diện tích còn khiêm tốn so với Philippines hay Indonesia, nhưng nhờ định hướng phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến sâu, Bến Tre đang tạo ra giá trị gia tăng cao từ quả dừa, biến những thứ từng bỏ đi như xơ dừa... thành hàng xuất khẩu.

"Ngành dừa Bến Tre mới chỉ phát triển mạnh khoảng 15 năm trở lại đây, nhưng đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Đó là thành quả của sự kết hợp giữa chính sách Trung ương, sự chủ động của tỉnh và tinh thần đổi mới từ doanh nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre nói và cho biết, đây là thời điểm vàng để ngành dừa Việt Nam phát triển toàn diện, dù diện tích không lớn nhưng hoàn toàn có thể tạo ra giá trị vượt trội.

Một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dừa tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Đây cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chế biến sâu các sản phẩm từ dừa và là nhà sản xuất dừa lớn thứ 6 trên toàn cầu.

Với hơn 48 năm gắn bó cùng vùng nguyên liệu Bến Tre, Betrimex đã xây dựng được vùng trồng dừa hơn 30.000 ha, trong đó gần 10.600 ha dừa hữu cơ, liên kết với 15.100 nông hộ và tiêu thụ 153 triệu trái dừa/năm. 

Nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị, bà Trần Quế Trang, Tổng Giám đốc Betrimex cho biết, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào công nghệ hiện đại như dây chuyền Tetra Pak, nghiên cứu phát triển giống dừa bằng phương pháp nuôi cấy mô, sản xuất đa dạng sản phẩm như nước dừa, sữa dừa, dầu dừa, nước cốt dừa, cơm dừa sấy... đạt hơn 27 chứng nhận chất lượng quốc tế như Halal, Kosher, Non-GMO, Organic… và xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia. 

Betrimex hướng đến trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và nhà cung cấp giải pháp hàng đầu ngành dừa. Đặt canh tác bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu làm trọng tâm chiến lược, không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để tạo ra một hệ sinh thái dừa có khả năng chống chịu cao và mang lại giá trị lâu dài.

Theo bà Trần Quế Trang, doanh nghiệp dừa Việt Nam không hề thua kém các nước bạn về công nghệ hay sự năng động. Cái thiếu là một khung chính sách đồng bộ để kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, giúp khai thác quả dừa hiệu quả hơn, toàn diện hơn.

“Chúng ta có doanh nghiệp tốt, công nghệ hiện đại, nhưng cần một hệ sinh thái hỗ trợ, từ hạ tầng số đến chính sách để ngành dừa không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn đi sâu vào chiều sâu giá trị”, Tổng Giám đốc Betrimex nói.

Thị trường toàn cầu các sản phẩm từ dừa hiện đạt 13,8 tỷ USD và đang tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các danh mục sản phẩm. Tốc độ tăng trưởng hàng năm 6% trong 5 năm qua và dự báo đạt 9,5% trong 5 năm tới nếu nguồn cung được đảm bảo.

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, lành mạnh và tự nhiên, đặc biệt tại châu Âu ngày càng tăng, mở ra cơ hội lớn cho ngành dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế với các sản phẩm từ dừa.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có 92 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa và hơn 500 doanh nghiệp thương mại với hơn 60 sản phẩm từ dừa Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự báo trong 5 năm tới, sẽ có thêm khoảng 30 doanh nghiệp chế biến sâu quy mô lớn, đưa Việt Nam lọt top 4 châu Á Thái Bình Dương và top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về công nghiệp dừa.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, giá dừa nguyên liệu hiện tăng vọt lên 16.000-17.000 đồng/kg, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, do tình trạng đầu cơ, gom hàng xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu ven biên giới Long An, Đồng Tháp và An Giang. Điều này khiến nhiều nhà máy trong nước thiếu hụt nguyên liệu, phải thu mua với giá cao, làm đình trệ hoạt động sản xuất và chế biến sâu.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Dừa Việt Nam đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ áp thuế xuất khẩu dừa nguyên liệu nhằm giữ lại nguồn cung phục vụ chế biến trong nước, tránh xuất thô tràn lan và đảm bảo phát triển bền vững ngành dừa chế biến sâu.

Dừa không chỉ là sản phẩm thực phẩm chính, mà nó là một thành phần được săn đón trong mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm thân thiện với môi trường và nhiên liệu sinh học. Các quốc gia có sức mua mạnh đang đảm bảo nguồn nguyên liệu thô khổng lồ, khiến các công ty nhỏ hơn phải vật lộn để cạnh tranh.

Xem thêm
Bảo hiểm thất nghiệp, 'chiếc phao' giúp người lao động vượt qua khó khăn

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào thực tiễn trở thành điểm tựa để người lao động từng bước tìm lại cơ hội nghề nghiệp, sớm ổn định cuộc sống.

GrowMax được vinh danh vì những đóng góp xuất sắc cho KHCN Việt Nam

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, GrowMax được vinh danh nhờ các sản phẩm thức ăn chức năng Specific TPD và quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước - an toàn sinh học.

Thao túng tài sản mã hóa có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng

Lần đầu tiên, Bộ Tài chính đề xuất đưa đối tượng này vào diện xử phạt hành chính, nhằm kiểm soát rủi ro và tạo nền tảng pháp lý cho thị trường đang thí điểm.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Đề xuất thuế TTĐB nước giải khát có đường: Cần đánh giá tác động đa chiều

Việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tạo ra tranh luận về mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng kinh tế, xã hội.