Chính quyền lao đao, dân mong mái ấm
Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2025 sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá cát xây dựng tăng gấp 2 – 3 lần đang là trở ngại lớn cho quá trình triển khai.

Chị Mai Thị Hương, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa buồn bã trao đổi với lãnh đạo xã Đắk R’Moan vì nhà bị tốc mái lâu và đã có nguồn kinh phí hỗ trợ những giá cát quá cao nên đành khất lại chờ giá giảm. Ảnh: Phạm Hoài.
Gia đình chị Mai Thị Hương, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan, TP. Gia Nghĩa được hỗ trợ 70 triệu đồng từ chương trình xóa nhà tạm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Gia Nghĩa thực hiện. Thế nhưng, ngay trước khi khởi công, giá cát tăng đột biến khiến chị phải xin tạm hoãn việc xây dựng.
“Nhà bị tốc mái sau trận mưa lớn, cả nhà tôi phải đi ở nhờ. Nhận được thông báo hỗ trợ, ai cũng mừng, nhưng giá vật liệu tăng quá cao khiến gia đình tôi chưa thể làm nhà được”, chị Hương chia sẻ trong lo lắng.
Theo ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan, năm 2025 toàn xã có 7 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, đến nay đã hoàn thành 4 căn. Các hộ còn lại đang chờ giá vật liệu giảm mới triển khai. Giá cát hiện tăng từ 400.000 đồng/m3 lên tới 1.200.000 đồng/m3.
“Chúng tôi đang vận động thêm nguồn lực xã hội, hỗ trợ mỗi hộ thêm 10 triệu đồng. Nhưng với giá cát tăng vọt như hiện nay, việc triển khai còn rất nhiều khó khăn”, ông Đông nói.
Tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, chương trình xóa nhà tạm do Bộ Công an phát động, hỗ trợ xây dựng 12 căn nhà, trị giá mỗi căn 60 triệu đồng cũng đang gặp trở ngại do giá vật liệu leo thang.
Đại diện Công an xã Đắk Ha cho biết: “Đến nay đã khởi công được hơn 10 căn. Tuy nhiên, giá cát tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba khiến chi phí đội lên rất cao, chưa kể hiện tại cát cũng khan hiếm, rất khó mua”.

Ông Nguyễn Duy Mạnh, Bí thư Bon Bu Sóp, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa trao đổi với phóng viên và cho biết, mỗi hộ nằm trong diện xóa nhà tạm được hỗ trợ 60 triệu đồng cho 50m2 nếu giá cát ở mức 1.200.000 đồng/m3 thì mỗi căn mất 20 triệu đồng tiền cát. Ảnh: Phạm Hoài.
Nguy cơ trễ hẹn với an cư
Dù các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang quyết liệt thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhưng biến động giá vật liệu, nhất là cát, đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Chỉ trong một tuần, giá cát tăng chóng mặt, khiến nhiều công trình phải dừng lại hoặc hoãn thi công.
Năm 2025, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu xây mới, sửa chữa hơn 1.700 căn nhà, trong đó có 540 căn thuộc chương trình do Thủ tướng Chính phủ phát động. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã hỗ trợ thêm 30 tỷ đồng để địa phương tiếp tục xóa 500 căn nhà tạm.

Đại diện một số cửa hàng vật liệu xây dựng ở TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông cho biết, dù giá cát tăng gấp 3 lần cách đây hơn 1 tuần nhưng mua ở các mỏ cũng không có hàng. Ảnh: Phạm Hoài
Theo Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông) từ đầu tháng 3 đến nay, các địa phương đã đồng loạt triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với sự tham gia hỗ trợ tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, chi phí vật liệu liên tục tăng cao đang là rào cản lớn, khó hoàn thành theo dự kiến.
Đại diện Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông cảnh báo: “Nếu không có giải pháp kịp thời để bình ổn giá vật liệu, đặc biệt là cát, cũng như tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho người dân và địa phương, việc hoàn thành đúng hạn mục tiêu xóa nhà tạm trước 30/6/2025 sẽ rất khó đạt. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình và cuộc sống của người dân”.