
Trồng mắc ca xen cà phê mang lại hiệu quả cao ở huyện Đăk Tô. Ảnh: Tuấn Anh.
Năm 2012, được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cây mắc ca chính thức được trồng khảo nghiệm tại huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum). Sau thời gian trồng thử nghiệm, nhiều hộ dân thấy được tiềm năng của cây mắc ca nên đã mạnh dạn đưa về trồng. Đến nay, mắc ca đã trở thành cây trồng chủ lực tại huyện Đăk Tô với hơn 1.200 ha, trong đó chủ yếu được người dân trồng xen cà phê.
Ông Nguyễn Văn Quyết (thôn Kon Đào, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) là người tiên phong trồng mắc ca tại huyện Đăk Tô. Năm 2015, sau khi tham dự các hội thảo về mắc ca cũng như tự tìm hiểu các tài liệu, ông Quyết đã quyết định trồng hơn 4 ha xen với cà phê trong vườn. Nhận thấy cây mắc ca phát triển tốt, ông tiếp tục mở rộng diện tích và hiện nay gia đình đang sở hữu 9 ha.
Ông Quyết cho biết, sau 5 năm trồng và chăm sóc, cây mắc ca cho thu bói, sau đó năng suất tăng dần theo từng năm. Ngoài ra, để cây mắc ca phát triển tốt, năng suất cao, yếu tố thời tiết đóng vai trò rất quan trọng.

Trồng mắc ca xen cà phê giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích. Ảnh: Tuấn Anh.
“Mùa vụ năm 2023, thời tiết thuận lợi nên vườn mắc ca của gia đình cho năng suất rất tốt, đạt khoảng 1,6 tấn/ha, giá bán khoảng 85 triệu đồng/tấn, gia đình thu về vài trăm triệu đồng từ 4 ha trồng mắc ca xen cà phê. Tuy nhiên, đến mùa vụ năm 2024, vườn mắc ca gặp phải thời tiết bất lợi nên bị mất mùa, năng suất giảm còn 1 nửa”, ông Quyết chia sẻ.
Cũng theo ông Quyết, so với các cây trồng khác, mắc ca tương đối dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả kinh tế cao thì cần thêm thời gian nghiên cứu về quy trình phát triển của loại cây trồng này.
Chẳng hạn, trong quá trình tạo quả, cây mắc ca cho ra rất nhiều hoa, nhưng chỉ cần gặp thời tiết bất lợi thì bị rụng hết. Chính vì vậy, người dân cần phải kiên trì để tìm giải pháp tối ưu nhất giúp cây mắc ca phát triển hiệu quả.
Tại xã Tân Cảnh, khoảng vài năm trở lại đây, người dân được huyện Đăk Tô hỗ trợ cây giống nên mắc ca ngày càng phát triển mạnh và dần trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn cùng với cây cà phê.
Năm 2015, ông Nguyễn Đình Cường (thôn 5, xã Tân Cảnh) quyết định trồng 200 cây mắc ca xen trong vườn cà phê 3 ha của gia đình. Đến năm 2021, mắc ca cho thu bói, gia đình thu về 9 tạ quả tươi, ông bán được hơn 40 triệu đồng. Các năm sau đó, vườn mắc ca cho năng suất tăng dần và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
“Nhận thấy mắc ca có giá trị kinh tế cao, gia đình tôi đã quyết định đầu tư máy tách vỏ và lò sấy mini để chế biến thành phẩm. Nhờ đó, mắc ca thành phẩm có giá bán từ 180.000 - 200.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, trung bình mỗi năm gia đình thu lợi hơn 100 triệu đồng”, ông Cường nói và cho biết, năm 2023, gia đình trồng thêm 100 cây mắc ca xen trong vườn cà phê, hy vọng vài năm tới nguồn thu nhập sẽ cao hơn.
Cũng theo ông Cường, mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã Tân Cảnh khi cây luôn phát triển tốt, hoa nở đều trước khi đậu quả. Mặt khác, chăm sóc cũng rất đơn giản, ít tốn công sức hơn các loại cây trồng khác. Quan trọng hơn, việc trồng mắc ca xen với cây cà phê giúp gia đình tiết kiệm được chi phí đầu tư nhờ tận dụng việc dùng chung nguồn nước, phân bón.

Cây mắc ca rất phù hợp trồng tại huyện Đăk Tô. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết, qua theo dõi cho thấy, cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhờ vậy, trong đề án phát cây mắc ca được huyện Đăk Tô giao chỉ tiêu, xã Tân Cảnh đã phát triển được hơn 100 ha. “Để giúp cây mắc ca phát triển hiệu quả, xã đã tập trung hỗ trợ bà con về quy trình kỹ thuật chăm sóc để tăng năng suất, nâng cao thu nhập”, ông Hưng chia sẻ.
Ông Tưởng Văn Khanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô cho biết, cây mắc ca đã phát triển được hơn 10 năm trên địa bàn huyện Đăk Tô và đang trở thành 1 trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Đây là loại cây tương đối dễ trồng, thời điểm ra hoa đậu quả của mắc ca trùng với cây cà phê nên rất thuận lợi cho người dân chăm sóc.
Về thị trường, hiện mắc ca có giá bán dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường vẫn rất lớn nên không lo đến vấn đề đầu ra của sản phẩm.
Ông Tưởng Văn Khanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô cho biết: “Huyện đã có đề án phát triển tổng thể giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, trong đó có đưa cây mắc ca trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian qua, huyện đã ưu tiên các nguồn kinh phí để hỗ trợ giống cho người dân nhân rộng phát triển cây mắc ca trên địa bàn”.