Chính quyền hai cấp vận hành nghiêm túc
Ngày 1/7, tỉnh Lâm Đồng mới chính thức đi vào hoạt động sau khi được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận. Trong bức tranh chung đó, các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng biên giới như xã Quảng Trực được xem là một trong những nơi có điều kiện khó khăn nhất, vẫn triển khai nghiêm túc, tích cực các hoạt động phục vụ người dân từ ngày làm việc đầu tiên.

Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Quảng Trực, Lâm Đồng mới vẫn tích cực xử lý nhanh gọn thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: TT.
Ghi nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Quảng Trực trong sáng 1/7 cho thấy, nhiều người dân đã đến làm việc với tinh thần phấn khởi, tin tưởng. Trong số đó, ông Điểu M’rê, một người dân sống lâu năm tại xã Quảng Trực chia sẻ: “Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của tôi nộp từ tháng 6. Dù mới sáp nhập tỉnh, bộ máy hành chính có thay đổi nhưng cán bộ xã vẫn hướng dẫn tận tình, xử lý nhanh gọn. Tôi thấy chính quyền hai cấp hoạt động rất tốt, hy vọng sau khi sáp nhập, người dân sẽ bớt được nhiều thủ tục rườm rà không cần thiết".
Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, ngay từ sáng 1/7, toàn bộ cán bộ, công chức xã đã có mặt đúng giờ và tổ chức họp nhanh để rà soát khối lượng công việc còn tồn đọng, đồng thời tiếp nhận yêu cầu mới của người dân. Mặc dù là xã vùng biên, xa trung tâm huyện cũ Tuy Đức khoảng 16 km, cơ sở vật chất và nguồn lực còn hạn chế nhưng chúng tôi xác định tinh thần chủ động, phục vụ liên tục để người dân không bị gián đoạn quyền lợi.
Theo ông Anh, trước khi sáp nhập tỉnh, xã Quảng Trực thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũ. Xã Quảng Trực hiện là một trong những xã biên giới trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng mới với đường biên dài 41,6 km giáp Vương quốc Campuchia. Xã có diện tích tự nhiên 55.878 ha, trong đó có hơn 40.000 ha rừng. Dân số toàn xã hiện có hơn 11.200 người, sinh sống tại 11 Bon, với 26 dân tộc cùng chung sống; trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%.

Ngay từ sáng 1/7, Ban chấp hành Đảng bộ xã Quảng Trực tổ chức hội nghị lần thứ nhất để triển khai các hoạt động cụ thể. Ảnh: TT.
"Không chỉ đáp ứng công tác hành chính, hệ thống chính trị tại xã cũng được củng cố đồng bộ. Xã hiện có 78 cán bộ, công chức; trong đó, bộ máy lãnh đạo gồm 28 người. Các tổ chức Đảng, HĐND, UBND, Mặt trận và đoàn thể đều được kiện toàn, bảo đảm hoạt động xuyên suốt trong quá trình sáp nhập", ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực khẳng định.
Theo một số người dân vào làm thủ tục hành chính tại xã Quảng Trực nhận xét, xã vẫn duy trì lịch làm việc, cán bộ vẫn làm việc bình thường, không có chuyện chậm trễ. Người dân chúng tôi không bị ảnh hưởng gì lớn, mà ngược lại còn thấy yên tâm hơn vì mọi thứ đang được sắp xếp lại cho đồng bộ.
Địa phương vùng sâu kỳ vọng
Cũng theo ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, việc thành lập tỉnh Lâm Đồng mới là bước ngoặt lớn, tạo ra cơ hội cải cách hành chính theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Riêng với các xã vùng biên như Quảng Trực, điều người dân mong mỏi nhất là rút ngắn các khâu trung gian và giảm bớt thủ tục hành chính.
“Chúng tôi kỳ vọng sau khi bộ máy cấp tỉnh và huyện hoàn thiện theo mô hình chính quyền hai cấp, sẽ có cơ chế linh hoạt hơn cho xã vùng biên, nhất là trong công tác đất đai, bảo hiểm, an sinh. Người dân không phải đi xa, còn cán bộ xã cũng được tập huấn kỹ hơn để thực hiện đúng các quy trình mới”, ông Anh chia sẻ thêm.
Hiện tại, toàn xã Quảng Trực đã thiết lập các kênh tiếp nhận thông tin người dân qua đường dây nóng, hòm thư góp ý và lịch tiếp công dân hằng tuần. Ngoài ra, xã cũng đang chuẩn bị kiện toàn hệ thống dữ liệu phục vụ triển khai các thủ tục số hóa theo yêu cầu từ cấp tỉnh.
Việc xã Quảng Trực bắt nhịp nhanh với bộ máy sau sáp nhập là minh chứng cho sự chủ động, linh hoạt và ý thức trách nhiệm cao của chính quyền cơ sở vùng biên. Trong thời gian tới, khi các chính sách quản lý hành chính, phân cấp quản trị địa phương của tỉnh Lâm Đồng mới được hoàn thiện, người dân xã vùng biên như Quảng Trực chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ bộ máy tinh gọn, dịch vụ hành chính hiệu quả và dễ tiếp cận hơn.
Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích tự nhiên hơn 24.233km2, lớn nhất cả nước, với 124 xã, phường, đặc khu; dân số hơn 3,8 triệu người. Tỉnh Lâm Đồng giáp các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Vương quốc Campuchia và Biển Đông.