| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao Bảo Lạc đối mặt nguy cơ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng

Thứ Bảy 03/05/2025 , 09:57 (GMT+7)

Cao Bằng Trước tình trạng thời tiết diễn biến bất thường, mùa khô năm nay đến sớm khiến huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Hạn hán kéo dài, cây trồng và sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo các cơ quan chuyên môn, từ đầu vụ đông xuân 2024–2025, thời tiết trên địa bàn huyện Bảo Lạc có nhiều diễn biến bất lợi. Những đợt rét kéo dài đầu vụ làm chậm tiến độ gieo trồng và ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng.

Sang tháng 3/2025, nắng nóng tăng cao, lượng mưa giảm mạnh khiến tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nguồn nước tự nhiên như khe suối, bể chứa bị cạn kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Huyện Bảo Lạc đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh: Bảo Hà.

Huyện Bảo Lạc đang phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh: Bảo Hà.

Tính đến cuối tháng 4/2025, toàn huyện đã gieo trồng được 68,7 ha lúa xuân, đạt 89,33% kế hoạch; 408,5 ha ngô (đạt 75,32%), 20,6 ha đỗ tương (77,15%) và 10,8 ha lạc (68,35%). Tuy nhiên, phần lớn diện tích cây trồng này đang bị ảnh hưởng bởi khô hạn. Riêng cây sắn – cây trồng chủ lực tại nhiều xã – dù người dân đã chuẩn bị đất nhưng chưa thể gieo trồng do thiếu nước.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra tại nhiều địa bàn như: Cô Ba, Khánh Xuân, Xuân Trường, Thượng Hà, Cốc Pàng, Hồng Trị, Bảo Toàn và thị trấn Bảo Lạc. Các xã vùng cao, địa hình hiểm trở, thiếu ao hồ tích trữ nước nên người dân gặp khó khăn trong cả sản xuất và sinh hoạt.

Tại xã Hồng Trị, khoảng 20 ha lúa xuân, 46 ha ngô và hơn 4,3 ha hoa màu đã và đang chịu ảnh hưởng nặng, hoa màu hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa và các khe suối. Năm nay hạn kéo dài, nhiều cây chết khô, cây đang cho thu hoạch thì héo rũ, sản lượng giảm mạnh.

Tại xã Khánh Xuân, toàn bộ 13 xóm đều bị ảnh hưởng bởi hạn hán. 100% diện tích cây trồng tại đây không sinh trưởng do thiếu nước, tập trung chủ yếu ở cây ngô và dâu tằm. Đáng lưu ý, diện tích dâu tằm phần lớn thuộc các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, chỉ còn khoảng 40% số cây sống sót.

UBND huyện đang xây dựng kịch bản điều hành sản xuất, rà soát và chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, chịu hạn, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt. Ảnh: Bảo Hà.

UBND huyện đang xây dựng kịch bản điều hành sản xuất, rà soát và chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, chịu hạn, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt. Ảnh: Bảo Hà.

Không chỉ sản xuất bị ảnh hưởng, sinh hoạt của người dân cũng rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Theo thống kê của UBND xã Khánh Xuân, đến ngày 21/4/2025, toàn xã có 146 hộ thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, xóm Cà Lò có 35 hộ, Hò Lù 33 hộ, Lũng Chàm 35 hộ, Pác Kéo 21 hộ và Mác Nẻng 22 hộ. Người dân buộc phải đến khu vực UBND xã để lấy nước mang về sử dụng, mất nhiều công sức và thời gian.

Chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó

Trước thực trạng hạn hán kéo dài, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, ông Vũ Văn Đệ cho biết, với phương châm 4 tại chỗ để chủ động khắc phục hạn hán, thiếu nước cho người dân. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn khẩn trương xây dựng phương án ứng phó phù hợp với điều kiện từng địa bàn, không để người dân thiếu nước kéo dài.

Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ trong việc đánh giá, kiểm kê nguồn nước, giám sát diễn biến hạn hán và đề xuất giải pháp kỹ thuật hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất. Các xã thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, kiểm tra hoạt động của các công trình thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt,chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục khi có sự cố.

Ông Đệ cho biết thêm, huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các xã tổ chức chở nước bằng xe bồn đến các khu dân cư thiếu nước nghiêm trọng như Lũng Rỳ, Lũng Pjao, đèo Khau Cốc Chà và người dân các xóm lân cận như Pác Kéo, Mác Nẻng, Bản Diềm, Lũng Chàm, Điểm trường Mác Nẻng, Điểm trường Lũng Quang có thể tiếp cận nguồn nước thuận lợi hơn. Tại xã Xuân Trường, 59 hộ dân ở xóm Xà Phìn cũng đang được hỗ trợ nước sinh hoạt khẩn cấp, đến nay, cơ bản nước sinh hoạt cho người dân đã được đảm bảo.

Huyện phối hợp với các xã tổ chức chở nước bằng xe bồn đến các khu dân cư thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh: Bảo Hà.

Huyện phối hợp với các xã tổ chức chở nước bằng xe bồn đến các khu dân cư thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh: Bảo Hà.

Song song với các giải pháp trước mắt, huyện  đang tập trung triển khai nhiều biện pháp căn cơ, lâu dài như kiểm kê, đánh giá và dự báo nguồn nước tại các công trình thủy lợi, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp;

Đồng thời, xây dựng kịch bản điều hành sản xuất theo từng vụ, rà soát và chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, chịu hạn nếu nguồn nước không đủ, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi và các diện tích cây trồng lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân tiết kiệm nước, tận dụng nước mưa, không tưới tràn lan, chống thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, đẩy nhanh sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến tại các vị trí có nguồn nước thuận lợi. Đồng thời, Tăng cường trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc giữ rừng giải pháp lâu dài để giữ nước và giảm thiểu tác động của hạn hán.

Xem thêm
Sơn La: Chuẩn bị đấu giá 5 mỏ đá, đất san lấp

Sơn La Sơn La đang chuẩn bị đấu giá quyền khai thác với 5 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường và đất san lấp trên địa bàn tỉnh.

Chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy đang ở mức rất xấu

HÀ NAM Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nam cho biết, ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ - Đáy ở dưới mức D (nước có chất lượng rất xấu).

Bình Định xác định hai khu vực biển để nhận chìm tại vùng biển Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định vừa xác định hai khu vực nhận chìm vật chất nạo vét tại vùng biển Quy Nhơn, với tổng diện tích 255ha, nằm ngoài phạm vi 6 hải lý.