Thông tin khiến dư luận xã hội quan tâm xem để chi hết một số tiền lớn như vậy thì trang thiết bị phòng họp của tỉnh Vĩnh Phúc phải sang trọng và hiện đại đến mức nào?
![]() |
Theo quyết định số 2975/QĐ-UBND vừa được lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo phòng họp Ban Thường vụ, phòng họp Ban Chấp hành, phòng Khánh tiết Tỉnh ủy Vĩnh Phúc sẽ được tu sửa, nâng cấp với tổng mức đầu tư lên đến 17.955.812.000 đồng (gần 18 tỉ đồng). Nguồn kinh phí được lấy từ kinh phí sự nghiệp năm 2018. Thời gian thực hiện 2018 - 2019. Được biết, mục đích dự án nhằm cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan Tỉnh uỷ.
Trong đó, Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ghi rõ: gần 7 tỉ đồng dành cho chi phí xây dựng, gần 7 tỉ đồng dành cho chi phí trang thiết bị, 1,8 tỉ đồng dành cho chi phí dự phòng; 930 triệu đồng dành cho chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, trên 400 triệu đồng chi phí quản lý dự án và trên 700 triệu đồng dành cho chi phí khác.
Cụ thể các hạng mục công việc:
Đối với phòng họp Ban Thường vụ, phá dỡ tường đầu hồi, phòng vệ sinh tại trục 12 và trục 15, mở rộng phòng họp, tháo dỡ trần thạch cao, vách gỗ, rèm cửa, gạch lát nền đã bị hư hỏng; tháo dỡ cửa ra vào, loại cửa nhựa lõi thép; tháo dỡ hệ thống điện, âm thanh, màn chiếu, thiết bị phòng họp trực tuyến, thay thế thiết bị nội thất khác đã xuống cấp, hư hỏng...
Phần cải tạo, thực hiện xây dựng tường ngăn mới xi măng mác 75, sàn lát gạch kích thước 800x800mm, thay mới cửa ra vào bằng gỗ khôn kép. Xử lý chống mối, chống thấm.
Đối với phần nội thất, thay mới trang thiết bị nội thất như trần thạch cao kết hợp hoa văn, trần xuyên sáng, rèm cửa, âm thanh, ánh sáng, hệ thống thiết bị họp trực tuyến, thay thế hệ thống cấp điện chiếu sáng đồng bộ, hiện đại. Phòng họp Ban chấp hành, tháo dỡ trần thạch cao, vách gỗ, rèm cửa, gạch lát nền đã bị hư hỏng, gạch ốp lát, thiết bị phòng vệ sinh, tháo dỡ hệ thống thiết bị điện và các thiết bị nội thất khác đã xuống cấp, hư hỏng.
Cải tạo, lát gạch kích thước phòng họp, lát gạch phòng vệ sinh, ốp gạch cao sát trần, ốp đá marbale khổ lớn và mặt bàn lavabo khu vệ sinh. Thay mới cửa ra vào bằng gỗ khôn kép. Thay thế toàn bộ hệ thống cấp điện chiếu sáng. Giữ nguyên hệ thống âm thanh đã đầu tư. Thay thế trang thiết bị nội thất gồm, trần thạch cao kết hợp hoa văn, trần xuyên sáng, rèm cửa…
Đối với phòng Khánh tiết, tháo dỡ trần thạch cao, vách gỗ, rèm cửa, gạch lát nền đã bị hư hỏng, gạch ốp lát, thiết bị phòng vệ sinh, hệ thống thiết bị điện và các thiết bị nội thất khác đã xuống cấp, hư hỏng...
Có hoang phí?
Đối chiếu với Tiêu chuẩn công sở Quốc gia thì diện tích phòng họp loại vừa ở các tỉnh có thể lên tới 60 m2 và chỗ ngồi mỗi thành viên bao gồm cả bàn không quá 1,8 m2. Đặt giả thiết ngoại lệ mỗi phòng họp có thể lên tới 100 m2, gần gấp đôi tiêu chuẩn cho phép thì việc chi riêng 18 tỉ đồng cho các hạng mục sửa chữa xây dựng cho 2 phòng họp và một phòng Khánh Tiết khoảng 300 m2 cũng là quá tốn kém, bất hợp lý. Chưa kể những khoản chi gần tỉ đồng cho tư vấn rồi những khoản trùng lặp giữa chi phí dự phòng với chi phí khác?
![]() |
UBND tỉnh Vĩnh Phúc |
Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Duy Thành – PCT UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Ban quản lý Dự án đã phải thực hiện đầy đủ quy trình trước khi trình phê duyệt Dự án. Tuy nhiên, trước thông tin phản ứng của dư luận, tỉnh cũng sẽ kiểm tra, rà soát lại Dự án này.
Tiêu chuẩn Quốc giaTCVN 4601 : 2012 Công sở cơ quan hành chính Nhà nước - Yêu cầu thiết kế 7.8.6. Phòng họp7.8.6.1. Căn cứ vào nhu cầu công tác của cơ quan để bố trí các phòng họp cho phù hợp. Phòng họp cần được bố trí đầy đủ các trang thiết bị như bàn ghế, âm thanh, ánh sáng và các trang thiết bị khác để đáp ứng yêu cầu công tác của cơ quan. 7.8.6.2. Các phòng họp phải được bố trí hợp lý, không ảnh hưởng đến các phòng làm việc. 7.8.6.3. Phòng họp (giao ban), phòng họp (tập huấn, hội nghị) cho các cơ quan trong khuôn viên liên cơ quan nên đặt tại khu vực gần văn phòng. 7.8.6.4. Tùy theo yêu cầu của cơ quan, phòng họp có thể chia thành phòng họp lớn, phòng họp vừa, phòng họp nhỏ. Phòng họp nhỏ và phòng họp vừa có thể bố trí phân tán. Diện tích tối thiểu của phòng họp nhỏ là 30 m2; phòng họp vừa là 60 m2. Nên bố trí bàn viết trong phòng họp. Diện tích sử dụng trong phòng họp nhỏ và phòng họp vừa: có bàn, không nên nhỏ hơn 1,80 m2/người; không có bàn không nên nhỏ hơn 0,80 m2/người. 7.8.6.5. Diện tích của phòng họp lớn (phòng hội nghị) cần căn cứ vào số người sử dụng và cách bố trí bàn ghế. Trong phòng họp lớn (phòng hội nghị) nên có thiết bị âm thanh, thiết bị nghe nhìn, đèn chiếu, cabin dịch, thiết bị che ánh sáng và phải được cách âm. 7.8.6.6. Phòng họp lớn được thiết kế theo yêu cầu sử dụng của liên cơ quan và được phê duyệt trong Báo cáo đầu tư. Qui mô phòng họp lớn không lớn hơn 200 chỗ. Trong phòng họp lớn nên trang bị bàn viết. Đối với các cơ quan ngang Bộ, UBND Tỉnh, Thành phố được phép thiết kế một phòng họp với diện tích không nhỏ hơn 48 m2. 7.8.6.7. Có thể bố trí từ một đến hai phòng đệm, diện tích không lớn hơn 24 m2/phòng và một phòng phục vụ kề với phòng họp, phòng hội nghị có diện tích từ 9 m2 đến 12 m2. |