| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Congo hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp

Thứ Ba 15/07/2025 , 22:01 (GMT+7)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Congo.

Tại buổi tiếp song phương bên lề Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP chiều 15/7, ông Grégoire Mutshail Mutomb Kangaji - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Congo - bày tỏ ấn tượng trước những tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Ông chia sẻ, với khoảng 80 triệu ha đất canh tác, với điều kiện khí hậu, thủy văn và thổ nhưỡng tương đồng với Việt Nam, Congo có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chiều 15/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Phương Linh.

Chiều 15/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy sản Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Phương Linh.

Congo xác định, ngô, sắn và gạo là ba loại cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển nông nghiệp quốc gia. Nước này đang tổ chức lại chuỗi sản xuất nông nghiệp và xây dựng các hợp tác xã đa ngành, hướng tới mục tiêu tự chủ về sản xuất ngô, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Congo ưu tiên phát triển các ngành chăn nuôi gà và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cá, nhằm giảm chi phí nhập khẩu thực phẩm và tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong nước.

“Chúng tôi sở hữu nhiều mỏ nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón như photpho và các loại khoáng chất khác, tuy nhiên hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Do đó, tôi mong muốn hai nước có thể xem xét khai thác tiềm năng này thông qua cơ chế hợp tác Nam-Nam", ông Kangaji nói.

Bên cạnh chào đón các chuyên gia và doanh nghiệp tư nhân từ Việt Nam sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chính phủ Congo cam kết sẽ dành quỹ đất riêng cho các nhà đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực.

Chiến lược của Việt Nam là tập trung vào phát triển cây lúa - loại cây trồng chủ lực nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực khác. Ảnh: Trần Trung.

Chiến lược của Việt Nam là tập trung vào phát triển cây lúa - loại cây trồng chủ lực nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực khác. Ảnh: Trần Trung.

Lắng nghe các đề xuất từ phía bạn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp. Congo cần xác định rõ các lợi thế nông nghiệp đặc thù của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, Thứ trưởng cho hay, cây lúa được chọn lựa làm cây trồng chiến lược nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi. Bước tiếp theo là đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi, hướng tới một cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững và đa dạng sản phẩm lương thực.

Đối với ngô và sắn, Việt Nam luôn duy trì một diện tích canh tác ổn định, nhằm phục vụ nhu cầu làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và chăn nuôi.

Thứ trưởng Nam lưu ý thêm, giống cây trồng là yếu tố quyết định trong sản xuất nông nghiệp. Theo sau là các yếu tố như kỹ thuật canh tác, phân bón đầu vào và cơ giới hóa, giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức khỏe đất. Một vấn đề quan trọng khác là tổ chức mô hình sản xuất phù hợp với tập quán canh tác của nông dân từng vùng.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Congo hiện đại hóa ngành nông nghiệp thông qua cơ chế hợp tác Nam-Nam. Ảnh: Phương Linh.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Congo hiện đại hóa ngành nông nghiệp thông qua cơ chế hợp tác Nam-Nam. Ảnh: Phương Linh.

“Sản xuất nông nghiệp hiệu quả là nền tảng để các doanh nghiệp Việt yên tâm đầu tư, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác thương mại lâu dài. Phía Việt Nam sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Congo trong các lĩnh vực nêu trên nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất tại Congo.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cũng có đủ kinh nghiệm và tiềm lực để cùng Congo khai thác các tiềm năng hợp tác khác, tuy nhiên, cần có thêm các cuộc trao đổi khác để thống nhất cơ chế hợp tác hiệu quả và bền vững”, ông Nam cho biết.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thúc đẩy chương trình chuyển đổi hệ thống lương thực và thực phẩm tại châu Phi theo cơ chế hợp tác Nam-Nam. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện và tiềm năng của Việt Nam và Congo. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị hai bên cùng trao đổi với FAO theo hướng thiết lập hợp tác ba bên, nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm

Bình luận mới nhất