| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội quyết tâm bảo vệ sức khỏe người dân trước ô nhiễm môi trường

Thứ Ba 15/07/2025 , 19:02 (GMT+7)

Hà Nội đang triển khai hàng loạt giải pháp kiểm soát ô nhiễm với quyết tâm bảo vệ sức khỏe người dân và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, lại đặt ra yêu cầu cấp bách và đòi hỏi hành động quyết liệt như hiện nay. Tại Hà Nội, nơi chất lượng không khí thường xuyên ở mức đáng báo động, bài toán kiểm soát phát thải, cải thiện môi trường sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng đang trở thành ưu tiên hàng đầu của chính quyền và người dân.

Tọa đàm 'Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô' với sự tham dự của các vị khách mời là chuyên gia môi trường, đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: VPG.

Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" với sự tham dự của các vị khách mời là chuyên gia môi trường, đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: VPG.

Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm kiểm soát và hạn chế ô nhiễm. Những nội dung này đã được đưa ra thảo luận, phân tích tại Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức diễn ra chiều ngày 15/7 tại Hà Nội.

Tọa đàm có sự tham gia của Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế.

Mạnh tay trong kiểm soát ô nhiễm không khí

Trước tình trạng Hà Nội liên tiếp ghi nhận ô nhiễm không khí, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, chất lượng môi trường không khí nội đô bị suy giảm nghiêm trọng trong rất nhiều ngày, nhiều tháng, đặc biệt là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.

“Một điều lo ngại nữa là xu thế đó có chiều hướng tăng qua nhiều năm. Có thể thấy rằng vấn đề ô nhiễm là vấn đề nóng của Hà Nội, của nội đô Hà Nội”, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Về lộ trình kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua thiết lập vùng phát thải thấp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau giai đoạn thí điểm tại quận Ba Đình và Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết quy định vùng phát thải thấp vào cuối năm 2024 và đang tiếp tục hoàn thiện các quy trình thiết lập.

Theo kế hoạch, đến quý III/2025, hệ thống vùng phát thải thấp sẽ được chuẩn hóa, bắt đầu từ khu vực Vành đai 1. Tại đây, các nguồn phát thải từ phương tiện giao thông cá nhân, sản xuất công nghiệp đến việc đốt rơm rạ hay quản lý chất thải… sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt.

Thành phố cũng đặt mục tiêu mở rộng vùng kiểm soát sang Vành đai 2 và Vành đai 3. Đặc biệt, phương tiện giao thông – nguồn phát thải chiếm trung bình 60% ô nhiễm không khí – sẽ được kiểm soát theo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, trong đó có cả việc kiểm định xe cũ và ngưỡng phát thải. Hà Nội xác định đây là bước đi trọng tâm nhằm tạo lập hệ thống vùng phát thải thấp toàn diện, góp phần cải thiện chất lượng môi trường đô thị.

Đồng bộ trong giải pháp, quyết liệt trong triển khai

Nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường của Hà Nội, mới đây, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Với thành phố Hà Nội, Chỉ thị số 20/CT-TTg nêu một loạt giải pháp về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất rắn.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chỉ thị 20/CT-TTg thể hiện sự quyết liệt của Thủ tướng trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm nói chung, không chỉ riêng vấn đề ô nhiễm không khí mà còn ô nhiễm nước, chất thải rắn.

Chất lượng môi trường không khí nội đô bị suy giảm nghiêm trọng. Hà Nội xác định kiểm soát phương tiện giao thông là bước đi trọng tâm nhằm góp phần cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Ảnh: Hoàng Hiền.

Chất lượng môi trường không khí nội đô bị suy giảm nghiêm trọng. Hà Nội xác định kiểm soát phương tiện giao thông là bước đi trọng tâm nhằm góp phần cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Ảnh: Hoàng Hiền.

Ở góc độ nhà quản lý, Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho rằng, những chỉ đạo trong Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết sức cấp bách, thể hiện cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, tập trung vào nhiều nội dung trọng tâm.

Chỉ thị đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời bổ sung nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Người dân cần chủ động ứng phó với ô nhiễm

Trước thực trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động ứng phó nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết, ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội.

Trong đó, bụi mịn PM2.5 là tác nhân chính gây tổn hại hệ hô hấp, tim mạch, miễn dịch và thần kinh, nhất là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ mang thai. Ô nhiễm còn tác động đến da, mắt và làm gia tăng số ca bệnh, dẫn đến quá tải bệnh viện, giảm năng suất lao động và chất lượng sống. Về lâu dài, ô nhiễm gây hệ lụy đến giáo dục, đầu tư và đời sống kinh tế - xã hội.

Để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng, ngày 15/1/2024, Bộ Y tế đã đưa ra loạt khuyến cáo phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh việc theo dõi chất lượng không khí thường xuyên, đeo khẩu trang đạt chuẩn khi ra ngoài, hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và các loại bếp đun bằng rơm rạ, thay thế bằng bếp điện, bếp từ…

Đặc biệt, với nhóm dễ bị ảnh hưởng như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền, khi có triệu chứng bất thường trong thời gian ô nhiễm, cần khám chữa kịp thời và tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Đây là những biện pháp tạm thời trong bối cảnh chưa có giải pháp tổng thể kiểm soát ô nhiễm.

Theo Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng, nhận thức của người dân về ô nhiễm môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giao thông xanh ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà cần sự chung tay của toàn cộng đồng. Những hành động nhỏ như theo dõi chất lượng không khí, hạn chế phương tiện cá nhân… đều có ý nghĩa trong giảm ô nhiễm và cải thiện môi trường đô thị.

Đồng quan điểm, TS. Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng sống, chính quyền, người dân và doanh nghiệp cần đồng tâm hiệp lực, đảm bảo hài hòa lợi ích và triển khai quyết liệt, nhanh chóng các giải pháp đặt ra.

“Chỉ khi có sự đồng lòng từ chính sách đến hành động, chất lượng môi trường Thủ đô mới thực sự được cải thiện bền vững”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định.

Xem thêm

Bình luận mới nhất