| Hotline: 0983.970.780

Vedan bị bắt quả tang xả nước bẩn ra sông

Chủ Nhật 14/09/2008 , 17:40 (GMT+7)

Đại tá Lương Minh Thảo – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36) cho PV NNVN biết, C36 vừa phát hiện Cty Vedan VN mỗi ngày xả khoảng 5.000m3 nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, và đây có thể là nguyên nhân chính gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải.

Hôm qua 14/9, Đại tá Lương Minh Thảo – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36) cho PV NNVN biết, C36 vừa phát hiện Cty Vedan VN (xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) mỗi ngày xả khoảng 5.000m3 nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ,và đây có thể là nguyên nhân chính gây ô nhiễm trầm trọng sông Thị Vải.
>>
Đồng Nai: Đình chỉ ngay DN gây ô nhiễm
>> Đồng Nai: Những con sông trầm mình... chờ chết!

Nước sông Thị Vải nổi váng bốc mùi hôi thối khủng khiếp.

Từ nhiều năm qua, kể từ khi thành lập (1991) Cty Vedan VN đã được biết đến bởi có quá nhiều lần gây ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng, qua rất nhiều lần thanh, kiểm tra DN này thì thanh tra TNMT tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm, hoặc xử lý quá nhẹ Vedan.

Để che mắt người dân, cũng như không cho tiếp cận khu vực xử lý nước thải, Cty Vedan VN cho xây dựng hệ thống tường rào cao 2,5-3m, bên trên có gắn dây kẽm gai sắc nhọn, phía trong là hệ thống hào sâu cùng với lực lượng bảo vệ đông đảo luôn túc trực khiến không người dân nào có thể đến gần.

Điều này cũng là “rào cản” lớn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác trinh sát, điều tra của lực lượng C36.

Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, qua thời gian dài trinh sát, ngày 12/9 Đại tá Lương Minh Thảo làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đã bất ngờ ập vào kiểm tra Cty Vedan VN. 

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện Cty Vedan đang có hành vi xả hàng ngàn m3 nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc ra sông Thị Vải mà không qua một công đoạn xử lý nào.

Qua điều tra, tìm hiểu ông Lương Minh Thảo còn phát hiện ra Cty Vedan có thủ đoạn “che mắt” cơ quan chức năng nhằm trốn tránh hành vi gây ô nhiễm hết sức tinh vi bằng cách xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Theo đó, hệ thống này được thiết kế cả ngàn ống dẫn nước thải được lắp đặt các van đóng-mở tự động. Khi đang xả nước thải, nếu phát hiện đoàn kiểm tra chỉ cần ngắt cầu dao riêng, lập tức toàn bộ các van xả đóng lại, do đó nước thải từ Cty đổ ra chỉ chảy vòng vòng trong các hồ xử lý nước thải mà không có giọt nào ra sông.

Ngược lại, khi không có động tĩnh gì, chỉ cần mở cầu dao thứ hai thì toàn bộ các van sẽ mở và nước thải từ các ống sẽ xả thẳng vào sông Thị Vải…

Hai cầu dao trên được trên được đặt ở vị trí rất kín, thậm chí nhân viên của Cty cũng không thể biết mà chỉ có hai chuyên gia người Đài Loan được phép sử dụng.

Đại tá Lương Minh Thảo cho biết, hành vi vi phạm của Cty Vedan là đặc biệt nghiêm trọng.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, tại hiện trường PGĐ phụ trách văn phòng Cty Vedan VN đã thừa nhận hành vi vi phạm.

Qua tìm hiểu của C36 cho thấy, mỗi ngày lượng nước thải của Vedan lên tới 5.000 m3 và đây có thể là thủ phạm chính gây nên sự ô nhiễm trầm trọng tại sông Thị Vải trong suốt thời gian qua.

Lấy mẫu nước sông Thị vải đi thử.

Do đó, nếu không khẩn trương ngăn chặn sớm thì hiểm họa cho sông Thị Vải là rất lớn. Bởi hiện nay dòng sông này là tuyến đường thủy huyết mạch giúp thông thương hàng hóa của Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đi các nước.

Vừa qua tàu hàng của Nhật tới cảng Thị Vải lấy hàng nhưng không dám vào phải neo ở ngoài biển Cần Giờ vì sợ vào tới cảng nước sông ô nhiễm có nhiều axit, tạp chất sẽ bào mòn hư hỏng thân tàu…

Đại tá Lương Minh Thảo cho biết thêm, C36 lấy hàng chục mẫu nước thải đem đi thử nghiệm, đồng thời yêu cầu một số đơn vị liên quan củng cố toàn bộ hồ sơ liên quan đến những vi phạm của Cty Vedan VN để tiếp tục điều tra mở rộng.

Trước mắt, C36 buộc Cty không được phép xả nước thải ra sông Thị Vải.

Theo tìm hiểu của NNVN, Cty Vedan VN được XD trên tổng diện tích 120 hecta, với các hạng mục đã đưa vào sản xuất gồm: Nhà máy Xút – Clo, Nhà máy bột ngọt, Nhà máy tinh bột, Nhà máy tinh bột biến đổi, Nhà máy Lysine, Nhà máy phát điện và hơi, 3 hệ thống xử lý nước thải, hồ chứa nước cho sản xuất 60.000m3…

Cty này từng bị cơ quan chức năng nhiều lần phát hiện có những dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.

Xem thêm

Bình luận mới nhất