| Hotline: 0983.970.780

Xã miền núi đầu tiên tổng kết 10 ngày vận hành chính quyền hai cấp

Thứ Hai 14/07/2025 , 15:13 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Hồ Thầu là xã miền núi đầu tiên ở tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm sau 10 ngày vận hành chính quyền hợp nhất.

Hoàn thành kiện toàn bộ máy chính quyền hai cấp

Xã Hồ Thầu được thành lập từ việc hợp nhất ba xã cũ gồm Nậm Khòa, Nam Sơn và Hồ Thầu. Triển khai nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT TQ xã Hồ Thầu đã nhanh chóng chỉ đạo tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức làm nền tảng, cơ sở vững chắc để triển khai, vận hành nhiệm vụ chính quyền hai cấp.

Xã Hồ Thầu tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm sau 10 ngày vận hành chính quyền mới. Ảnh: Thái Bình.

Xã Hồ Thầu tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm sau 10 ngày vận hành chính quyền mới. Ảnh: Thái Bình.

Theo đó, cơ cấu Đảng ủy xã gồm một Bí thư Đảng ủy được chỉ định là Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì – ông Lý Chòi Nhàn, đảm nhiệm; một Phó Bí thư; Văn phòng Đảng ủy gồm có một Phó Chánh Văn phòng (không có Chánh văn phòng); 3 chuyên viên phụ trách giúp việc tham mưu cho Thường trực Đảng ủy xã. Số chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã gồm 40 chi bộ.

Cơ quan chuyên trách trực thuộc Đảng ủy xã gồm Ban Xây dựng Đảng; Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; Văn phòng Đảng ủy. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội với tổng số 16 cán bộ.

Hội đồng nhân dân xã gồm một Chủ tịch HĐND là Bí thư Đảng ủy xã kiêm nhiệm; một PCT HĐND; hai Ban giúp việc gồm Ban Văn hóa - Xã hội; Ban Kinh tế - Ngân sách. Tổng số đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 của xã Hồ Thầu là 62 đai biểu.

Về cơ cấu tổ chức chính quyền, UBND xã Hồ Thầu gồm một Chủ tịch do ông Hoàng Xuân Hòa đảm nhiệm; 2 Phó Chủ tịch xã; 3 phòng chuyên môn giúp việc; một trung tâm phục vụ hành chính công.

Kế hoạch hợp nhất, trụ sở làm việc của Đảng ủy – HĐND – UBMT TQ xã gồm khu nhà 2 tầng, đặt tại thôn Tân Minh, xã Hồ Thầu. Trong khi đó, trụ sở UBND xã được lấy từ trụ sở UBND xã Nam Sơn cũ, bố trí chỗ làm việc cho các lãnh đạo và các phòng chuyên môn giúp việc.

Sau hợp nhất, chính quyền xã Hồ Thầu có 58 cán bộ công chức, giảm 20 so với trước khi sáp nhập. Ảnh: Thái Bình.

Sau hợp nhất, chính quyền xã Hồ Thầu có 58 cán bộ công chức, giảm 20 so với trước khi sáp nhập. Ảnh: Thái Bình.

“Trước khi hợp nhất, chúng tôi đã tiến hành khảo sát trụ sở làm việc tại xã Hồ Thầu, Nam Sơn cũ để chuẩn bị mặt bằng cho bộ máy hành chính mới. Sau khi sáp nhập, Văn phòng xã đã nhanh chóng bố trí phòng làm việc cho Thường trực Đảng ủy và các cơ quan, ban, ngành theo quy định.

Trong 10 ngày đầu vận hành, xã đã thành lập nhiều Ban chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cấp thiết như: Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025; xóa nhà tạm, nhà dột nát; phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Các điều tra viên được phân công nhiệm vụ, trực tiếp xuống địa bàn thu thập thông tin và thực hiện công tác nắm tình hình, hỗ trợ người dân.

Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã đi vào hoạt động hiệu quả ngay trong tuần đầu tiên, đã tiếp nhận 10 hồ sơ thuộc lĩnh vực Văn hóa – Xã hội – Giáo dục, 3 hồ sơ trong lĩnh vực Đất đai – Nông nghiệp – Môi trường và chuyển đến bộ phận chuyên môn xử lý.

“Ưu điểm lớn nhất mà chúng tôi tổng kết, đánh giá, đó là thời gian 10 ngày đầu tiên hợp nhất, các xã cũ đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy nguồn lực tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đó là khoảng cách địa lý giữa các vùng dân cư cũ xa trụ sở, một số trụ sở, cơ sở vật chất dư thừa, xuống cấp. Diện tích phòng làm việc chật hẹp trung bình mỗi một phòng làm việc 5-6 người/18m2; thiết bị máy móc phục vụ làm việc còn thiếu, một số cán bộ, công chức còn sử dụng máy tính cá nhân tự trang bị để phục vụ công viêc” – ông Nhàn chia sẻ. 

Ông Lý Chòi Nhàn, trước đó là Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu. Ảnh: Thái Bình.

Ông Lý Chòi Nhàn, trước đó là Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu. Ảnh: Thái Bình.

'Họp rút kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn!' 

Ngày 11/7 vừa qua, xã Hồ Thầu tổ chức Hội nghị mở rộng để tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác vận hành, hoạt động của chính quyền mới sau 10 ngày hoạt động mô hình chính quyền hai cấp. Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu Lý Chòi Nhàn đã chia sẻ những điều tâm huyết với đội ngũ những người đang thực hiện vận hành bộ máy tổ chức chính quyền đầy mới mẻ này.

Bí thư xã Hồ Thầu khẳng định: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp là một bước đi có tính đột phá, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phục vụ tốt hơn cho Nhân dân. Đây không chỉ là thay đổi về tổ chức, mà còn là thay đổi rất sâu sắc về tư duy quản lý, phương thức điều hành, cách thức tiếp cận và giải quyết công việc, đòi hỏi mỗi chúng ta phải không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo.

Sớm kiện toàn bộ máy chính quyền hai cấp để chăm lo người dân tốt hơn. Ảnh: Thái Bình.

Sớm kiện toàn bộ máy chính quyền hai cấp để chăm lo người dân tốt hơn. Ảnh: Thái Bình.

Xã Hồ Thầu được sáp nhập từ 3 xã Nam Sơn, Hồ Thầu và Nậm Khòa, tổng diện tích 13.683,4 ha, dân số 8.709 người; được chia thành 25 thôn trên địa bàn xã và 11 dân tộc anh em. Tổ chức bộ máy của xã hiện bao gồm có 58 cán bộ, công chức, giảm 20 công chức so với trước khi hợp nhất.

Bí thư xã Hồ Thầu nhấn mạnh: Tất cả các cơ quan hiện nay giống như bộ máy cấp huyện trước đây, thậm chí đòi hỏi trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu hơn. Ví dụ trước đây Bí thư Đảng ủy lãnh đạo cả xã nhưng hiện nay chỉ phụ trách một mảng của UBND xã, các đồng chí phó chủ tịch UBND xã trước đây hiện chỉ làm trưởng phòng của một lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ.

Hồ Thầu là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, giàu tiềm năng phát triển kinh tế, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức: địa bàn rộng, dân cư phân tán, giao thông đi lại nhiều nơi còn rất khó khăn; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đều; mặt bằng dân trí còn có sự chênh lệch giữa các thôn trên địa bàn xã, khối lượng công việc sau sáp nhập tăng lên rất lớn.

Hồ Thầu đã sớm thành lập các ban chuyên môn triển khai nhiệm vụ chỉ đạo phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã. Ảnh: Thái Bình.

Hồ Thầu đã sớm thành lập các ban chuyên môn triển khai nhiệm vụ chỉ đạo phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã. Ảnh: Thái Bình.

Hồ Thầu đang đề xuất với lãnh đạo tỉnh sớm có phương án triển khai sửa chữa, cải tạo lại trụ sở làm việc, các công trình phụ của UBND xã Hồ Thầu tại xã Nam Sơn cũ. Ngoài ra, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ xã trong giai đoạn ổn định sau sắp xếp đơn vị hành chính hai cấp, tiếp tục tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương này.

“Việc tổ chức hội nghị tổng kết này để thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, đồng thời cũng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cách tổ chức, phân công nhiệm vụ, sắp xếp công việc, điều hành, quản lý để từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đây chính là những kinh nghiệm quý, góp phần giúp bộ máy chính quyền mới của xã Hồ Thầu sớm ổn định, hiệu quả, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân” – Bí thư xã Hồ Thầu chia sẻ.

Xem thêm

Bình luận mới nhất