| Hotline: 0983.970.780

Vận hành bộ máy mới, gỡ nút thắt từ gốc

Thứ Năm 10/07/2025 , 15:33 (GMT+7)

Tuyên Quang Sau hơn một tuần vận hành bộ máy mới, các xã, phường ở Tuyên Quang chủ động phân luồng hồ sơ, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đất đai, nâng hiệu quả hành chính.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang nắm bắt tình hình thực hiện thủ tục hành chính tại phường Minh Xuân. Ảnh: Đào Thanh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang nắm bắt tình hình thực hiện thủ tục hành chính tại phường Minh Xuân. Ảnh: Đào Thanh.

Cửa đúng, việc nhanh, dân không lỡ hẹn

Việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy chính quyền theo mô hình chính quyền hai cấp đang đặt ra nhiều thách thức cho cấp xã, phường ở Tuyên Quang. Trong những ngày đầu vận hành bộ máy mới, một trong những vướng mắc rõ rệt là việc người dân chưa nắm rõ ranh giới thẩm quyền giữa UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, dẫn đến việc tiếp nhận hồ sơ sai nơi, gây ùn tắc và gia tăng áp lực cho Trung tâm Hành chính công cấp xã.

Thực tế tại phường Minh Xuân, trường hợp của ông Ma Văn Chất là một ví dụ cụ thể. Khi đến trụ sở UBND phường để hỏi về thủ tục mua bán chuyển nhượng và sang tên đổi chủ cho mảnh đất gia đình, ông được hướng dẫn đến Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Nguyên nhân là bởi, theo Nghị định 151/2025/NĐ-CP, thẩm quyền giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu thuộc UBND cấp xã, nhưng các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại thuộc trách nhiệm giải quyết của Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh. Việc phân định này không phải người dân nào cũng nắm rõ, và cũng chưa được thông tin đầy đủ, dẫn đến hiểu nhầm, chờ đợi, thậm chí bức xúc không đáng có.

Từ thực tiễn đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang hướng dẫn các phường, xã chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ đất đai tại địa phương mình. Quan trọng hơn cả là việc phân luồng hồ sơ ngay từ khâu đầu vào, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng địa chỉ, đồng thời thông tin rõ ràng, công khai đến người dân về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Cán bộ tiếp dân tại Trung tâm Hành chính công cấp xã cũng cần được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức pháp lý để có thể hướng dẫn đúng, đủ, chính xác, tránh gây lãng phí thời gian và công sức cho người dân.

Tại phường Hà Giang 2, các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và môi trường được cán bộ chuyên môn nỗ lực giải quyết kịp thời, dứt điểm cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch. Ảnh: Đào Thanh.

Tại phường Hà Giang 2, các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và môi trường được cán bộ chuyên môn nỗ lực giải quyết kịp thời, dứt điểm cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch. Ảnh: Đào Thanh.

Sau hơn một tuần triển khai bộ máy mới, một số thủ tục đất đai tại phường Minh Xuân, tỉnh Tuyên Quang đã bắt đầu được tiếp nhận và giải quyết. Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Phạm Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Xuân thì khối lượng công việc còn rất lớn. Nhiều thủ tục phức tạp, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng đất, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp xã và các đơn vị liên quan như cơ quan thuế, Văn phòng Đăng ký đất đai. Việc thực hiện các bước liên thông, như xác định nghĩa vụ tài chính hay đính chính giấy chứng nhận, nếu không có sự phân công rõ ràng sẽ dẫn đến quy trình bị kéo dài hoặc lặp lại. Khi không có sự chủ động xử lý hoặc hướng dẫn chi tiết, người dân dễ bị “đi lòng vòng”, gây bức xúc và làm giảm niềm tin vào bộ máy công quyền.

Tại phường An Tường, khối lượng hồ sơ đất đai đang tồn đọng khá lớn. Nhiều cán bộ địa phương còn lúng túng trong việc xác định văn bản pháp luật áp dụng do chưa rõ hướng dẫn chuyển tiếp từ Luật Đất đai cũ sang Luật Đất đai mới. Trong bối cảnh đó, sự có mặt kịp thời của tổ công tác chuyên môn từ Sở Nông nghiệp và Môi trường là điểm tựa rất quan trọng. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện sẽ được các tổ công tác hỗ trợ giải đáp trực tiếp, kịp thời, qua đó giúp cấp xã vận hành trơn tru và giảm thiểu sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bà Vũ Thúy Mai, Phó Chủ tịch UBND phường An Tường, tỉnh Tuyên Quang cho biết, không chỉ là vấn đề kỹ thuật nghiệp vụ, việc phân luồng hồ sơ hiệu quả và đúng thẩm quyền còn là một yêu cầu chiến lược trong cải cách hành chính. Khi người dân đến đúng nơi, gặp đúng người và được hướng dẫn đúng quy trình, sự hài lòng sẽ nâng cao.

Ngược lại, nếu không có quy trình phân luồng và truyền thông rõ ràng, bộ máy hành chính cấp xã sẽ dễ rơi vào tình trạng quá tải, trì trệ và giảm hiệu quả phục vụ. Đây là lúc cần sự vào cuộc đồng bộ từ cấp lãnh đạo đến từng cán bộ tiếp dân, để cải cách hành chính không dừng lại ở văn bản, mà thực sự đi vào cuộc sống.

Tại phường An Tường, ngoài cán bộ chuyên môn, lực lượng đoàn viên thanh niên luôn sát cánh, đồng hành hỗ trợ người dân giải quyết những thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính. Ảnh: Đào Thanh.

Tại phường An Tường, ngoài cán bộ chuyên môn, lực lượng đoàn viên thanh niên luôn sát cánh, đồng hành hỗ trợ người dân giải quyết những thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính. Ảnh: Đào Thanh.

Đồng hành cùng xã, phường

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đặc biệt là lĩnh vực đất đai tại cấp cơ sở, ngày 1/7/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 102/QĐ-SNNMT thành lập 4 tổ công tác, trực tiếp hỗ trợ 124 UBND xã, phường trong việc thực hiện thủ tục hành chính và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Các tổ công tác được phân theo khu vực, có nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn, tháo gỡ vướng mắc, đồng thời hỗ trợ chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu và triển khai các quy trình quản lý đất đai tại địa phương.

Song song với đó, nhóm Zalo “Lãnh đạo Sở và 124 Chủ tịch xã, phường” cũng được thiết lập để đảm bảo thông tin hai chiều, rút ngắn thời gian xử lý và tạo kênh phản hồi kịp thời, hiệu quả giữa cấp tỉnh và cấp xã.

Nhóm sẽ tập trung trao đổi về các vấn đề mang tính hệ thống đã được nhận diện, nổi bật như: khó khăn trong thực hiện các thủ tục liên thông, hạn chế về nhân lực chuyên môn tại cấp xã, sự thiếu nhất quán trong thực hiện các bước quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay các nội dung liên quan đến thu hồi, bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất. Việc thiếu kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống thực tế khiến không ít cán bộ cấp xã lúng túng trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân...

Ông Phạm Mạnh Duyệt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ nhu cầu thực tiễn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang đã yêu cầu UBND các xã, phường rà soát và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đăng ký nội dung cần tập huấn gửi về Sở trước ngày 10/7/2025.

 Căn cứ trên nhu cầu này, Sở sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, tập trung vào các nội dung thiết yếu như: quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, quy hoạch sử dụng đất, xử lý vi phạm hành chính, môi trường, tài nguyên nước, phòng chống thiên tai, cháy rừng, bảo vệ cây trồng vật nuôi...

Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang đã lập nhóm zalo 'Lãnh đạo Sở và 124 Chủ tịch xã, phường'; tổ chức lớp tập huấn để đồng hành cùng cấp xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai chính quyền 2 cấp tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang đã lập nhóm zalo "Lãnh đạo Sở và 124 Chủ tịch xã, phường"; tổ chức lớp tập huấn để đồng hành cùng cấp xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai chính quyền 2 cấp tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Các lớp tập huấn sẽ được tổ chức vào cuối tuần để không ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày của các xã, phường, với hai hình thức tổ chức tại Sở hoặc tại cụm xã. Dù không có kinh phí hỗ trợ học viên, Sở cam kết bố trí đầy đủ hội trường, giảng viên, nước uống và điều kiện phục vụ; đồng thời xác định rõ tinh thần trách nhiệm của giảng viên và người học nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả tập huấn.

 Việc ưu tiên tập huấn trực tiếp thay vì trực tuyến là cách tiếp cận thực tế, xuất phát từ yêu cầu phải “cầm tay chỉ việc”, nhất là với những nội dung chuyên sâu, mang tính kỹ thuật như quy trình cấp giấy chứng nhận hoặc xử lý hồ sơ phức tạp.

Trong quá trình triển khai, các tổ công tác sẽ tiếp tục đồng hành, phản hồi các khó khăn phát sinh tại từng địa phương; thiết lập các nhóm công tác nhỏ theo chuyên đề, đặc biệt tại các phường trung tâm có khối lượng công việc lớn, là giải pháp linh hoạt để đảm bảo sự kịp thời, đúng hướng trong xử lý tình huống thực tiễn.

Mô hình hỗ trợ đồng bộ của Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang không chỉ giúp nâng cao năng lực thực thi công vụ của cán bộ cấp xã, mà còn là bước chuyển quan trọng trong việc thiết lập nền hành chính phục vụ. Nơi người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng các dịch vụ công minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật. Qua đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp và môi trường tại cơ sở.

Xem thêm

Bình luận mới nhất