Một số tư nhân sản xuất giống cũng nhân cơ hội này, mang cây giống đến vùng sâu, vùng xa “tiếp thị” với giá khá cao… làm cho người dân hoang mang không biết đường nào mà lần. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến của các ngành chức năng và các DN sản xuất giống về việc trồng và chăm sóc loài cây được xem là “vàng ròng” này.
Bà Võ Xuân Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định: Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có 2 văn bản hướng dẫn các Sở NN-PTNT khuyến khích các tổ chức, cá nhân gieo ươm và trồng cây huỳnh đàn. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở NN-PTNT xây dựng tài liệu về hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trồng, quản lý, khai thác cây huỳnh đàn một cách chặt chẽ vì đây là cây gỗ quý hiếm rất dễ xảy ra tranh chấp và khai thác trộm sau này. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cho Chi cục Phát triển lâm nghiệp xây dựng quy trình trồng cây huỳnh đàn để khuyến cáo người dân trồng đúng kỹ thuật.
Vì thị trường đang lên cơn sốt gỗ huỳnh đàn nên việc một số hộ dân tìm giống cây để trồng là điều dễ hiểu, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân nên chọn mua cây giống tại các cơ sở sở xuất giống được Nhà nước cấp phép. Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 2 nơi đã đăng ký sản xuất giống cây huỳnh đàn là Trung tâm Giống cây trồng Bình Định và Cty CP Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ (Bộ NN-PTNT) có cơ quan đặt tại đường Tây Sơn. Về giá cây giống, hiện Sở NN-PTNT chưa xây dựng được khung giá loại cây này nhưng theo chúng tôi cây huỳnh đàn cũng giống các loại cây trồng bản địa khác, giá từ 5.000 - 7.000 đ/cây.
Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định: Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng thương lái lùng sục mua gỗ huỳnh đàn với giá rất cao. Ngay cả, cành, lá, gốc, rễ cây huỳnh đàn cũng bị săn lùng rất ráo riết làm cạn kiệt nguồn gỗ này trong tự nhiên. Vì vậy, ngày 11/7, Bộ NN-PTNT đã có Chỉ thị số 68 về tăng cường quản lý khai thác và tiêu thụ gỗ huỳnh đàn thuộc nhóm IA (loài quý hiếm). Theo đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu nghiêm cấm việc khai thác gỗ huỳnh đàn có nguồn gốc từ rừng tự nhiên với mọi hình thức.
Đối với gỗ huỳnh đàn có nguồn gốc từ rừng trồng, Bộ cũng yêu cầu ngành Kiểm lâm thống kê về loài cây và diện tích trồng, lập sổ theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ. Việc đăng ký cơ sở trồng, cấy nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trước mắt, tạm dừng việc khai thác gỗ huỳnh đàn có nguồn gốc do tự gây trồng đến khi có hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Ông Đặng Thành Vương, cán bộ kỹ thuật Cty CP Giống lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ (Bộ NN-PTNT):
Trong danh mục giống cây lâm nghiệp trồng rừng chưa có cây huỳnh đàn, nhưng do nhu cầu trồng rừng kinh tế của người dân, từ đầu năm 2007, công ty đã tiến hành ươm giống thử nghiệm với số lượng 10.000 cây. Việc ươm giống chủ yếu từ hạt lấy từ rừng tự nhiên ở miền Bắc. Số lượng cây giống cung ứng ra thị trường hiện nay rất hạn chế do hạt giống khan hiếm. Cty chúng tôi đã đăng ký với ngành chức năng và được phép sản xuất cây huỳnh đàn với quy trình, nguồn gốc giống rõ ràng nên người dân không sợ giống dỏm. Hiện nay, có nhiều người tìm đến Cty để mua cây huỳnh đàn với số lượng từ vài ba trăm cây đến hàng ngàn cây. Giá mỗi cây giống hiện nay Cty bán từ 5.000 - 7.000 đồng.
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Cty TNHH Giống cây lâm nghiệp Vũ Hà (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước): Đầu n ăm 2007, Cty chúng tôi đã tiến hành trồng thử nghiệm ra vườn ươm Phước Thành 30 cây huỳnh đàn. Đến nay, cây sinh trưởng phát triển rất tốt, mỗi cây cao trung bình từ 2-3 mét. So với các loại cây trồng rừng bản địa địa khác như sao đen, thông nhựa thì cây huỳnh đàn phát triển tốt hơn nhiều, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Chúng tôi đã tham quan một số khu rừng trồng cây huỳnh đàn ở miền Bắc cho giá trị kinh tế rất cao. Mỗi cây huỳnh đàn trồng từ 15-20 năm có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Nếu cây huỳnh đàn phát triển tốt trên địa bàn tỉnh Bình Định thì đây là cơ hội để người dân làm giàu từ trồng rừng. Nguyễn Hân
Hiện nay, có 3 loại cây, gỗ có các đặc tính khá giống nhau mà thương lái tìm mua với tên gọi chung là huỳnh đàn gồm: Cây hoàng đàn, cây sưa (trắc thối), cây huê mộc (giáng hương quả to). Cây hoàng đàn (huỳnh đàn), tên khoa học: Cupressus funebris Endl; họ Cupressaccae. Cây có dáng đẹp, thân thẳng, vỏ màu nâu xám trắng, có mùi thơm. Cành mảnh, dẹt màu xanh lục. Lá hình vẩy đầu nhọn. Trái hình cầu, hạt có cánh nhỏ. Gỗ có lõi màu nâu vàng, giác màu nâu vàng nhạt, vân thẳng, hơi ròn. Gỗ quí, tốt, không bị mối mọt, mùi thơm bền, dùng trong xây dựng, đóng đồ cao cấp. Cây hoàng đàn mọc rải rác các vùng núi đá vôi như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang. Cây ưa sáng, ẩm, khí hậu mát có sương mù, sinh trưởng chậm nhưng tái sinh hạt khỏe. Cây sưa (trắc thối), tên khoa học: Dalbergia tonkinensis Prain; họ Fabaceae. Cây trung bình, vỏ màu xám nhạt. Lá kép lông chim 1 lần mọc cách. Hoa màu trắng, có mùi thơm. Trái dẹt, cứng, 1 hạt nổi rõ. Mùa hoa tháng 5-6, mùa trái tháng 11-12. Gỗ màu đỏ hơi nâu, thớ chéo, mạch vòng, trọng lượng khá nặng. Gỗ rất bền, đẹp, dùng trong xây dựng, đóng đồ dùng gia đình… Cây phân bổ rải rác trong rừng thứ sinh ở miền Bắc, các tỉnh Khánh Hòa, Gia Lai, Quảng Nam… Cây ưa sáng, mọc nhanh, tái sinh hạt nhiều nhưng ít gặp cây con. Cây huê mộc (giáng hương quả to), tên khoa học: Pterocarpus macrocarpus Kurz; họ Fabaccae. Cây lớn, vỏ nứt dọc, màu nâu nhạt tán xòe rộng. Lá kép lông chim lẻ, mọc cách, màu xanh nhạt. Hoa màu nhạt có lông đỏ. Trái hình tròn, cuốn mảnh, cành có gân mạng lưới, có nếp nhăn. Mùa hoa vào tháng 1-4, mùa trái tháng 4-6. Gỗ chắc, có mùi thơm dịu, màu nâu đỏ, giác màu nâu nhạt, thớ mịn, nặng không bị mối mọt. Gỗ dùng để đóng đồ quí, làm mỹ nghệ, chịu va đập khá tốt. Cây mọc chủ yếu ở Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Cây ưa sáng, mọc nơi rừng thưa rụng lá hay ven rừng, chịu dược đất khô, xấu, sinh trưởng trung bình.