| Hotline: 0983.970.780

Triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và trách nhiệm EPR

Thứ Năm 03/07/2025 , 19:23 (GMT+7)

Chủ đề này vừa được Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo phổ biến và lấy ý kiến tại tỉnh Hưng Yên.

Ngày 3/7, Cục Môi trường (Bộ NN-MT) tổ chức hội thảo "Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu - EPR”. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Nhiều vấn đề môi trường cần sớm có giải pháp trong bối cảnh mới

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho biết: Trong quá trình vận hành bộ máy mới, nhiều nội dung quản lý môi trường cũng sẽ bị tác động và ảnh hưởng, nhưng cần phải sớm có giải pháp giải quyết nhanh chóng. Trong đó, cần quan tâm, thúc đẩy và thực hiện hiệu quả là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các tỉnh, thành phố và quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phạm Oanh.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phạm Oanh.

Cũng theo ông Hồ Kiên Trung, để đẩy mạnh công tác quản lý chất CTRSH trên phạm vi cả nước đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Bộ NN-MT đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật để hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện công tác phân loại chất thải, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt đáp ứng yêu cầu mới của Luật.

Điển hình như Thông tư số 34/2024/TT-BTNMT ban hành quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt); Công văn số 9368/BTNMT-KSON hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH; Công văn số 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn.

Đồng thời, nhằm thúc đẩy trách nhiệm tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì của các nhà sản xuất, nhập khẩu, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế chất thải và hỗ trợ địa phương cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Cục Môi trường cũng đang từng bước triển khai cơ chế EPR, hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải thực thi chính sách EPR. Dự thảo Nghị định này hiện đang được Bộ NN-MT đăng tải công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan.

Phân loại CTRSH mới thực hiện ở quy mô nhỏ

Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải (Cục Môi trường), theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm chính là: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật phân loại các nhóm CTRSH trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSON. Theo đó, nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chia thành 8 nhóm nhỏ, gồm: Giấy thải; Nhựa thải; Kim loại thải; Thuỷ tinh thải; Vải, đồ da; Đồ gỗ; Cao su; Thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác được chia thành 3 nhóm nhỏ, gồm: Chất thải nguy hại; Chất thải cồng kềnh; Chất thải khác còn lại.

Bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải (Cục Môi trường) trình bày tại hội thảo. Ảnh: Phạm Oanh.

Bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải (Cục Môi trường) trình bày tại hội thảo. Ảnh: Phạm Oanh.

Thực hiện Công văn số 9368/BTNMT-KSON, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Theo thống kê của Cục, theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành (cũ), trước ngày 30/6, có 31 tỉnh, thành phố ban hành Ban hành quy định về quản lý CTRSH; 30 tỉnh, thành ban hành quy định về phân loại CTRSH; 4 tỉnh, thành ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; 5 tỉnh, thành phố ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Cũng theo bà Xuyến, công tác phân loại CTRSH hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Công tác triển khai, phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương chưa đồng bộ, chưa tập trung vào các giải pháp cấp bách để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý CTRSH. Theo thống kê mới có 34 địa phương thực hiện phân loại, chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa được nhân rộng mô hình. 

Cùng với đó, các địa phương còn lúng túng trong áp dụng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sau phân loại; một số định mức, đơn giá áp dụng địa phương chưa phù hợp; một số địa phương nông thôn, miền núi hoặc hải đảo đòi hỏi phải có định mức, đơn giá đặc thù. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ công tác thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đồng bộ với việc phân loại CTRSH.

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu. Ảnh: Phạm Oanh.

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu. Ảnh: Phạm Oanh.

Trước thực tế này và hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả xử lý CTRSH, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải; giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải phải xử lý, giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp chất thải, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong những năm tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn.

Công văn này đã quy định cụ thể về nguyên tắc lựa chọn mô hình xử lý CTRSH, tiêu chí lựa chọn mô hình, mô hình xử lý… Trong đó, UBND các cấp phải căn cứ vào các tiêu chí như: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển; Địa bàn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt; Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt… để quyết định lựa chọn mô hình xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách EPR

Cũng tại Hội thảo, đại diện Cục Môi trường, Văn phòng EPR Quốc gia cho biết, Việt Nam đã tiếp cận chính sách EPR từ rất sớm, từ năm 2005 với quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Đến Luật bảo vệ môi trường năm 2020 là bước ngoặt quan trọng với việc quy định rõ hơn về trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nỗ lực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện quy định, đưa chính sách EPR vào thực tiễn.

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường). Ảnh: Phạm Oanh.

Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường). Ảnh: Phạm Oanh.

Tuy nhiên, EPR là một chính sách mới, một số quy định vẫn cần được tháo gỡ, làm rõ. Để khắc phục các bất cập hiện hữu, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới về phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động đề xuất xây dựng một Nghị định riêng quy định chi tiết về EPR.

Nghị định này cơ bản tiếp thu các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định số 05/2025/NĐ-CP kết hợp với bổ sung, làm rõ các quy định về cơ chế tài chính hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải, tạo hành lang pháp lý minh bạch, khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý môi trường trong giai đoạn mới. Hiện, Dự thảo Nghị định đang được Bộ đăng tải công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan.

Theo Dự thảo Nghị định, tỷ lệ tái chế bắt buộc sẽ được điều chỉnh theo chu kỳ 3 năm 1 lần, mỗi lần điều chỉnh không tăng quá 10% của tỷ lệ tái chế bắt buộc và chu kỳ đầu tiên bắt đầu tính từ năm 2026. Đối với mức đóng góp tài chính sẽ được điều chỉnh 5 năm 1 lần; mỗi lần điều chỉnh không tăng quá 15% của mức đóng góp trong chu kỳ liền trước, chu kỳ đầu tiên cũng tính từ năm 2026.

Một điểm mới nữa của Nghị định chính là quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải. Theo đó, UBND tỉnh là đối tượng được hỗ trợ để chủ động thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động xử lý chất thải bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Lãnh đạo Cục Môi trường trao đổi và lắng nghe ý kiến đóng góp của đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phạm Oanh.

Lãnh đạo Cục Môi trường trao đổi và lắng nghe ý kiến đóng góp của đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Phạm Oanh.

Tiêu chí phân bổ kinh phí hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ dựa trên quy mô dân số và diện tích của tất cả các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn ở địa phương. Đối với kinh phí hỗ trợ xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật thì dựa trên tiêu chí về diện tích đất nông nghiệp và diện tích của tất cả các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn ở địa phương...

Tham dự hội thảo, nhiều đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và dự thảo Nghị định EPR. Tất cả các ý kiến này được đại diện Cục môi trường lắng nghe, tiếp thu và sử dụng hiệu quả trong quá trình hoàn thiện chính sách về môi trường hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Xem thêm

Bình luận mới nhất