| Hotline: 0983.970.780

Bổ sung nhiều điểm mới trong Dự thảo Nghị định về EPR

Thứ Ba 01/07/2025 , 13:50 (GMT+7)

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường giải đáp nhiều thắc mắc cũng như làm rõ nhiều nội dung mới được bổ sung trong Dự thảo Nghị định về EPR.

Làm rõ một số trường hợp đặc thù

Tại Hội thảo “Phổ biến và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR”, ông Nguyễn Thành Yên, Phó trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường) cho biết, dự thảo lần này đã bổ sung, làm rõ một số trường hợp đặc thù đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.

Theo đó, trường hợp sản phẩm, bao bì có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều nhà sản xuất khác nhau thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa là đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế; trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất là bên nhận gia công sản phẩm, bao bì cho bên đặt gia công thì bên đặt gia công là đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế; trường hợp uỷ thác nhập khẩu sản phẩm, bao bì thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa là đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế.

Ông Nguyễn Thành Yên, Phó trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường) cho biết dự thảo lần này có nhiều điểm mới. Ảnh: PT.

Ông Nguyễn Thành Yên, Phó trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường) cho biết dự thảo lần này có nhiều điểm mới. Ảnh: PT.

Trường hợp bên nhận ủy thác chịu trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa thì khối lượng được đưa ra thị trường là khối lượng chuyển giao cho bên ủy thác, doanh thu là tổng giá trị nhập khẩu và phí ủy thác.

Ngoài ra, nghị định lần này cũng bổ sung quy định thải bỏ phương tiện giao thông như: tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc có thẩm quyền quản lý phương tiện giao thông có trách nhiệm thực hiện việc lưu giữ, thải bỏ phương tiện giao thông; phương tiện giao thông thải bỏ không được coi là chất thải khi chưa phá dỡ; quản lý, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ phương tiện giao thông…

Đặc biệt, nghị định lần này quy định đối tượng, mức đóng góp tài chính, nhất là với một số trường hợp đặc thù. Cụ thể, trường hợp sản phẩm, bao bì có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều nhà sản xuất khác nhau thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là đối tượng thực hiện trách nhiệm đóng góp tài chính.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất là bên nhận gia công sản phẩm, bao bì cho bên đặt gia công để đưa ra thị trường Việt Nam, thì bên đặt gia công là đối tượng thực hiện trách nhiệm đóng góp tài chính; trường hợp ủy thác nhập khẩu sản phẩm, bao bì thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là đối tượng thực hiện trách nhiệm đóng góp tài chính.

Nhiều đóng góp xác đáng

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định EPR, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam cho rằng: Nghị định cần có các điều khoản khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế, đặc biệt là nhựa tái chế để thúc đẩy đầu ra cho ngành tái chế và phát triển kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Điều 5 của Nghị định quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc sau 3 năm tăng không quá 10% . Dù một số ít doanh nghiệp đã đạt hoặc vượt tỉ lệ tái chế quy định nhưng vấn đề sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá thành cao so với vật liệu nguyên sinh. Nếu chúng ta không đánh giá được khả năng đáp ứng về kỹ thuật và năng lực của ngành tái chế trong nước thì việc tăng tỉ lệ tái chế bắt buộc sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.

Hội thảo nhận được nhiều đóng góp ý kiến. Ảnh: PT.

Hội thảo nhận được nhiều đóng góp ý kiến. Ảnh: PT.

Giải đáp thắc mắc này, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho biết: Chính sách của nhà nước là thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tự tái chế bằng nhiều hình thức như: ký quỹ, thực hiện tự tái chế. Nếu doanh nghiệp không tự tái chế được thì phải nộp tiền để nhờ đơn vị có chuyên môn thực hiện. Lúc đó chúng ta mới bàn đến định mức chi phí tái chế (FS) bởi FS là vấn đề khó trong xác định mức giá vì nó là định mức kỹ thuật. Việc xác định mức giá này là cao hay thấp trên phạm vi quốc gia thực sự khó để đánh giá.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Lan Hương, đại diện Coca Cola Việt Nam: Nghị định mới cần bổ sung chính sách ưu đãi cho hoạt động thu gom nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động tái chế.

Bên cạnh các đóng góp về cơ chế, chính sách chung của quy định EPR, đại diện Công ty cổ phần tái chế nhựa Lan Trân kiến nghị, Nghị định lần này cần quy định rõ thế nào là bao bì nhựa cứng, thế nào là bao bì nhựa mềm? Bởi lẽ hiện nay, định mức chi phí tái chế (FS) được áp dụng cho từng loại nhựa chênh nhau tới 3 lần nên nếu không xác định rõ sẽ ảnh hưởng tới việc kê khai và nộp tiền của doanh nghiệp…

Sau phần thảo luận, ông Hồ Kiên Trung khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ và nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm hoàn thiện khung pháp lý về EPR, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26.

Xem thêm
Ngày đầu vận hành chính quyền ở xã vùng cao Cốc San

LÀO CAI Với những cán bộ, người dân xã Cốc San, ngày 1/7 không đơn thuần là ngày đầu tháng, mà là cột mốc lịch sử ‘ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền hai cấp’.

Bình luận mới nhất