| Hotline: 0983.970.780

Tránh nguy cơ vô chủ tài sản công sau sáp nhập

Thứ Sáu 16/05/2025 , 11:31 (GMT+7)

Bộ Tài chính đề nghị địa phương lập danh mục, bàn giao rõ ràng để tránh thất thoát và bảo đảm dịch vụ công không bị gián đoạn sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện để tinh gọn bộ máy, việc xác định rõ chủ thể quản lý tài sản công, từ đường làng, công trình thủy lợi đến hệ thống hạ tầng nông nghiệp và môi trường, trở nên cấp thiết.

Bộ Tài chính xác định, đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hoạt động ổn định của chính quyền cơ sở và đời sống người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành bơm nước từ sông Hồng để cấp nguồn vào hệ thống thủy lợi Sông Tích, phục vụ đổ ải cho các huyện phía Tây Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa vận hành bơm nước từ sông Hồng để cấp nguồn vào hệ thống thủy lợi Sông Tích, phục vụ đổ ải cho các huyện phía Tây Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Phân nhóm tài sản, giao quyền quản lý rõ ràng

Nhằm tránh tình trạng tài sản rơi vào cảnh “vô chủ” sau khi địa giới hành chính thay đổi, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 6606/BTC-QLCS, hướng dẫn quy trình bàn giao, tiếp nhận và xử lý tài sản công giữa các đơn vị hành chính trước và sau sáp nhập.

Theo đó, tài sản công được chia làm 3 nhóm chính: Tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân và tài sản hình thành từ các dự án sử dụng vốn nhà nước. Mỗi nhóm có quy trình xử lý riêng, gắn với cấp quản lý sau sáp nhập.

Đối với tài sản hạ tầng do cấp xã quản lý như đường giao thông nông thôn, hệ thống chiếu sáng, trạm bơm nội đồng, kênh mương thủy lợi hay ao hồ sinh thái, đơn vị hành chính mới phải tiếp nhận toàn bộ. Nếu xã cũ được chia tách thành nhiều xã mới, mỗi đơn vị tiếp nhận phần tài sản nằm trên địa bàn mình quản lý. Riêng các tài sản liên xã, UBND cấp tỉnh là cơ quan quyết định phương án phân bổ để bảo đảm không chồng lấn, tranh chấp.

Tương tự, các tài sản do cấp huyện quản lý như chợ nông sản, bến xe, trạm kiểm dịch động vật, chi cục thủy lợi hay trạm kiểm lâm cũng được bàn giao theo nguyên tắc địa bàn tiếp quản. Đối với tài sản cấp tỉnh như nhà máy xử lý nước thải, công trình phục vụ sản xuất tập trung, trạm quan trắc môi trường…, việc bàn giao phải giữ nguyên hiện trạng để không ảnh hưởng đến cung ứng dịch vụ công.

Một trong những nhóm tài sản dễ bị bỏ sót là các tài sản đã xác lập quyền sở hữu toàn dân nhưng chưa rõ đơn vị quản lý. Phổ biến nhất là đất rừng, đất công ích, hạ tầng môi trường và công trình văn hóa, thể thao tại nông thôn. Các địa phương được yêu cầu khẩn trương rà soát, phân công đơn vị tiếp nhận cụ thể nhằm tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, dẫn đến xâm lấn, xuống cấp hoặc sử dụng sai mục đích.

Riêng tài sản từ dự án sử dụng vốn nhà nước như hệ thống tưới tiêu, hồ chứa nước, cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi hoặc trạm quan trắc khí tượng, việc bàn giao phải kèm theo đầy đủ hồ sơ pháp lý, dữ liệu tài chính và biên bản nghiệm thu.

Nếu chưa xác định được đơn vị tiếp nhận, địa phương phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý. Các dự án đang triển khai sẽ tiếp tục được hướng dẫn theo Công văn 4738/BTC-TH ban hành ngày 14/4 nhằm tránh đình trệ đầu tư công.

Nhân viên tại một trạm kiểm dịch động vật thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu khử khuẩn xe chở gia cầm. Ảnh: Đông Hiếu.

Nhân viên tại một trạm kiểm dịch động vật thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu khử khuẩn xe chở gia cầm. Ảnh: Đông Hiếu.

Minh bạch để duy trì dịch vụ thiết yếu

Bộ Tài chính nhấn mạnh nguyên tắc minh bạch trong mọi khâu bàn giao. Mỗi tài sản phải có biên bản ghi rõ danh mục, hiện trạng, giá trị và đơn vị tiếp nhận, nhằm phòng ngừa tranh chấp và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Các đơn vị tiếp quản có trách nhiệm sử dụng tài sản đúng mục đích, đặc biệt với các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu ở nông thôn như nhà văn hóa, điểm thu gom rác, hệ thống cấp nước sinh hoạt, khu chăn nuôi, trồng trọt tập trung, hành lang bảo vệ nguồn nước.

Nếu không tiếp nhận, vận hành và duy tu kịp thời, những thiết chế này rất dễ xuống cấp, ảnh hưởng đến sinh kế người dân và công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu vực dễ tổn thương do biến đổi khí hậu.

Thực tế tại một số địa phương cho thấy, sau sáp nhập, nhiều trạm bơm hoặc ao chứa nước bị bỏ hoang vì không ai đứng ra vận hành. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và khả năng chống chịu thiên tai của cộng đồng.

Do đó, việc chủ động rà soát, bàn giao và minh bạch hóa quản lý tài sản công không chỉ là yêu cầu hành chính, mà còn là nền tảng bảo đảm người dân tiếp tục được thụ hưởng đầy đủ dịch vụ công,nhất là ở những nơi hạ tầng còn yếu và phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Xem thêm
Thị trường nông sản Việt đa kênh, đa hướng: [Bài 8] Cần một chiến lược quốc gia

Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: 'Việc mở cửa, khai thác các thị trường mới là hướng đi đúng đắn và mang tính chiến lược cho ngành nông nghiệp Việt Nam'.

Lao động, thực tập sinh nước ngoài về nước cơ hội việc làm luôn rộng mở

GIA LAI Rất nhiều việc làm hấp dẫn dành cho người lao động không chỉ ở thị trường trong nước mà còn đi nước ngoài làm việc một cách chính thống.

Văn phòng đại diện Agribank Tây Nam Bộ: Dấu ấn 10 năm thành lập

Cần Thơ Ngày 14/5, Văn phòng Agribank Tây Nam Bộ kỷ niệm 10 năm thành lập - hành trình khẳng định vị thế “cánh tay nối dài” của Agribank tại vùng kinh tế trọng điểm.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Đề xuất thuế TTĐB nước giải khát có đường: Cần đánh giá tác động đa chiều

Việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tạo ra tranh luận về mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng kinh tế, xã hội.