Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện các công trình, các dự án giải quyết ngập tại các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý; kịp thời báo cáo vướng mắc gửi Sở Xây dựng, đề xuất giải pháp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu.

TP.HCM thường xảy ra tình trạng ngập nước, ngã cây, tét nhánh vào mùa mưa bão. Ảnh: Thục Vy.
Đồng thời, tăng cường công tác nạo vét hệ thống kênh, rạch theo phân cấp nhằm phát huy hiệu quả thoát nước của hệ thống hiện hữu do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố phụ trách. Tăng cường công tác xử lý, chế tài những trường hợp xả thải chưa qua xử lý làm tắc nghẽn tuyến cống.
UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng (kỹ thuật, giao thông) phải đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt là các dự án xóa, giảm ngập thuộc Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, chú trọng giải quyết 12 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập giai đoạn 2025 - 2030.
Song song đó, thực hiện dẫn dòng đảm bảo, hạn chế ngập do ảnh hưởng trong quá trình thi công các dự án: dự án Cải tạo rạch Bà Tiếng, dự án Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và các dự án phát triển Giao thông trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn, theo dõi, phối hợp hỗ trợ với các đơn vị liên quan, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện kịp thời xử lý khi có ngập nước tại các tuyến đường khi có mưa lớn, kết hợp triều cường.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức kiểm tra, rà soát tình trạng sinh trưởng, phát triển của hệ thống cây xanh đô thị để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Bố trí lực lượng ứng phó khi có mưa bão; tổ chức khắc phục, xử lý ngay các trường hợp cây xanh ngã đổ (nếu có) để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cây xanh trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh đường phố, công viên; trồng thay thế những cây bị sâu bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng có khả năng gãy đổ gây nguy hiểm.
Vào mùa mưa, TP.HCM thường xảy ra tình trạng cây ngã, tét nhánh rơi xuống gây nguy hiểm cho người đi đường. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, thành phố có 7.600 cây xanh cao trên 20 m, nguy cơ gãy đổ. Việc rà soát các cây này gặp khó khăn do thiếu phương tiện, thiết bị kiểm tra.