Khả năng cung ứng được năm 2025-2026
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM gửi UBND TP.HCM, qua rà soát nguồn vật liệu xây dựng như cát, đá và vật liệu san lấp tại 3 địa phương TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) cho thấy, TP.HCM (mới) có khả năng cung ứng nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia và của thành phố trong năm 2025 và năm 2026.

Hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương (cũ). Ảnh: Tường Tú.
Cụ thể, về đá xây dựng, công suất khai thác hơn 21,8 triệu m3/năm, công suất khai thác thực tế chỉ đạt khoảng 70% và tỷ lệ đá đạt tiêu chuẩn phục vụ thi công các công trình trọng điểm chỉ đạt khoảng 40 - 50%; trong 6 tháng năm 2025 và năm 2026, sản lượng dự kiến đạt hơn 13 triệu m3. Từ năm 2024 đến tháng 6/2025, Bình Dương (cũ) đã cung ứng cho các công trình trọng điểm 3,3 triệu m3 đá. Như vậy, nguồn đá xây dựng đáp ứng tốt nhu cầu. Hiện tại, một số mỏ đang xin nâng công suất để cung cấp cho các công trình dân dụng khác.
Về cát xây dựng, công suất khai thác gần 0,9 triệu m3/năm, thực tế không đạt công suất cấp phép; trong 6 tháng năm 2025 và năm 2026, sản lượng dự kiến là 0,6 triệu m3; trong đó, Bình Dương (cũ) cung cấp khoảng 592.220 m3 và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) cung cấp khoảng 20.000 m3. Như vậy, so với nhu cầu thiếu hơn 1,4 triệu m3.
Còn về cát san lấp, công suất khai thác là hơn 1 triệu m3/năm; trong 6 tháng năm 2025 và năm 2026, sản lượng dự kiến khai thác là hơn 1,5 triệu m3; trong đó, Bình Dương cung cấp 225.000 m3 và Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp hơn 1,3 triệu m3. Như vậy, so với nhu cầu còn thiếu khoảng 7,2 triệu m3.
Riêng về đất san lấp, công suất khai thác là hơn 5,3 triệu m3/năm; trong 6 tháng năm 2025 và năm 2026, sản lượng dự kiến khai thác là 8 triệu m3; trong đó, Bình Dương cung cấp 6 triệu m3 và Bà Rịa - Vũng Tàu cung cấp 2 triệu m3. Như vậy, so với nhu cầu vẫn còn thiếu hơn 13,6 triệu m3.
Như vậy, qua số liệu tổng hợp nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia và của thành phố như trên cho thấy, đối với đá xây dựng đã đủ đáp ứng nhu cầu của các công trình, dự án trọng điểm và dân dụng, một phần cung ứng cho các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long; còn cát xây dựng, cát san lấp và đất đắp đang thiếu hụt so với nhu cầu thực tế.
Kiểm soát, bình ổn giá vật liệu xây dựng
Để đảm bảo kịp thời nguồn vật liệu xây dựng, nhất là nguồn cát xây dựng, cát san lấp và đất đắp cung ứng cho các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia và nhu cầu dân sinh trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận, Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị UBND TP.HCM các giải pháp để chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan và các địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Hoạt động khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ). Ảnh: Linh Nga.
Theo đó, các sở ngành, các xã, phường và đặc khu, các nhà thầu, đơn vị thi công và các ban quản lý dự án liên quan cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và đầy đủ các giải pháp, định hướng, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trước đây của Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập, đảm bảo cung ứng nguồn nguyên vật liệu xây dựng để thực hiện các công trình trọng điểm của quốc gia và của thành phố.
Đồng thời, các sở ngành, các xã, phường và đặc khu cũng cần tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở ngành, đơn vị mình về đất đai, xây dựng, môi trường, giao thông, cấp phép, các kết luận thanh tra, kiểm tra…; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ xin nâng công suất các mỏ để bổ sung nguồn vật liệu kịp thời cho các công trình.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM khẩn trương tham mưu tập huấn và tổ chức thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm sớm đưa các quy định của pháp luật vào thực tiễn; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời đầy đủ phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong Quy hoạch tích hợp đã được phê duyệt, đảm bảo giải quyết kịp thời nguồn cung ứng vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các công trình giao thông, đơn vị liên quan, chủ mỏ khảo sát khả năng cung ứng của khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), do hiện nay, nhà thầu, đơn vị thi công chủ yếu đề nghị khu vực Bình Dương (cũ) về nhu cầu, chủng loại, khoảng cách vận chuyển để tham mưu UBND TP.HCM điều tiết, phân bổ cho phù hợp, tránh tình trạng các nhà thầu chỉ tập trung lựa chọn các mỏ đá có khoảng cách vận chuyển gần và chất lượng đá tốt.
Riêng Sở Xây dựng TP.HCM kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá, cát và đất san lấp theo quy định; phối hợp kiểm tra giá bán vật liệu nói chung và đá xây dựng, cát và đất san lấp nói riêng trên địa bàn thành phố để kiểm soát, bình ổn giá vật liệu xây dựng; công bố chất lượng từng mỏ vật liệu xây dựng để thuận lợi cho các nhà thầu, đơn vị thi công lựa chọn; phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan khảo sát, đánh giá tính khả thi, kết quả của việc sản xuất cát nghiền từ đá; trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp thay thế một phần nguồn cát tự nhiên trong thời gian tới.
Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu khác làm vật liệu san lấp thay cho cát tự nhiên theo tinh thần Công văn số 1424/BXD-VLXD ngày 22/6/2017 của Bộ Xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hạn chế sử dụng cát tự nhiên dùng để san lấp, sử dụng cát tự nhiên có hiệu quả, tiết kiệm...; tăng cường sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017.
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho toàn TP.HCM là 57 khu với diện tích 3.214 ha, trữ lượng hơn 1.223 triệu m3 (chưa cập nhật khu vực TP.HCM cũ); trong đó, chủ yếu là đá xây dựng 33 khu với diện tích hơn 2.230 ha, trữ lượng hơn 1.194 triệu m3; cát xây dựng 11 khu với diện tích hơn 706 ha, trữ lượng 15 triệu m3; đất, cát san lấp 13 khu với diện tích hơn 276 ha, trữ lượng hơn 14,1 triệu m3.