Để giải quyết tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp ở một số dự án, UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các chủ đầu tư để thống nhất về khối lượng dôi dư từ 2 mỏ Bàu Cạn và Phước Bình, sau đó đề xuất phương án điều phối cho các dự án đang cần.

Mỏ khai thác đá vướng thủ tục pháp lý ở khu vực Tân Cang (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: nhandan.vn.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện UBND tỉnh đã cấp phép khai thác tại 6 vị trí đất san lấp, với tổng khối lượng ước tính gần 4,4 triệu m³. Bên cạnh đó, 4 vị trí khác đang trong quá trình xem xét cấp phép và khoảng 1 triệu m³ vật liệu san lấp có thể khai thác từ các mỏ đá hiện có. Như vậy, tổng khối lượng vật liệu san lấp tiềm năng có thể cung cấp trên địa bàn tỉnh là khoảng 6 triệu m³.
Trong lĩnh vực đá xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động ban hành văn bản phân khai và điều chỉnh khối lượng đá cụ thể cho từng nhà thầu và từng mỏ, áp dụng cho cả các dự án trọng điểm trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại, một số nhà đầu tư và ban quản lý dự án đang có kiến nghị điều chỉnh tăng khối lượng đá đã được phân khai cho các dự án trọng điểm nằm ngoài địa bàn tỉnh.
Liên quan đến các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, Sở đã tiếp nhận và xử lý một số hồ sơ quan trọng. Cụ thể, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt cho phép nhận chuyển nhượng đối với 9 hồ sơ, đề nghị điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho mỏ đá Thạnh Phú 3, kiến nghị chấp thuận cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho một số khu vực, cũng như đề xuất điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của một số mỏ đá.
Một số mỏ đá khu vực Tân Cang hiện không thể sản xuất loại đá theo yêu cầu của các dự án, gây khó khăn cho nguồn cung. Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong thủ tục thuê đất đã khiến một số mỏ bị giảm công suất khai thác đáng kể. Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù có nhu cầu rất lớn về đá xây dựng, nhưng cơ chế đặc thù về cung ứng vẫn chưa được áp dụng. Nhiều nhà thầu vẫn chưa tiến hành ký kết hợp đồng cung ứng với các mỏ đá.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp ở một số dự án, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các chủ đầu tư để thống nhất về khối lượng dôi dư từ hai mỏ Bàu Cạn và Phước Bình, sau đó đề xuất phương án điều phối cho các dự án đang cần. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản nhóm IV trái phép hoặc không đúng quy định.
Đối với đá xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ làm việc với các chủ đầu tư dự án trọng điểm để nắm rõ tình hình ký kết hợp đồng, nhu cầu thực tế và khối lượng đã được cung cấp. Nếu có khối lượng dư thừa, Sở sẽ đề xuất tỉnh tiếp tục điều tiết sang các dự án khác đang thiếu.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng và Công an tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán khoáng sản. Các chủ mỏ đá được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng về pháp lý, máy móc, thiết bị để có thể nâng công suất khai thác ngay lập tức khi Chính phủ ban hành chủ trương áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án quan trọng.