
Nhà Trắng sau đó cũng ra thông cáo với tiêu đề “Mỹ công bố thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại Geneva”, song chỉ lặp lại các phát biểu từ Bộ trưởng Tài chính Bessent và Đại diện Thương mại Greer, không tiết lộ thêm thông tin mới. Ảnh: THX/TTXVN.
Hai ngày đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva khép lại với nhiều tín hiệu lạc quan, khi các quan chức hai bên tuyên bố đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc thu hẹp khác biệt và hướng tới một thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mạnh tay và Bắc Kinh lập tức trả đũa.
Ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu phái đoàn Washington, cho biết rằng các phiên làm việc cuối tuần đã ghi nhận “nhiều tiến triển thực chất”, nhưng ông không tiết lộ cụ thể nội dung đàm phán. Một cuộc họp báo chi tiết hơn dự kiến sẽ diễn ra vào 12/5.
Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cũng hé lộ rằng hai bên đã đạt được một thỏa thuận, song từ chối cung cấp chi tiết.
“Điều quan trọng là phải nhìn nhận việc hai bên đạt được đồng thuận nhanh chóng cho thấy khoảng cách giữa chúng tôi có lẽ không quá lớn như người ta từng nghĩ”, ông Greer nói. Tuy vậy, ông nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump vẫn là thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc với con số đã đạt mức kỷ lục 263 tỷ USD trong năm qua.
“Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ là bước đi cần thiết để xử lý tình trạng khẩn cấp quốc gia về thương mại”, ông Greer nói thêm.
Nhà Trắng sau đó cũng ra thông cáo với tiêu đề “Mỹ công bố thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại Geneva”, song chỉ lặp lại các phát biểu từ ông Bessent và Greer, không tiết lộ thêm thông tin mới.
Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong chủ trì họp báo riêng, đánh giá cuộc gặp là “thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng”. Ông cho biết hai bên đã nhất trí thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên để tiếp tục đối thoại về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu phái đoàn Washington đàm phán tại Geneva. Ảnh: Swissinfo.
Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc cũng thông báo rằng hai bên sẽ cùng công bố một tuyên bố chung vào 12/5 dù thời điểm chính thức vẫn chưa được xác định. “Dù được công bố lúc nào, tôi tin rằng đây sẽ là tin tốt cho cả thế giới”, ông Lý Thành Cương, Đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khẳng định.
Tổng thống Trump, vốn luôn tìm kiếm những thắng lợi chính trị từ các vòng đàm phán, sớm chia sẻ trên mạng xã hội rằng các phiên họp đang đạt “TIẾN TRIỂN TUYỆT VỜI” và ám chỉ đây có thể là một “cú tái khởi động hoàn toàn” đối với chính sách thuế quan khiến nền kinh tế toàn cầu lo lắng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra thận trọng hơn. Trong bài xã luận đăng tối thứ Bảy - trước khi ngày đàm phán cuối cùng bắt đầu - Trung Quốc nhấn mạnh sẽ “kiên quyết bác bỏ mọi đề xuất làm tổn hại đến nguyên tắc cốt lõi hay ảnh hưởng tới công bằng toàn cầu”.
Tại cuộc họp báo tối 11/5, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong nêu rõ: “Các cuộc chiến thương mại do Mỹ bắt đầu đã thu hút sự chú ý toàn cầu. Lập trường của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán - chúng tôi không muốn chiến tranh thương mại, vì không ai thắng trong cuộc chiến đó”.
“Tuy nhiên, nếu Mỹ vẫn cố tình áp đặt, Trung Quốc sẽ không lùi bước và sẵn sàng chiến đấu tới cùng”, ông tuyên bố, đồng thời bày tỏ hy vọng: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác vì lợi ích chung”.
Trong bối cảnh thuế quan cao ngất khiến tàu chở hàng Trung Quốc neo đậu không dám dỡ hàng, giới chức Mỹ kỳ vọng cuộc đàm phán tại Geneva là bước khởi đầu cho một “tái thiết toàn diện” trong quan hệ thương mại với Bắc Kinh.
Các cuộc đàm phán vừa diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva được kỳ vọng sẽ góp phần làm dịu tình hình căng thẳng thương mại đã khiến thị trường toàn cầu lao đao. Nhiều con tàu chở hàng từ Trung Quốc đang bị mắc kẹt tại cảng, chờ tín hiệu rõ ràng về chính sách thuế mới trước khi dám dỡ hàng.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ nâng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức tổng cộng 145%. Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp mức thuế lên tới 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Những mức thuế cao kỷ lục này thực chất khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như “tẩy chay” sản phẩm của nhau, làm gián đoạn luồng thương mại song phương trị giá hơn 660 tỷ USD hồi năm ngoái.