| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp phát triển sinh kế vùng đệm

Thứ Bảy 29/07/2023 , 20:43 (GMT+7)

Rừng Việt Nam nhiều tiềm năng, lắm lợi thế nhưng nhiệm vụ phát triển sinh kế từ rừng chưa như kỳ vọng. Chỉ khi tìm được giải pháp bền vững, rừng mới là vàng.

Tạo sinh kế bền vững dưới những cánh rừng giàu là nhiệm vụ cấp bách của ngành lâm nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Tạo sinh kế bền vững dưới những cánh rừng giàu là nhiệm vụ cấp bách của ngành lâm nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Nói về rừng và nghe rừng nói

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì tọa đàm về bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Tọa đàm hướng đến những điều tốt đẹp nhất, chúng ta hãy trả lại cho rừng những giá trị cốt lõi vốn có, tìm ở rừng sự bền vững, cùng nhau giải tỏa tâm trạng "địa phương nào có nhiều rừng thì địa phương đó càng khó khăn", đồng thời giải tỏa áp lực cho lực lượng kiểm lâm, cho những người giữ rừng. Tất cả cùng chung tay giữ lại màu xanh, giữ vững giá trị cho hôm nay và mai sau.

Hôm nay chúng ta tiếp cận giá trị đa dụng của một hệ sinh thái rừng dựa trên góc độ kỹ thuật, nhân văn, văn hóa, lịch sử, con người, xã hội. Chúng ta nói về rừng và nghe rừng nói với chúng ta để từ đó có góc nhìn mới với tư duy mở”.

'Nói về rừng và nghe rừng nói' là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan muốn truyền tải. Ảnh: Việt Khánh. 

"Nói về rừng và nghe rừng nói" là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan muốn truyền tải. Ảnh: Việt Khánh. 

Dẫn chứng một câu ngạn ngữ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Hôm nay chúng ta cùng nhau đi trên một con đường, cùng nhau tìm ra những giá trị mới, những hành động mới để trả lại tương xứng với những gì rừng đã mang lại cho chúng ta”.

Về phía tỉnh Nghệ An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nêu tổng quan tình hình của địa phương: Nghệ An có dân số đứng thứ 4 cả nước với trên 3,4 triệu người, trong đó sinh sống ở khu vực miền núi khoảng 1,2 triệu người, bao gồm gần 500.000 đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với trên 1,6 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên (quy hoạch phòng hộ 365.400 ha, đặc dụng 172.300 ha, sản xuất trên 622.300 ha). Toàn tỉnh có khoảng 1 triệu ha rừng (rừng tự nhiên 789.000 ha và rừng trồng 211.000 ha), độ che phủ rừng năm 2022 đạt 58,36%. Tài nguyên đa dạng sinh học được phát hiện và ghi nhận khoảng 4.569 loài (3627 loài thực vật bậc cao, 942 loài động vật có xương sống lớn, nhỏ).

Miền Tây xứ Nghệ là nơi sinh sống của đồng bào 6 dân tộc anh em. Ảnh: Quốc Toản.

Miền Tây xứ Nghệ là nơi sinh sống của đồng bào 6 dân tộc anh em. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, Nghệ An sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận vào năm 2007. Đây là Khu Dự trữ sinh quyển trên cạn lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, phạm vi thuộc địa giới hành chính của 9 huyện.

Giá trị của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An khó có thể đong đếm, nổi bật phải nhắc đến nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của đồng bào 6 dân tộc anh em (Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu và H’Mông), cùng hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông đề cập đến những tồn tại, vướng mắc của ngành lâm nghiệp hiện nay. Ảnh: Quốc Toản.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông đề cập đến những tồn tại, vướng mắc của ngành lâm nghiệp hiện nay. Ảnh: Quốc Toản.

“Vùng đệm các vườn quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ các hệ sinh thái quý, đảm bảo các loài động, thực vật có môi trường sống tự nhiên hài hòa để phát triển. Nhưng với sự đi lên của đời sống xã hội, giá trị rừng ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng, đến mức hệ sinh thái tự nhiên có thể mất đi chức năng nuôi dưỡng, điều hòa, cân bằng sự sống của các loài, kể cả con người.

Chúng ta không thể thờ ơ, ngược lại phải tìm ra giải pháp thiết thực, sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong vùng đệm các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên”, ông Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.

Đánh thức tài nguyên

Sở hữu giá trị to lớn nhưng rừng Việt Nam và ngành lâm nghiệp nói chung đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung; năng suất, chất lượng rừng chưa cao; chưa có điều tra, đánh giá, tổ chức sản xuất theo chuỗi; vướng rào cản về mặt thể chế; chưa có quy định về sở hữu, đo đếm các-bon rừng; mức thu chưa tương xứng với giá trị rừng mang lại…

Để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2023 làm cơ sở triển khai.

Lan tỏa yêu thương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy đồng bào vùng cao vươn lên. Ảnh: Quốc Toản.

Lan tỏa yêu thương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy đồng bào vùng cao vươn lên. Ảnh: Quốc Toản.

Lắng nghe tâm tư của các đại biểu, chuyên gia, của những người gắn bó mật thiết với rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ thẳng thắn, đề cập trực diện đến những băn khoăn, chất chứa.

Bộ trưởng nói: “100 năm trước ta dùng chiếc máy tính to bằng cả căn phòng, vậy mà bây giờ, một chiếc máy nhỏ gọn có thể được dùng để xem phim, chỉnh sửa ảnh, chủ trì cuộc họp với những con người cách xa nửa vòng trái đất. Con người luôn nghĩ mình lớn lên theo khoa học, nhưng đôi khi vì đề cao thành tựu vật chất mà ta quên đi điều gì mới thực sự lớn lao, quên đi rằng ta nhỏ bé thế nào trước sự cho đi của tự nhiên”.

Khi Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng hòa vào nhịp sống, người dân vùng đệm sẽ không còn canh cánh nỗi lo cơm áo. Ảnh: Việt Khánh.

Khi Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng hòa vào nhịp sống, người dân vùng đệm sẽ không còn canh cánh nỗi lo cơm áo. Ảnh: Việt Khánh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Công tác bảo tồn và phát triển sinh kế bền vững là hành trình miệt mài, cần mẫn với sự tham gia, chung sức của tất cả chúng ta. Cần phân biệt rõ sinh kế và thu nhập, nếu thu nhập chỉ bó hẹp ở tiền lương và chế độ đãi ngộ, lợi ích vật chất thì sinh kế bao hàm cả chất lượng sống, cả giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần.

Sinh kế không chỉ là công việc, trách nhiệm, nhiệm vụ mà là niềm vui khi được tôn trọng, được làm việc. Hệ sinh thái rừng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn mang lại giá trị xã hội. Đánh đổi một diện tích rừng không chỉ đánh đổi một số cây rừng mà còn đánh đổi cả sinh kế của những người tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

Để mưu cầu cuộc sống tốt hơn con người đã lấy quá nhiều từ thiên nhiên mà không tính đến thời gian cho thiên nhiên phục hồi. Để giá trị rừng tăng trưởng nhanh hơn con người đã làm mất đi sự cân bằng của tự nhiên, của hệ sinh thái. Có ai tính được bao nhiêu điểm cộng cho tăng trưởng phải đánh đổi bằng bao nhiêu điểm trừ của suy thoái môi trường, của biến dạng đa dạng sinh học. Màu xanh tự nhiên đã dần biến thành màu nâu, màu xám, giờ là lúc chúng ta phải biến màu nâu, màu xám thành màu xanh”.

Về giải pháp và định hướng trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT giao Cục Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đơn vị liên quan kiểm tra Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đồng thời sửa, điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những vấn đề làm kìm hãm giá trị đa dụng. Đây không phải là Đề án kỹ thuật thuần túy mà thể hiện cách tiếp cận mới hơn, tầm nhìn rộng mở hơn, xa hơn về các giá trị của tài nguyên rừng, hướng đến phát triển bền vững.

Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao. Thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay cả nước đã xác lập được 167 khu, bao gồm 34 Vườn Quốc gia, 56 Khu Bảo tồn thiên nhiên, 14 Khu Bảo tồn loài/sinh cảnh, 54 Khu Bảo vệ cảnh quan và các Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học.

Bên cạnh sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan hùng vĩ gắn liền với những giá trị văn hóa, tâm linh và bảo vệ môi trường. Hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam còn có tiềm năng to lớn để phát triển các giá trị của dịch vụ hệ sinh thái rừng, nhất là phát triển du lịch sinh thái.

Xem thêm

Bình luận mới nhất