
Công trình kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
"Thơ phổ nhạc – 50 năm Thành phố Hồ Chí Minh” có độ dày hơn 500 trang, do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức biên soạn, nhằm ghi nhận và tôn vinh những ca khúc phổ thơ, từ năm 1975 đến nay. Theo dòng chảy sôi động của tân nhạc Việt Nam, thơ phổ nhạc đã hiện diện như một kênh nghệ thuật có sức rung động trong đời sống tinh thần người Việt Nam. Nhìn lại dòng chảy thơ phổ nhạc sau 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, công chúng có thể hình dung được diện mạo sáng tạo ở cả hai lĩnh vực thi ca và âm nhạc.
Lấy tiêu chí ưu tiên quy tụ thơ phổ nhạc của tác giả đang sinh sống tại TP.HCM hoặc viết trực tiếp về TP.HCM, “Thơ phổ nhạc – 50 năm Thành phố Hồ Chí Minh” phác họa nên bức tranh nghệ thuật độc đáo mang đậm dấu ấn Thành phố mang tên Bác. Cuốn sách cũng hé lộ những điều chưa biết chung quanh những ca khúc phổ thơ nổi tiếng. Ví dụ, “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người” đã vang lên suốt nửa thế kỷ vừa qua, nhưng không mấy ai tường tận sự ra đời của ca khúc này.
Tháng 5/1975, nhà thơ Đăng Trung (1939-2019) là phóng viên đi thực tế viết bài về đô thị phương Nam sau ngày giải phóng, đã có cảm hứng viết thêm những vần thơ để in kèm vào thiên ký sự. Tuy nhiên, do khuôn khổ tờ báo hạn chế, những vần thơ của Đăng Trung không thể xuất hiện trên mặt báo. Nhân dịp gặp nhạc sĩ Cao Việt Bách tại Sài Gòn cùng thời điểm ấy, nhà thơ Đăng Trung liền giới thiệu bản thảo của mình. Có được sự đồng cảm, nhạc sĩ Cao Việt Bách sáng tác nên ca khúc “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người”.
Ca khúc “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” được công diễn lần đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi nhạc sĩ Cao Việt Bách đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc. Vì sao khi non sông vừa liền một dải, nhà thơ Đăng Trung đã viết “Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai”? Lúc đó, Sài Gòn chưa đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nhà thơ Đăng Trung dựa vào câu thơ “Ai vô Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” trong bài thơ “Ta đi tới” ra đời tháng 8/1954 của nhà thơ Tố Hữu.
Với thể loại thơ phổ nhạc, ý tứ của nhà thơ và giai điệu của nhạc sĩ đã cộng hưởng để mang đến những món quà nghệ thuật có sức lay động tâm hồn thật sâu lắng. Từ bài thơ đến ca khúc, ngỡ rất gần mà cũng rất xa. Khoảng cách vừa cụ thể vừa mơ hồ kia phụ thuộc vào sự đồng điệu giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Thơ có đặc thù riêng của thơ, mà nhạc có đòi hỏi riêng của nhạc. Có những bài thơ rất hay, nhưng không thể phổ nhạc.
Ngược lại, có những bài thơ không có gì nổi trội trên văn bản, lại được phổ nhạc thành ca khúc đi vào lòng người. Đó là duyên của tác giả, và đó cũng là duyên của tác phẩm. Thế nhưng, căn cứ vào những ca khúc có sức lan tỏa, vẫn thấy được một quy tắc chung, khi và chỉ khi tâm hồn nhà thơ và tâm hồn nhạc sĩ có cùng một tần số xao xuyến, thì thơ phổ nhạc mới đủ sức thuyết phục công chúng.
Mỗi bài thơ đến với bạn đọc luôn gồm hai yếu tố, ngữ âm và ngữ nghĩa. Thơ được chọn phổ nhạc, thường có ưu điểm về ngữ âm hơn ngữ nghĩa. Bằng phẩm chất nghề nghiệp, nhạc sĩ nhận ra ngữ âm của bài thơ có tiết tấu để triển khai khúc thức. Và giai điệu dắt từng câu thơ đi xa. Và giai điệu đưa từng ý thơ bay cao. Không ít bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc với những phong cách khác nhau, không chỉ chứng minh ngôn từ mềm mại của nhà thơ, mà còn phô diễn tài năng của nhạc sĩ. Đối chiếu bài thơ và lắng nghe ca khúc ở các trường hợp thú vị ấy, càng hiểu rõ thêm sự tương tác giữa thi ca và âm nhạc.
Có nhạc sĩ phổ nguyên vẹn bài thơ, có nhạc sĩ phổ vài đoạn thơ và có nhạc sĩ chỉ cần mượn không khí trữ tình hoặc một số tứ của bài thơ đã có thể viết nên một ca khúc quyến rũ. Chẳng có công thức nhất định cho thơ phổ nhạc. Chỉ biết rằng, nếu nhà thơ viết bài thơ để nhằm mục đích phổ nhạc, hoặc nhạc sĩ phổ nhạc để chiều chuộng sở thích của nhà thơ, thì không hẳn có tác phẩm thơ phổ nhạc có giá trị. Nói cách khác, thơ phổ nhạc không thể cưỡng cầu và cũng không thể gượng ép. Với trình độ tiếp nhận hôm nay, công chúng chẳng mấy khó khăn để phân biệt hát thơ và thơ phổ nhạc.

Nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh, tác giả lời ca "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ".
Trong cuốn sách “Thơ phổ nhạc - 50 năm Thành phố Hồ Chí Minh”, giới mộ điệu được hiểu thêm nhiều tâm sự của những người làm nên các ca khúc nổi tiếng. Chẳng hạn, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ: “Tôi luôn mong ước được viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cơ duyên gặp được bài thơ “Dấu chân phía trước” của nhà thơ Hồ Thi Ca, đã giúp tôi nói hộ nỗi lòng của con dân đất Việt dành cho vị Lãnh tụ kính yêu. Khi viết, tôi đã dành nhiều nét nhạc để khắc họa hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường giải phóng dân tộc. Tôi chọn câu thơ “Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa” để mở đầu bài hát, không ngờ tạo được hiệu quả ấn tượng với khán giả”.
Tương tự, nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh có bài thơ “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” được phổ nhạc thành ca khúc quen thuộc, bày tỏ: “Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, rất nhiều thanh niên TP.HCM lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc, trong đó đồng đội thanh niên xung phong của tôi sát cánh các đơn vị bộ đội để bắc cầu, cáng thương, tải đạn… Vì vậy, tôi viết “Mai chiến trường xa/ Dẫu nhiều gian khổ/ Trái tim thành phố/ Vẫn đập trong người/ Như là cuộc sống/ Như là tình yêu/ Như là nỗi nhớ/ Suốt đời mang theo”. Nói chung, cảm hứng sáng tác của thế hệ cầm bút chúng tôi lúc đó chủ yếu là cảm hứng công dân, gắn liền với biến động của thời cuộc, với lòng yêu nước cháy bỏng”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013) được xem là một bậc thầy viết ca khúc phổ từ thơ.
Cuốn sách “Thơ phổ nhạc – 50 năm Thành phố Hồ Chí Minh” cũng chứng minh nhiều nhạc sĩ đã thành danh trong thời bom đạn, vẫn tiếp tục cống hiến và tỏa sáng trong thời bình. Điển hình là nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng có các ca khúc phổ thơ “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lá đỏ”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Cô gái vót chông”, “Đất quê ta mênh mông” trong kháng chiến chống Mỹ. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Hiệp tiếp tục chinh phục khán giả bằng những ca khúc phổ thơ như “Con đường có lá me bay”, “Mùa chim én bay” hoặc “Đánh mất”.