Theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền được phân công làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Hai Ủy viên phản biện gồm Thiếu tướng, TS. Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và KTS. Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích.
Ủy viên Hội đồng bao gồm đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, UBND tỉnh Điện Biên, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, các thành viên khác là đại diện từ Bộ Xây dựng; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Vụ Kế hoạch, Tài chính, Bộ VHTTDL; Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên; Cục Di sản văn hóa và tổ thư ký hành chính.

Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên là điểm du lịch về nguồn hấp dẫn. Ảnh: Báo Văn Hóa.
Về nhiệm vụ, Hội đồng thực hiện thẩm định Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, tổng hợp báo cáo trình Bộ VHTTDL xem xét, quyết định. Hội đồng chịu trách nhiệm về những đánh giá và kết luận của mình.
Trước đó, Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên đã phối hợp đơn vị tư vấn, tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 3080/UBND-KGVX ngày 27/6/2025 gửi Bộ VHTTDL về việc hoàn thiện hồ sơ.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 1661/NQ-UBTVQH15 (16/6/2025) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, từ ngày 1/7/2025, Sở VHTTDL tỉnh đã rà soát, cập nhật tên gọi và địa danh của các điểm di tích trong quần thể Chiến trường Điện Biên Phủ.
Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ là quần thể gồm hơn 40 điểm di tích lịch sử gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, tiêu biểu như: Đồi A1, Hầm Đờ-Cát, Cầu Mường Thanh, Sở chỉ huy Mường Phăng.
Đến nay, các di tích này vẫn giữ được toàn bộ hoặc một phần diện mạo xưa, góp phần tái hiện lại khung cảnh của cuộc chiến gian khổ và hào hùng, là niềm tự hào được truyền lại qua nhiều thế hệ người Việt Nam. Với những giá trị lịch sử này, vào năm 2009, quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ là “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn mà còn là điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch lịch sử - văn hóa của vùng Tây Bắc.
Việc hoàn thiện Quy hoạch nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác bảo quản, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, phục vụ nhiệm vụ giáo dục tuyên truyền, tham quan du lịch, thống nhất, đồng bộ công tác quản lý với sự vận hành của mô hình chính quyền địa phương hai cấp.