Theo khảo sát của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), phần lớn các doanh nghiệp đều nhận thấy giảm phát thải khí nhà kính (KNK) là cơ hội tạo nguồn thu từ thị trường carbon. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những thách thức khi tham gia thị trường này, đòi hỏi sự hỗ trợ về pháp lý và kỹ thuật một cách đồng bộ.
Thúc đẩy khối tư nhân khai mở thị trường
Tại Diễn đàn Thị trường carbon Việt Nam diễn ra ngày 10/4, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, từ sau Hội nghị COP26, luật chơi mới về thương mại đầu tư toàn cầu đã được xác lập. Thị trường tín chỉ carbon được các quốc gia xây dựng và hoạt động, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
"Trên thế giới hiện có khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng khoảng 110 công cụ định giá carbon và tính riêng trong năm 2024, các công cụ định giá carbon này đã kiểm soát hơn 12,8 tỉ tấn CO2 tương đương, chiếm 24% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Riêng thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải khí có 36 nơi áp dụng và chiếm 19% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương ứng 10,1 tỉ tấn CO2 tương đương”, ông Cường dẫn chứng.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu: "Nghị định về sàn giao dịch carbon sớm được ban hành". Ảnh: Kiều Chi.
Chung làn sóng chuyển dịch xanh của thế giới, Việt Nam đã và đang chủ động thành lập thị trường carbon với lộ trình: Từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm; từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc.
“Khối doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng tham gia thị trường này rất mạnh mẽ”, ông Tăng Thế Cường nhận định.
Theo thống kê từ đầu những năm 2000 đến nay, Việt Nam đã duy trì việc tham gia lâu dài vào các tiêu chuẩn tín chỉ carbon. Tính đến tháng 3/2025, Việt Nam có 274 dự án được đăng ký theo Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), 45 dự án theo Tiêu chuẩn carbon đã được xác minh (VCS) và 58 dự án theo Tiêu chuẩn Vàng (GS). Tổng cộng, các dự án này đã giúp giảm hơn 60 triệu tấn CO2 tương đương.
Mới đây, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cục Biến đổi khí hậu đã thực hiện một cuộc khảo sát để nhận diện mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường carbon tự nguyện ở bốn ngành trọng điểm: sản xuất lúa gạo; sản xuất thực phẩm và đồ uống (F&B); chăn nuôi, và quản lý chất thải. Kết quả cho thấy, 80% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm đồ uống, 50% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 40% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý chất thải và 10% doanh nghiệp sản xuất lúa gạo đã kiểm kê khí nhà kính. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp giảm phát thải cao như: Tiết kiệm điện, sử dụng, năng lượng tái tạo, trồng cây, và các biện pháp đặc thù ngành.
“Phần lớn các doanh nghiệp đều nhận thấy giảm phát thải KNK là cơ hội tạo nguồn thu từ thị trường carbon. Các doanh nghiệp ưu tiên tham gia thị trường bắt buộc trong nước ETS hơn so với các thị trường quốc tế do tính minh bạch cao và ít phức tạp hơn”, bà Phạm Liên Anh, Trưởng nhóm Tư vấn và Nghiên cứu kinh tế, Khu vực Mekong, IFC thông tin.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế tham gia vào thị trường carbon. Ảnh: Tống Minh.
Cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch
Dù nhận rõ tiềm năng của thị trường carbon và sẵn sàng tham gia, song các doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn. IFC chỉ ra rằng, các doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn tài chính và kiến thức chuyên môn; thiếu nhận thực về các tiêu chuẩn và cơ chế tín chỉ carbon. Bên cạnh đó là khó khăn trong nắm bắt các điều kiện tiêu chuẩn, yêu cầu về số liệu và thủ tục đăng ký dự án.
“Để đăng ký một dự án carbon, phải mất từ 2 – 3 năm, thậm chí là 4 năm. Việt Nam cần sớm đưa ra tiêu chuẩn carbon, có kế hoạch ưu tiên công nghệ như điện gió ngoài khơi, thu hồi metan trong các trang trại lợn…Một hệ sinh thái về carbon cần được sớm hình thành để chuẩn bị cho việc phê duyệt cũng như thẩm định các dự án ở Việt Nam”, ông Hoàng Anh Dũng, Tổng Giám đốc Intraco kiến nghị.

Bà Võ Hoàng Nga, Giám đốc ESG Công nghệ cao, Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa đề nghị cần có cơ chế trao đổi giao dịch tín chỉ carbon doanh nghiệp tham gia dễ dàng thực hiện. Ảnh: Kiều Chi.
Theo bà Võ Hoàng Nga, Giám đốc ESG Công nghệ cao, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, cần có cơ chế trao đổi giao dịch tín chỉ carbon doanh nghiệp tham gia dễ dàng thực hiện. Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành khung chính sách về gia dịch carbon tự nguyện và có bộ tiêu chuẩn của Việt Nam về chứng nhận tín chỉ carbon.
“Các cơ quan có thể tính đến việc thiết lập thị trường gia dịch tín chỉ carbon mở. Không yêu cầu các công ty bán tín chỉ cho các tổ chức được chỉ định nếu dự án được phát triển bằng nguồn lực riêng của công ty. Đồng thời, thành lập một cơ quan có thẩm quyền ở cấp trung ương để cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và pháp lý”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH HUSK Việt Nam đề xuất.
Trong khi thị trường carbon tuân thủ mới trong giai đoạn xây dựng, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013…