| Hotline: 0983.970.780

Thị trường carbon - 'đòn bẩy' phát triển công nghệ phát thải thấp tại Việt Nam

Thứ Năm 10/04/2025 , 11:10 (GMT+7)

Việt Nam đang tập trung xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật thị trường carbon, với sự cam kết hỗ trợ từ các tổ chức tài chính toàn cầu.

Sáng 10/4, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), phối hợp cùng Cơ quan hợp tác Phát triển - Đại sứ quán Thụy Sỹ, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam năm 2025.

Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam 2025 kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin về các vấn đề liên quan đến thị trường carbon, giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm rõ các cơ chế, chính sách, lộ trình thiết lập và vận hành thị trường.

Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam năm 2025 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Kiều Chi. 

Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam năm 2025 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Kiều Chi. 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường, nhấn mạnh "Diễn đàn nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050, xây dựng và phát triển thị trường carbon là bước đi chiến lược của Việt Nam. 

Thông qua buổi hội thảo, doanh nghiệp khu vực tư nhân sẽ có những bước chuẩn bị cần thiết để có thể sẵn sàng tham gia thị trường carbon, cũng như giúp các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin thực tiễn, đa chiều, làm cơ sở để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách, đảm bảo hiệu quả cao khi thực thi chính sách". 

Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường: Xây dựng và phát triển thị trường carbon là bước đi chiến lược của Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi. 

Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường: Xây dựng và phát triển thị trường carbon là bước đi chiến lược của Việt Nam. Ảnh: Kiều Chi. 

Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/01/2025 về việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam, lộ trình thị trường carbon Việt Nam được chia thành ba giai đoạn. Trước tháng 6/2025 là giai đoạn xây dựng khung pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028 là giai đoạn vận hành thí điểm; từ năm 2029 sẽ chính thức đưa thị trường vào hoạt động trên toàn quốc.

Về thể chế, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo hướng tiếp cận “kinh tế nâu sang chuyển đổi xanh”. Bộ NN-MT đang phối hợp chặt chẽ, tích cực với Bộ Tài chính, xây dựng Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước, cũng như nghị định, quy định về các hoạt động trao đổi carbon quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris.

"Các bộ, ngành Việt Nam đặt mục tiêu sớm phát triển thị trường carbon, đưa ra các công cụ định giá carbon phổ biến với thuế carbon, các cơ chế trao đổi tín chỉ", ông Cường nói. 

Ngoài ra, các công cụ định giá carbon có vai trò rất quan trọng, đóng góp cho cung cụ định giá carbon, gồm thị trường carbon tuân thủ và thị trường carbon tự nguyện. Phát triển thị trường carbon sẽ thúc đẩy công nghệ phát thải thấp vào thị trường Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu cũng khẳng định, sự sẵn sàng tham gia của khối doanh nghiêp Việt Nam hiện nay rất mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng chuyển đổi xanh, các dự án xanh.

Bà Elvira Morella, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Ảnh: Kiều Chi. 

Bà Elvira Morella, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Ảnh: Kiều Chi. 

Bà Elvira Morella, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế (IFC), chia sẻ: "Chúng tôi đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân trong đổi mới sáng tạo, thực hành phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, và các mục tiêu khí hậu vào năm 2050. Hiện đã có, hơn 2.000 doanh nghiệp trên thế giới đã có cam kết đạt Net Zero trong thỏa thuận chung toàn cầu.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã cung cấp vốn vay cho doanh nghiệp Việt Nam các lĩnh vực: nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng cam kết IFC đạt khoảng 2 tỷ USD hằng năm, trong đó tập trung đầu tư vào các dự án xanh, phát triển bền vững.

Đồng tình với đại diện IFC, bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ, cũng cho rằng, vai trò quan trọng của khu vực tư nhân là thiết yếu. Phát thải khí nhà kính sẽ không bị giới hạn ở ranh giới giữa các quốc gia, mà cần sự phối hợp tổng thể trên toàn cầu. 

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ. Ảnh: Kiều Chi. 

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ. Ảnh: Kiều Chi. 

Thụy Sỹ là quốc gia có tốc độ công nghiệp, hiện đại hóa nhanh, đầy đủ các đạo luật về biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác quốc tế để cùng đạt được các mục tiêu khí hậu chung để đạt được các mục tiêu khí hậu, đảm bảo sự kết nối và xây dựng chính sách khí hậu thông minh.

Trong giai đoạn 2025 - 2028, tài chính khí hậu là nội dung được ưu tiên và có tính cốt lõi trong hợp tác với Việt Nam. Thụy Sỹ cam kết đồng hành cùng Việt Nam đạt được mục tiêu Net Zero. Bà kỳ vọng các sáng kiến của doanh nghiệp Việt Nam sẽ mang tính chủ động và tích cực, cần thiết lập thị trường minh bạch, áp dụng đổi mới sáng tạo, biến mục tiêu khí hậu của toàn cầu thành các hành động thực tiễn hiệu quả. 

Diễn đàn thị trường carbon Việt Nam năm 2025 có sự tham dự và tham gia trao đổi của Cục Biến đối Khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và đại diện các cục, vụ chuyên trách về thị trường carbon của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Cùng với đó, là đại diện các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư, các ngân hàng, các bên tư vấn cung cấp dịch vụ, các hiệp hội ngành hàng, và các doanh nghiệp đang quan tâm, tham gia vào thị trường carbon.

Xem thêm
Nghệ An dự kiến giảm còn 130 đơn vị cấp xã sau sắp xếp

Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An thống nhất tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là gần 68,5%, tương đương còn khoảng 130 xã.