Ngày 26/5/2025, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã gửi văn bản đến Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước, chủ đầu tư dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước), để phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trong văn bản, doanh nghiệp yêu cầu làm rõ những dấu hiệu bất thường trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, cho rằng có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu.

Tập đoàn Sơn Hải có văn bản phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phương). Ảnh: Sơn Hải Group.
Theo phản ánh từ phía Tập đoàn Sơn Hải, ngày 17/3/2025, chủ đầu tư đã tiến hành mở thầu gói xây lắp thuộc dự án trên với tổng giá trị hơn 880,7 tỷ đồng. Gói thầu thu hút năm đơn vị tham gia dự thầu qua mạng. Trong đó, Tập đoàn Sơn Hải đưa ra mức giá thấp nhất với 732,3 tỷ đồng, tiết kiệm gần 148,5 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tương ứng với tỷ lệ giảm 16,85% so với giá gói thầu.
So với các đối thủ, mức chào giá của Tập đoàn Sơn Hải vượt trội về tính kinh tế. Các nhà thầu còn lại như Cienco4, Liên danh IB2500057961 và Liên danh Cao tốc Bình Phước đều đưa ra mức tiết kiệm từ 5% đến dưới 9%. Đáng chú ý, Liên danh Cao tốc HCM - TDM - CT, đơn vị sau đó được lựa chọn trúng thầu, chỉ đưa ra tỷ lệ tiết kiệm 1,62%, với giá dự thầu 866,5 tỷ đồng, cao nhất trong tất cả các hồ sơ dự thầu.
Ngày 22/5/2025, ông Đinh Tiến Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước đã ký Quyết định số KQ2500057961_2505221605, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trao quyền thực hiện gói thầu cho Liên danh Cao tốc HCM - TDM CT, gồm Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (nay là Binh đoàn 12) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Xây dựng NTV Thành Phát. Giá trúng thầu sau thỏa thuận 845,49 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 1,62%.
Điều khiến dư luận và giới chuyên môn không khỏi đặt dấu hỏi là việc hàng loạt nhà thầu có năng lực mạnh, kinh nghiệm lâu năm trong thi công hạ tầng giao thông như Cienco4, Vinaconex, Đèo Cả và chính Tập đoàn Sơn Hải đều bị loại khỏi cuộc đua. Lý do được đưa ra là các hồ sơ dự thầu điện tử, bao gồm cả tài liệu làm rõ, không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu.
Tập đoàn Sơn Hải cho rằng đây là nhận định không khách quan và thiếu căn cứ, bởi các đơn vị bị loại đều có năng lực thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia, sản phẩm đạt chất lượng cao, được kiểm chứng qua thời gian và thực tế công trình.
“Chúng tôi đã cam kết ở E-HSDT về chất lượng bảo hành dài nhất 10 năm, có giá dự thầu thấp nhất, tiết kiệm cho nhà nước nhiều nhất nhưng chủ đầu tư không chọn chúng tôi để trúng thầu”, văn bản của Tập đoàn Sơn Hải nêu rõ.
Tập đoàn Sơn Hải cũng cho rằng: "Chủ đầu tư có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật trong đấu thầu dẫn đến thất thoát, lãng phí rất lớn tiền của Nhà nước hơn 113 tỷ đồng và thiệt hại đến kinh tế, uy tín, danh dự của doanh nghiệp".

Tập đoàn Sơn Hải. Ảnh: Sơn Hải Group.
Hiện Tập đoàn Sơn Hải đề nghị UBND tỉnh Bình Phước và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.
Được biết, Dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt ngày 12/12/2024, có chiều dài khoảng 6,6km. Giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 6 làn xe.
Tuyến đường có 2 nút giao lớn, gồm một nút với cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành) và một nút giao với Quốc lộ 14. Ngoài ra, còn có một lối ra vào gần đường N14 thuộc KCN Becamex Bình Phước, kết nối với hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương.
Tuyến cao tốc cũng được thiết kế 3 hầm chui đảm bảo kết nối liên hoàn. Hầm số 1 giao với đường N15 (thuộc quy hoạch KCN Becamex), hầm số 2 và số 3 được bố trí ở phía trước và sau nút giao cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.