| Hotline: 0983.970.780

Sơn La: 6 tháng, xử lý 109 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng

Thứ Năm 17/07/2025 , 09:32 (GMT+7)

Qua đợt kiểm tra vào tháng 6, tỉnh Sơn La xử lý 109 vụ việc vi phạm; tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hàng giả với giá trị trên 425 triệu đồng.

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11 - tỉnh Sơn La về giải pháp quản lý Nhà nước đối với quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 82 ngày 4/6/2025 về việc phát động cao điểm chống hàng giả, hàng nhái trên toàn quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 22/5/2025 về việc thành lập Tổ công tác thực hiện đợt cao điểm đấu  tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tổ trưởng Tổ công tác 1181 đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra do Giám đốc các Sở: Công Thương; Y tế; Nông nghiệp và Môi trường và Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực IX làm trưởng đoàn, thực hiện kiểm tra tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn (theo đơn vị hành chính cũ).

Đoàn công tác đi kiểm tra tại các cửa hàng tạp hóa. Ảnh: Đặng Hậu - Chi cục ATTP Sơn La

Đoàn công tác đi kiểm tra tại các cửa hàng tạp hóa. Ảnh: Đặng Hậu - Chi cục ATTP Sơn La

Qua đợt cao điểm, Đoàn kiểm tra của tỉnh và các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 109 vụ việc vi phạm; với tổng số tiền thu, phạt, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,4 tỷ đồng; thu giữ, tiêu hủy hàng hoá, tang vật vi phạm với giá trị trên 425 triệu đồng. Nhiều tang vật bị tiêu hủy, bao gồm các mặt hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Ông Công nhấn mạnh, qua kiểm tra thực tế, công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều tiểu thương nhỏ lẻ vì thiếu hiểu biết nên có tình trạng “tránh” đoàn kiểm tra, không sử dụng hóa đơn chứng từ khi nhập hàng. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích kỹ càng, nhiều người đã thay đổi, tuân thủ các quy trình mua bán và xuất hóa đơn theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng, lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng cần được đặc biệt quan tâm. Gần đây, tại Mộc Châu đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc, cho thấy nguy cơ từ các nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn hiện hữu. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ đầu vào của thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

“Chống hàng giả, hàng nhái cần có sự tham gia của toàn dân. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, chúng ta cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ”, ông Công khẳng định.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tổ chức thêm nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, đồng thời tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là trên môi trường số. Ông Công cũng cho rằng phản ánh từ người dân là kênh thông tin rất quan trọng, giúp chính quyền nhanh chóng phát hiện vi phạm, xử lý kịp thời và dứt điểm.

“Các mặt hàng vi phạm sau khi bị phát hiện cần được tiêu hủy công khai để răn đe, phòng ngừa việc tái phạm trong cộng đồng kinh doanh”, ông Công nhấn mạnh.

Cũng theo ông Công, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 20.405 tỷ đồng. Dự kiến cả năm con số này có thể vượt mốc 50.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức mua ổn định, tạo động lực để tỉnh tiếp tục đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Xem thêm

Bình luận mới nhất