Triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La đã tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ ổn định tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt ngay từ những ngày đầu.
Tăng cường hỗ trợ cơ sở
Ngay sau chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La đã cử các đồng chí lãnh đạo Sở cùng tham gia các đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, trực tiếp hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, với nhiều thay đổi về phân quyền, phân cấp. Đến nay, có 3 cán bộ là viên chức quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở được điều động, tăng cường về cơ sở để hỗ trợ triển khai chính quyền 2 cấp

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La tham gia cùng Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc vận hành thử nghiệm tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tô Hiệu. Ảnh: Nguyễn Nga.
Đồng thời, thành lập Tổ hỗ trợ lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường do ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở làm Tổ trưởng. Các Phó Giám đốc Sở làm Tổ phó, cùng các thành viên là lãnh đạo, chuyên viên các phòng, đơn vị, chi cục trực thuộc Sở. Danh sách thành viên được phân theo từng lĩnh vực chuyên môn như đất đai, môi trường, khoáng sản, đo đạc bản đồ, trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn, thủy lợi, lâm nghiệp…
Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ xử lý các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và môi trường trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân lực các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; hỗ trợ phân cấp, phân quyền và điều phối hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời đề xuất các giải pháp về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường phù hợp với mô hình chính quyền mới.
Các phòng, ban chuyên môn cũng được giao tăng cường rà soát, thống kê toàn bộ danh mục thủ tục hành chính và xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành, trình UBND tỉnh công bố theo đúng quy định. Trong đó, lĩnh vực đất đai có 46 thủ tục đã được công bố, gồm 1 thủ tục hành chính mới ban hành, 19 thủ tục được sửa đổi, bổ sung và 26 thủ tục được thay thế.

Vận hành việc tiếp nhận thủ tục hành chính về đất đai tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tô Hiệu. Ảnh: Nguyễn Nga.
Song song đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La đã xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, dự kiến diễn ra trong tháng 7 này. Hội nghị sẽ được triển khai đến đại diện lãnh đạo UBND 75 xã, phường mới; đại diện lãnh đạo, công chức Phòng Kinh tế các xã, Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị các phường. Tại Hội nghị này, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ trực tiếp hướng dẫn sử dụng phần mềm cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân.
Ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết: Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chính quyền cấp xã, phường mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Toàn ngành đã huy động toàn lực lượng, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết cho từng phòng, ban chuyên môn, từng địa bàn phụ trách nhằm đồng hành hiệu quả với cấp cơ sở trong giai đoạn chuyển đổi này.

Ông Dương Gia Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) được điều động về cơ sở, giữ chức Chủ tịch UBND xã Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Nga.
Tái cơ cấu tổ chức, chuyển đổi số toàn diện
Cùng với công tác chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cũng chủ động cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo mô hình mới. Toàn bộ hệ thống Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đã được rà soát, chuyển nguyên trạng về Trung tâm Khuyến nông tỉnh và tổ chức lại thành Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh được cải tổ, gồm Văn phòng đăng ký tỉnh và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại 12 khu vực, đảm bảo kết nối thông suốt từ cấp tỉnh tới 75 đơn vị cấp xã. Việc cấp giấy chứng nhận, tiếp nhận hồ sơ điện tử, chỉnh lý biến động đất đai được triển khai theo quy trình mới, hướng tới minh bạch, tiện lợi, giảm tối đa thời gian chờ đợi cho người dân.
Hệ thống kiểm lâm cơ sở, lực lượng nòng cốt bảo vệ tài nguyên rừng, cũng được kiện toàn theo hướng tinh gọn theo các khu vực, phân công lại địa bàn phụ trách theo xã, phường mới. Việc ứng dụng công nghệ giám sát rừng qua vệ tinh, xây dựng bản đồ số và thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh từ cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm tình trạng xâm hại rừng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.

Không khí bận rộn ngày đầu tiên đi vào hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Gia Phù. Ảnh: Nguyễn Nga.
Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La được tổ chức lại, tiếp nhận 4 Trung tâm cấp huyện, thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND tỉnh, dự kiến sẽ triển khai 11 chi nhánh trên địa bàn toàn tỉnh.
Với các phòng ban còn lại, Sở Nông nghiệp và Môi trường giao tập trung rà soát, tổ chức, sắp xếp lại để phù hợp với giai đoạn mới, mô hình mới, yêu cầu mới, bảo đảm nhanh, chất lượng, đoàn kết, thống nhất, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các phòng, chi cục, đơn vị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn.
Không chỉ tập trung cải cách tổ chức bộ máy, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ lĩnh vực quản lý, từ đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn… đến thủy lợi, nông nghiệp, nông thôn.
Ngành đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với VNPT Sơn La, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phòng ngừa ô nhiễm, quản lý khoáng sản, nông nghiệp thông minh... Với mục tiêu, đến năm 2030, ngành nông nghiệp và môi trường Sơn La sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số chuyên ngành về đất đai, nông nghiệp, thủy lợi, rừng, môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải... trên nền tảng đồng bộ, số hóa toàn diện, cập nhật thường xuyên và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường.